Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Triển vọng của Hiệp định RCEP đối với Hàn Quốc

#Tiêu điểm kinh tế l 2020-11-16

ⓒ YONHAP News

RCEP và cơ hội mới cho Seoul


Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã ký thỏa thuận cuối cùng về Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) tại hội nghị trực tuyến với lãnh đạo các nước thành viên vào ngày 15/11 vừa qua. RCEP là một Hiệp định thương mại tự do (FTA) có 15 nước tham gia gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand và 10 nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Mặc dù Ấn Độ cuối cùng quyết định không tham gia, RECP vẫn là Hiệp định thương mại tự do khu vực lớn nhất thế giới với dân số 2,6 tỷ người, gần một phần ba dân số thế giới, và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hơn 10.000 tỷ USD. RCEP thậm chí còn vượt qua quy mô của Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và Liên minh châu Âu (EU). Hiệp định này được kỳ vọng mang đến nhiều cơ hội kinh doanh mới cho Hàn Quốc. Hôm nay, ông Kim Dae-ho, Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế toàn cầu phân tích bối cảnh xung quanh Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực. Ông phân tích. 


Các khối kinh tế lớn đã được hình thành ở châu Âu, châu Mỹ nhưng có ít khối kinh tế như vậy ở châu Á. Sự ra đời của Hiệp định đối tác toàn diện khu vực tạo động lực cho châu Á vươn lên, với chủ trương tìm kiếm sự thịnh vượng chung thông qua tự do thương mại. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang thúc đẩy Chính sách phương Nam mới, tăng cường hợp tác với các nước ASEAN và các nước Nam Á. Giờ đây, các quốc gia trong khu vực có thể thiết lập một khối kinh tế lớn hơn, tăng cường tự do thương mại mà không tốn quá nhiều thời gian đàm phán. Với Seoul, RCEP là cơ hội tuyệt vời để mở rộng lãnh thổ kinh tế.  


RCEP mở ra cơ hội ổn định kinh tế trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung


Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã kết thúc, nhưng chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch sẽ không sớm chấm dứt trên toàn cầu. Trong bối cảnh hiện nay, dư luận đặt kỳ vọng lớn vào Hiệp định thương mại tự do khu vực lớn nhất thế giới RCEP. Hiệp định sẽ áp dụng các quy định thương mại mới nhất về xuất xứ, quyền sở hữu trí tuệ, phương thức tiếp cận thị trường, dịch vụ, hàng hóa và đầu tư cho các nước thành viên. Tất nhiên, các nước thành viên sẽ được hưởng lợi bởi hàng hóa sản xuất từ các nước trong khu vực sẽ được ưu đãi về thuế. Theo đó, các cơ sở sản xuất của Hàn Quốc ở các nước thành viên của RCEP sẽ có lợi thế cạnh tranh, quyền sở hữu trí tuệ đối với nội dung văn hóa Hàn Quốc sẽ được bảo vệ tốt hơn, bởi RCEP tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong bối cảnh làn sóng văn hóa Hàn Quốc Hallyu lan tỏa mạnh mẽ ở khu vực này. Giám đốc Kim Dae-ho phân tích.


Xuất khẩu của Hàn Quốc đã gặp nhiều khó khăn kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền và theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. Nhưng với RCEP, Seoul có thể xuất khẩu sang 15 nước mà không gặp phải rào cản thương mại. Đây thực sự là một tin tốt lành cho nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu như Hàn Quốc. Theo Viện nghiên cứu kinh tế Hàn Quốc (KERI), nếu xung đột thương mại Mỹ-Trung kéo dài, xuất khẩu của Hàn Quốc dự đoán sẽ giảm 75% và nhập khẩu tăng 181%. Song, khi RCEP chính thức ra mắt, mức giảm xuất khẩu sẽ dừng lại ở mức 22% trong khi nhập khẩu sẽ được giữ nguyên như hiện tại. Thậm chí, xét về trung và dài hạn, GDP của Hàn Quốc sẽ tăng thêm 1,1%, và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi 1,1 tỷ USD từ giảm thuế.  


RCEP đặt nền móng cho FTA Hàn-Nhật đầu tiên


Hiệp định RCEP đã đặt nền móng cho việc ký kết một FTA giữa ba nước Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản bởi ba nước đều là thành viên của RCEP. Hơn nữa, đây cũng là cơ hội thiết lập một kênh đối thoại đa phương với Tokyo, vốn đang có nhiều mâu thuẫn với Seoul xung quanh các hạn chế xuất khẩu. Trên thực tế, Hàn Quốc đã ký kết FTA với tất cả các nước thành viên RCEP, trừ Nhật Bản. Seoul và Tokyo đã khởi động đàm phán FTA từ năm 2003, nhưng chỉ một năm sau các cuộc đàm phán đã bị đình chỉ trước những lo ngại về thiệt hại của các doanh nghiệp Hàn Quốc nếu mở cửa thị trường. Giờ đây, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực đã mở ra cơ hội đưa Seoul và Tokyo xích lại gần hơn. Ông Kim Dae-ho cho biết. 


