Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Sự phục hồi kinh tế Trung Quốc và những tác động tới Hàn Quốc

#Tiêu điểm kinh tế l 2020-10-26

ⓒ YONHAP News

GDP Trung Quốc tăng trưởng 4,9% trong quý III


Nền kinh tế Trung Quốc, nơi khởi phát dịch COVID-19, đã trở lại “đúng quỹ đạo” sau khoảng thời gian “trật bánh” do dịch COVID-19, với tốc độ tăng trưởng quý III nhanh hơn quý trước. 

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong quý III đã tăng trưởng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng trưởng 3,2% trong quý II và tăng trưởng -6,8% vào quý I. GDP tích lũy ba quý đầu năm cũng đã tăng trưởng 0,7% so với một năm trước. Như vậy, trong khi các nền kinh tế lớn khác vẫn tăng trưởng âm do ảnh hưởng của đại dịch, Trung Quốc đã đạt được sự phục hồi hình chữ V. Theo Capital Economics, một cơ quan phân tích kinh tế tại Anh, Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất tăng trưởng so với thời điểm trước dịch COVID-19, nhờ những phản ứng nhanh chóng của Bắc Kinh đối với dịch bệnh và các biện pháp kích thích kinh tế hiệu quả. Sản xuất, đầu tư, xuất khẩu của Trung Quốc đều đạt kết quả khả quan. Thậm chí, tiêu thụ nội địa vốn trì trệ đã hồi sinh hai tháng liên tiếp. Theo đó, tốc độ tăng trưởng quý IV của Trung Quốc dự kiến sẽ đạt 5-6%. Hôm nay, ông Cho Yong-chan, Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế Mỹ-Trung, phân tích nguyên nhân đằng sau sự phục hồi kinh tế của quốc gia đông dân nhất thế giới này và những tác động đối với kinh tế Hàn Quốc. 


Dự đoán Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất tăng trưởng năm nay


Theo báo cáo mới nhất vào tháng 10, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất tăng trưởng trong năm 2020, với mức tăng trưởng 1,9% trong năm nay và 8,2% trong năm 2021. Hơn nữa, tiêu dùng trong nước, một trong những động cơ tăng trưởng quan trọng của Bắc Kinh, cũng có dấu hiệu hồi phục. Riêng trong tháng 9, doanh số bán lẻ đã tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái, và dự kiến sẽ tăng mạnh hơn trong tháng 10. Năm 2021 là năm đầu tiên trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của đảng Cộng sản Trung Quốc. Quốc gia này dự kiến sẽ chứng kiến sự gia tăng về đầu tư, sản lượng công nghiệp, tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế toàn cầu. 


Các nhà xuất khẩu của Hàn Quốc dự kiến được hưởng lợi


Đà tăng trưởng của Trung Quốc đã thúc đẩy xu hướng đồng nhân dân tệ mạnh trên thị trường ngoại hối. Theo đó, đồng won của Hàn Quốc cũng tăng giá so với đồng đô-la Mỹ để theo kịp đà tăng giá của đồng nhân dân tệ, phản ánh mối quan hệ kinh tế chặt chẽ giữa hai nước Hàn-Trung. Những dấu hiệu phục hồi kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc dự kiến sẽ tác động tích cực đến kinh tế Hàn Quốc. Ông Cho Yong-chan cho biết. 


Kinh tế Trung Quốc phục hồi nhanh chóng là một dấu hiệu tốt cho kinh tế Hàn Quốc. Các doanh nghiệp xuất khẩu ô tô, linh kiện điện tử, mỹ phẩm của Hàn Quốc sang Trung Quốc có thể khôi phục khả năng cạnh tranh. Phiên họp toàn thể lần thứ 5 của Ủy ban trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XIX sẽ được tổ chức từ ngày 26/10 nhằm hoàn thiện kế hoạch 5 năm lần thứ 14. Có nguồn tin cho rằng Bắc Kinh sẽ đầu tư 1.600 tỷ USD vào các lĩnh vực công nghệ cao như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), mạng internet vạn vật (IoT) để trở thành cường quốc công nghệ toàn cầu. Trên thực tế, Trung Quốc hiện đang nhập khẩu 300 tỷ USD chíp bán dẫn mỗi năm, và các nhà sản xuất chíp bán dẫn, linh kiện, màn hình hiển thị Hàn Quốc chắc chắn được hưởng lợi. Theo một cuộc khảo sát dành cho các doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Trung Quốc, chỉ số tâm lý kinh doanh về triển vọng bán hàng trong quý III đạt mức cao nhất trong hai năm qua. Với môi trường kinh doanh được cải thiện, chỉ số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong quý IV.     


