Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Ra mắt Hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới RCEP

2020-11-21

Tin tức

ⓒYONHAP News

Ngày 15/11, 15 nước gồm 10 nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 5 nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Australia đã chính thức ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), một siêu Hiệp định thương mại tự do (FTA) với quy mô lớn nhất thế giới, chiếm 30% thương mại, dân số, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) danh nghĩa của toàn thế giới.

 

Hội nghị thượng đỉnh RCEP và lễ ký kết hiệp định

Lễ ký kết hiệp định được tổ chức theo hình thức hội nghị trực tuyến song song với Hội nghị thượng đỉnh RCEP. Tại đây, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhấn mạnh lần này, các nước đã bảo vệ giá trị thương mại tự do bằng hành động cụ thể. Ông Moon tin tưởng RCEP sẽ đóng góp vào sự hồi phục chủ nghĩa đa phương trong khu vực và toàn thế giới, phát triển trật tự thương mại tự do. Lãnh đạo các nước đã thông qua Tuyên bố chung Hội nghị thượng đỉnh, thể hiện quyết tâm xúc tiến nhanh các quy trình nội bộ còn lại, như phê chuẩn tại Quốc hội mỗi nước. Hiệp định sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ khi có hơn 6 trên 10 nước ASEAN và 3 trên 5 nước ngoài ASEAN trình lên Ban thư ký biên bản phê chuẩn của Quốc hội nước đó. Chính phủ Hàn Quốc nhận định RCEP sẽ có hiệu lực trong nửa đầu năm sau. Trong Tuyên bố chung còn có nội dung các nước đánh giá cao vai trò của Ấn Độ và sẽ tiếp tục để ngỏ cánh cửa, kêu gọi sự tham gia của quốc gia đông dân thứ hai thế giới này tham gia RCEP.


RCEP

Nhật Bản là nước đầu tiên nêu ra ý tưởng về Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực. Tuy nhiên sau đó, các nước ASEAN đã đứng ra tích cực xúc tiến ký kết RCEP. Sau khi Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh giành ưu thế về thương mại, hiệp định lại được xem như một khối kinh tế do Trung Quốc dẫn đầu. Các nước tuyên bố khởi động đàm phán RCEP tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN diễn ra ở Campuchia vào tháng 11 năm 2012. Để đi đến bước ký kết hiệp định, trong vòng 8 năm qua đã diễn ra tổng cộng 31 cuộc đàm phán chính thức, 19 Hội nghị Bộ trưởng và 4 Hội nghị thượng đỉnh liên quan. Mục đích của RCEP là giảm nhẹ thuế quan giữa các nước tham gia, thiết lập vững chắc một cơ chế đầu tư, thương mại có hệ thống, từ đó thúc đẩy thương mại.

 

Hiệu quả kỳ vọng và lo ngại

Mặc dù RCEP được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều hiệu quả trong việc mở cửa thị trường với Hàn Quốc, song bên cạnh đó cũng có không ít ý kiến lo ngại. Mối quan tâm lớn nhất của giới doanh nghiệp Hàn Quốc là hiệp định này sẽ tạo ra hiệu quả tương tự như việc ký kết FTA với Nhật Bản. Bên cạnh ý kiến kỳ vọng về hiệu quả xóa bỏ thuế quan với hàng hóa xuất khẩu sang Nhật Bản, nhiều ý kiến lo ngại rằng các mặt hàng vật liệu, linh kiện, trang thiết bị của Nhật Bản, vốn có ưu thế hơn so với các mặt hàng của doanh nghiệp Hàn Quốc, sẽ được đẩy nhanh tốc độ chiếm lĩnh thị trường trong nước. Do đó, đối sách nâng cao sức cạnh tranh ngành vật liệu, linh kiện, trang thiết bị của Chính phủ Seoul có thể sẽ rơi vào khó khăn. Chính phủ Hàn Quốc giải thích đã thiết lập các biện pháp an toàn đối phó với lo ngại này, như xóa bỏ hàng rào thuế quan dần dần, giảm thiểu thiệt hại cho ngành công nghiệp trong nước. Về mặt thương mại với các quốc gia Đông Nam Á, mức độ mở cửa thị trường sẽ được nâng lên. Xét theo mặt hàng, tỷ lệ xóa bỏ thuế quan của các nước ASEAN với Hàn Quốc đang ở mức từ 79,1% đến 89,4% sẽ được nâng lên từ 91,9% đến 94,5%. Riêng phạm vi mở cửa thị trường với các nước Trung Quốc, Australia, New Zealand sẽ không có sự thay đổi lớn. Mức độ mở cửa thị trường với các mặt hàng nông, thủy sản không thay đổi nhiều so với phạm vi mở cửa của các FTA hiện hành, nên người nông dân và ngư dân sẽ không bị thiệt hại. Các mặt hàng nông sản như gạo, tỏi, hành tây, mặt hàng thủy sản như tôm, mực, được loại khỏi phạm vi đàm phán của RCEP. Ngoài ra, tranh chấp thương mại Mỹ-Trung cũng có thể trở thành gánh nặng đối với Hàn Quốc. Về việc ký kết RCEP, ông Joe Biden, người vừa đắc cử Tổng thống Mỹ, đã thể hiện sự cảnh giác và khẳng định quy tắc thương mại là do Mỹ đặt ra. Nếu Chính phủ mới của ông Biden tái gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Tổng thống Donald Trump đã rút ra trước đó thì Hàn Quốc sẽ rơi vào thế khó xử. Về điều này, Phủ Tổng thống nhấn mạnh mối quan hệ giữa hai bên không phải là đối đầu, mà là bổ trợ lẫn nhau.

Lựa chọn của ban biên tập