Nhờ RCEP, các doanh nghiệp Hàn Quốc có thể xuất khẩu sản phẩm sang Nhật Bản với mức thuế thấp hơn, và Nhật Bản có thể tiếp cận thị trường Hàn Quốc dễ dàng hơn, thúc đẩy thương mại giữa hai nước, dù quy mô sẽ không lớn bằng một FTA song phương. Seoul kém cạnh tranh hơn Tokyo về vật liệu, phụ tùng thiết bị, và nông thủy sản, nên nhập khẩu các sản phẩm từ Nhật Bản có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp Hàn Quốc. Cùng với đó, Seoul còn phải đối mặt với các hàng rào phi thuế quan khi xuất khẩu hàng hóa sang Tokyo. Chẳng hạn, Nhật Bản rất ngại mua các hàng hóa xuất xứ Hàn Quốc, như doanh số bán ô tô Hàn Quốc tại Nhật Bản cực kỳ thấp so với các thị trường khác. Trong khi các hàng rào phi thuế quan khiến Seoul khó khai phá thị trường này, các sản phẩm Nhật Bản nếu được miễn thuế khi vào Hàn Quốc sẽ có sức cạnh tranh lớn về giá cả và thậm chí có thể chi phối thị trường Hàn Quốc. Do đó, Seoul cần chuẩn bị cho việc gỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan.      


Liệu Hàn Quốc có thể duy trì cân bằng giữa xung đột lợi ích Mỹ-Trung?


Như đã đề cập ở trên, RCEP không chỉ có tác động tích cực mà cũng tác động tiêu cực đối với Hàn Quốc. Chẳng hạn, nền nông nghiệp Hàn Quốc có thể chịu một cú sốc lớn bởi kém cạnh tranh và dễ bị tổn thương trước những cường quốc nông nghiệp như Trung Quốc. Đối với Seoul, một vấn đề khác là RCEP hiện đang do Bắc Kinh dẫn đầu, nên có thể gây ra xung đột lợi ích với chính sách kinh tế của Tổng thống Mỹ mới đắc cử Joe Biden. Là một người ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương, ông Biden cam kết quay trở lại Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiệp định mà Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi hồi tháng 1 năm 2017. Viện trưởng Kim Dae-ho giải thích. 


Khi ông Biden giữ chức Phó Tổng thống Mỹ dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama, Mỹ đã dẫn dắt thiết lập Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Tổng thống kế nhiệm Donald Trump đã từ chối ký hiệp định và giờ đây TPP chỉ là một nhóm thương mại tầm nhỏ. Ngay khi ông Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ thì RCEP lại ra đời, Mỹ có khả năng cao sẽ gia tăng cảnh giác với khả năng Trung Quốc trở thành siêu cường châu Á. Rõ ràng, Washington chắc chắn không hài lòng nếu Seoul nghiêng về phía Bắc Kinh bởi Hàn Quốc và Mỹ vốn là đồng minh truyền thống lâu năm. Khi thăm Hàn Quốc năm 2013 trên cương vị Phó Tổng thống Mỹ, ông Biden đã cảnh báo Seoul không nên đứng về phía Bắc Kinh. Nhiều chuyên gia lo ngại Hàn Quốc có thể bị Mỹ lạnh nhạt nếu tiến gần hơn đến Trung Quốc.  

 

Thách thức của Hàn Quốc giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới


Hiện tại, Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương chỉ còn 11 nước tham gia, trong đó có Nhật Bản, Canada và Australia, và không bao gồm Mỹ và Hàn Quốc. Nếu chính quyền Biden gây sức ép để Seoul tham gia vào TPP do Washington đứng đầu, Hàn Quốc chắc chắn sẽ khó từ chối. Và việc tham gia đồng thời hai khối kinh tế dẫn đầu bởi Mỹ và Trung Quốc, Seoul sẽ gặp khó khăn trong việc cân bằng lợi ích với cả Washington và Bắc Kinh. 


Với tư cách là một thành viên RCEP, Hàn Quốc cần xem xét cách phản ứng với yêu cầu tham gia TPP của Mỹ. Nhiều chuyên gia cho rằng Seoul phải xem xét lại “chiến lược mơ hồ” trong thương chiến Mỹ-Trung vốn đã thực hiện từ trước. Bên cạnh đó, là nước đứng đầu RCEP, Bắc Kinh có thể cấu trúc theo hướng tăng cường sức ảnh hưởng của Trung Quốc. Điều này sẽ khiến Seoul phải đối mặt với một thách thức lớn, nên cần phải có sự hợp tác giữa khối tư nhân và Nhà nước để tìm ra giải pháp tối ưu để tăng cường khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Đó là bởi nếu sản phẩm của Hàn Quốc có thể thu hút người tiêu dùng trên toàn cầu, thì chúng sẽ mang lại lợi ích to lớn cho cộng đồng thế giới mà không bị phụ thuộc vào hệ tư tưởng chính trị.

Lựa chọn của ban biên tập