Tác động tiêu cực từ làn sóng COVID-19 thứ hai tại Mỹ, châu Âu


Trong khi nền kinh tế Trung Quốc đang tăng tốc, Mỹ và châu Âu đang lo ngại về cuộc suy thoái kép do dịch COVID-19 tăng trở lại. Làn sóng lây nhiễm thứ hai tại châu Âu tồi tệ hơn làn sóng đầu tiên do mức độ lây nhiễm vào mùa thu và đông dự kiến cao hơn. Nhiều quốc gia ở châu Âu đã đóng biên giới, báo hiệu viễn cảnh ảm đạm trong quý IV. Trong khi đó, dịch COVID-19 cũng gióng hồi chuông cảnh báo đối với Mỹ. Do cuộc đàm phán giữa Nhà Trắng và đảng đối lập Dân Chủ về kế hoạch cứu trợ COVID-19 bị trì hoãn, Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs và Ngân hàng Bank of America (BOA) đã hạ dự báo tăng trưởng quý IV. Những rủi ro về bất ổn kinh tế của Mỹ và châu Âu có thể ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế toàn cầu nói chung, kinh tế vốn phụ thuộc lớn vào thị trường bên ngoài như Hàn Quốc nói riêng.


Lo ngại về xung đột Mỹ-Trung


Nền kinh tế toàn cầu đang suy thoái và nhiều quốc gia phong tỏa biên giới để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Hiện vẫn chưa chắc liệu Mỹ có thực hiện các bước kích thích lớn sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hay không. Ngoài ra, Washington sẽ cảm thấy không thoải mái với thực tế Bắc Kinh là nền kinh tế lớn duy nhất phục hồi kinh tế. Nhiều ý kiến lo ngại xung đột thương mại Mỹ-Trung sẽ gia tăng. Ông Cho Yong-chan nhận định. 


Hàn Quốc đang chịu áp lực lớn trong bối cảnh căng thẳng giữa đồng minh truyền thống lâu năm là Mỹ và đối tác thương mại số một là Trung Quốc. Nếu Seoul có thái độ không rõ ràng, Washington có thể áp đặt mức thuế cao hơn đối với hàng hóa Hàn Quốc, như ô tô. Đây cũng có thể là lý do để Mỹ gây áp lực buộc Hàn Quốc tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa của nước này. Seoul cũng có thể bị đẩy ra ngoài cuộc đàm phán hạt nhân với Bình Nhưỡng. Về phần mình, Trung Quốc có thể cân nhắc hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Hàn Quốc hay thực hiện các động thái khiêu khích quân sự trên biển Tây. Nếu Hàn Quốc đứng về phía Mỹ, một tranh chấp tương tự vụ Seoul bị Bắc Kinh trả đũa kinh tế khi cho phép Washington triển khai tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm trung cao (THAAD) tại Hàn Quốc trước đây có thể lại xảy ra. Hàn Quốc không nên tạo thêm kẻ thù vì lợi ích quốc gia. Chính phủ cần tìm ra các chiến lược ngoại giao hiệu quả với các cường quốc, và xây dựng kế hoạch dự phòng cho kịch bản xấu nhất. Nếu không có chiến lược ở cấp Chính phủ, các doanh nghiệp sẽ thờ ơ trong đầu tư, hợp tác kỹ thuật cho nghiên cứu và phát triển, mở rộng thị trường và việc làm. Hiện tại, điều quan trọng là Chính phủ phải đưa ra mục tiêu và tầm nhìn quốc gia.

Lựa chọn của ban biên tập