Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Trung Quốc bóp méo lịch sử chiến tranh Triều Tiên

2020-10-31

Tin tức

ⓒYONHAP News

Tại lễ kỷ niệm 70 năm ngày quân đội Trung Quốc chính thức tham gia chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) diễn ra vào ngày 23/10, Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu rằng quân viện trợ nhân dân Trung Quốc dưới lá cờ bảo vệ hòa bình, phản đối xâm lược, đã vượt qua sông Amnok (sông Áp Lục, con sông nằm ở biên giới Trung-Triều), nắm tay Bắc Triều Tiên, giành được chiến thắng vĩ đại, giúp ổn định tình thế bán đảo Hàn Quốc, gìn giữ hòa bình châu Á và thế giới. Phát ngôn này của nhà lãnh đạo Trung Quốc đã bóp méo sự thật lịch sử về chiến tranh Triều Tiên, nổ ra vào ngày 25/6/1950 do cuộc tấn công bất ngờ xuống miền Nam của quân đội miền Bắc dưới sự hậu thuẫn của quân đội Trung Quốc.

 

“Kháng Mỹ viện Triều”

Phát biểu của ông Tập Cận Bình bị chỉ ra là lời lẽ “bóp méo lịch sử trơ trẽn”, hoàn toàn khác với sự thật. Trung Quốc lấy ngày ngày 25/10 hàng năm là ngày “kháng Mỹ viện Triều”, nhằm kỷ niệm ngày giành được chiến thắng đầu tiên trong trận đánh với quân đội Hàn Quốc trong chiến tranh Triều Tiên. Gần đây, Trung Quốc đang dốc toàn lực để khơi lại tinh thần “kháng Mỹ viện Triều”, được phân tích là nhằm chống lại sức ép từ Mỹ, kích động chủ nghĩa dân chủ, đẩy mạnh đoàn kết thể chế.

 

Lập luận bóp méo lịch sử của Bắc Kinh

Chiến tranh Triều Tiên nổ ra ngày 25/6/1950, khi quân đội Bắc Triều Tiên, dưới sự hậu thuẫn của Trung Quốc, bất ngờ tấn công xâm lược miền Nam. Đây là một sự thật lịch sử không thể lay chuyển. Khi đó, Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Nhật Thành đã thăm dò sự hỗ trợ từ Liên Xô và Trung Quốc trước khi tiến hành xâm lược miền Nam. Sau khi được Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông cam kết sẽ hỗ trợ, nước này mới bắt tay vào hành động. Trong giai đoạn đầu, Trung Quốc đã cử hai sư đoàn gồm những người dân tộc Joseon, dân tộc thiểu số gốc Hàn, cho Bắc Triều Tiên. Lực lượng này được bố trí ở tuyến đầu trong cuộc tấn công xuống miền Nam. Sau khi quân đội Liên hợp quốc tham chiến, Bắc Triều Tiên bị dồn tới gần biên giới Trung-Triều. Khi đó, Trung Quốc mới trực tiếp cử quân Giải phóng nhân dân công khai tham chiến. Có thể nói, việc Trung Quốc tham gia chiến tranh Triều Tiên không mang ý nghĩa “kháng Mỹ viện Triều”, mà ngay từ đầu, nước này đã thông đồng với miền Bắc để châm ngòi cuộc chiến. Theo đó, không phải Trung Quốc là bên gìn giữ hòa bình, mà nói đúng ra chính là thủ phạm phá hủy hòa bình. Bất chấp lịch sử như vậy, Trung Quốc vẫn lập luận sai lệch rằng chiến tranh Triều Tiên là cuộc nội chiến giữa hai miền Nam-Bắc và Trung Quốc đã can thiệp vào cuộc nội chiến, chống lại quân đội Mỹ đe dọa đến nền hòa bình, giúp đỡ Bắc Triều Tiên.

Không chỉ dừng lại ở phát biểu trên của Chủ tịch Tập Cận Bình, Đoàn thanh niên Cộng sản Trung Quốc, một tổ chức thanh niên của đảng Cộng sản Trung Quốc với hơn 80 triệu hội viên, và người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này cũng liên tiếp đưa ra những lập luận tương tự, cho rằng chiến tranh Triều Tiên là một cuộc nội chiến, phủ nhận cuộc tấn công xuống miền Nam của miền Bắc.

 

Lập trường của Hàn Quốc và Mỹ

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Suh Wook trong buổi thanh tra của Ủy ban Quốc phòng thuộc Quốc hội ngày 26/10 đã nêu ra lập trường rõ ràng rằng ông không đồng ý với phát ngôn trên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Bộ trưởng Suh nhấn mạnh chiến tranh Triều Tiên bùng nổ do miền Bắc tấn công xâm lược xuống miền Nam dưới sự xúi giục của lãnh đạo tối cao Liên Xô Stalin và Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông.

Về phía Mỹ, trên tài khoản Twitter cá nhân ngày 25/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus phản bác rằng Bắc Triều Tiên dưới sự hậu thuẫn của Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông đã tấn công xâm lược Hàn Quốc vào ngày 25/6/1950. Sau khi các quốc gia tự do tiến hành phản kích, đảng Cộng sản Trung Quốc đã cử hàng trăm nghìn quân lính vượt qua sông Amnok, mang thảm họa tới bán đảo Hàn Quốc.

Lựa chọn của ban biên tập