Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Âm nhạc được sáng tác từ cảm hứng hội họa ở Hàn Quốc xưa và nay

#Âm điệu ngàn xưa l 2021-01-06

Âm điệu ngàn xưa

Âm nhạc được sáng tác từ cảm hứng hội họa ở Hàn Quốc xưa và nay

Âm nhạc được sáng tác từ cảm hứng danh họa truyền thống 

Trong âm nhạc Hàn Quốc có không ít các nhạc phẩm được sáng tác từ nguồn cảm hứng hội họa. Hẳn khá nhiều người biết tới Kim Hong-do hiệu Danwon (Đàn Viên) và Shin Yun-bok hiệu Hyewon (Huệ Viên), hai danh họa nổi tiếng của Hàn Quốc dưới thời Joseon vào thế kỷ XVIII. Phong cách nghệ thuật của họ là khắc họa một cách sinh động đời sống sinh hoạt đương đại của người dân. Tranh của họa sĩ Kim Hong-do phản ánh đa dạng từ nghi thức cung đình đến phong cảnh và tả đời thực. Còn họa sĩ Shin Yun-bok chủ yếu vẽ tranh ghi lại cảnh sống phong lưu của giới học giả hay vẻ đẹp của kỹ nữ thời phong kiến ở Hàn Quốc. Trong các tác phẩm nổi tiếng của danh họa Shin Yun-bok có bức Wolhajeongin (Nguyệt hạ tình nhân) khắc họa hình ảnh một đôi nam nữ đứng bên góc hàng rào dưới bóng trăng khuya tĩnh mịch. Trên bức tranh, danh họa Shin Yun-bok còn viết thêm dòng chữ rằng: “Dưới ánh trăng lưỡi liềm dìu dịu giữa đêm khuya, chỉ có hai người biết tâm tình của nhau.” Dòng chữ này khiến người đời sau phải băn khoăn suy nghĩ để đoán biết tâm trạng của hai nhân vật trong tranh. Người trong ngành thiên văn học cho rằng hình ảnh trăng lưỡi liềm trong tranh thực tế là hình ảnh ghi lại hiện tượng nguyệt thực thời bấy giờ, rồi tìm kiếm tài liệu cổ để rà đoán chính xác ngày đó. Người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc thì sáng tác hàng loạt các tác phẩm để đời dựa trên sự phỏng đoán về cảm xúc của đôi trai gái dưới ánh trăng mờ ảo trong tranh. Mở đầu chuyên mục phát thanh hôm nay, qua giọng hát của nghệ sĩ Park Ae-ri và Kim Jun-su, Âm điệu ngàn xưa kính mời quý vị và các bạn cùng lắng nghe nhạc phẩm Wolhajeongin (Nguyệt hạ tình nhân).

Trong số các tác phẩm hội họa nổi tiếng của thời Joseon, còn có tác phẩm Seongjaesugan (Thanh tại thụ gian), tức “âm thanh giữa các vòm lá” của danh họa Ahn Jung-sik (1860-1924). Seongjaesugan (Thanh tại thụ gian) là bức họa có cốt truyện dựa theo câu chuyện của một học giả có tên là Âu Dương Tu (1007-1072) sống dưới thời nhà Tống ở Trung Quốc. Chuyện kể rằng trong một đêm khi đọc sách ở khán phòng, Âu Dương Tu nghe thấy tiếng rì rào bên ngoài ngày một lớn bèn sai cậu bé người ở ra nghe ngóng. Sau khi ra ngoài nghe ngóng, cậu bé quay vào nói với Âu Dương Tu rằng ngoài hiên trăng sao sáng vằng vặc, dòng ngân hà vắt ngang trên bầu trời, bốn bề không một bóng người, tiếng rì rào phát ra giữa những vòm lá. Nghe vậy, Âu Dương Tu liền thốt lên rằng “À, thì ra đó là tiếng của mùa thu!” Trong tranh, giữa đêm hôm khuya khoắt, nổi bật hình ảnh cậu bé đứng ngó nghiêng trước hiên nhà, ngọn đèn dầu leo lét trong khán phòng in bóng người học giả đang ngồi đọc sách, cơn gió nhẹ làm mái tóc và vạt áo của cậu nhẹ bay, bên cạnh khán phòng là khóm trúc khẽ lay động. Một lần tới phòng ghi âm, danh nhân Hwang Byeong-gi đã nhìn thấy bức tranh này. Bức vẽ đã gây cảm hứng đặc biệt tới mức ngay trong ngày hôm đó, ông đã sáng tác nhạc phẩm “Bameui Sori” (Âm thanh đêm). 


Âm nhạc được sáng tác từ cảm hứng hội họa hiện đại 

Park Dae-seong (hiệu Sosan (Tiểu Sơn)) là họa sĩ vẽ tranh thủy mặc theo phong cách hiện đại ở Hàn Quốc. Lúc 5 tuổi, Park Dae-seong đã bị mất một cánh tay và mồ côi cả cha lẫn mẹ trong cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-953). Một thân một mình, vất vả lắm ông mới học hết được cấp II, không có cơ hội được học hành bài bản, ông đến với hội họa bằng con đường tự học. Với tài năng bẩm sinh và nỗ lực bền bỉ, danh họa Park Dae-seong đã tạo cho mình một phong cách hội họa độc đáo. Yoo Jun-sang là một diễn viên khá nổi tiếng có tài sáng tác âm nhạc. Năm 2019, anh đã phát hành đĩa nhạc với 11 nhạc phẩm được sáng tác dựa trên tranh vẽ của danh họa Park Dae-seong. Những nhạc phẩm này được hòa tấu bằng nhạc cụ hiện đại và nhạc cụ truyền thống. Trong số này có thể kể đến nhạc phẩm “Saega Doeeo Baraboda” (Biến thành chim để nhìn ngắm thế gian) với chủ đề Cheonjiin (Thiên địa nhân). Cheonjiin vốn là bức tranh vẽ chim đại bàng sải cánh bay trên bầu trời ngắm nhìn dãy núi Geumgang (Kim Cương), nay thuộc địa phận Bắc Triều Tiên. Trong bức vẽ, những mỏm đá và ngọn núi của dãy núi Kim Cương đứng sừng sững như một bức bình phong. Từ trên cao có thể thấy bầu trời hình tròn, đất hình vuông và dòng sông biểu trưng cho con người có hình tam giác. Cheonjiin là một tác phẩm mang phong cách triết học vũ trụ quan phương Đông. 


* Nhạc phẩm Wolhajeongin (Nguyệt hạ tình nhân) / Park Ae-ri và Kim Jun-su

* Nhạc phẩm “Saega Doeeo Baraboda” (Biến thành chim để nhìn ngắm thế gian) / Yoo Jun-sang (sáng tác), Lee Mi-ran (đàn nhị Haegeum), Jang Yeong-su (sáo trúc ngang lớn Daegeum)

* Nhạc phẩm “Bameui Sori” (Âm thanh đêm) / Hwang Byeong-gi (sáng tác và diễn tấu đàn tranh 12 dây Gayageum)

Lựa chọn của ban biên tập