Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Chỉ số KOSPI vượt mốc 3.000 điểm lần đầu tiên trong lịch sử

#Tiêu điểm kinh tế l 2021-01-11

ⓒ Getty Images Bank

13 năm 5 tháng để chỉ số KOSPI tăng từ 2.000 lên 3.000 điểm


Chỉ số thị trường chứng khoán Hàn Quốc (KOSPI) đã lần đầu tiên trong lịch sử cán mốc 3.000 điểm vào ngày 6/1 vừa qua kể từ khi thị trường chứng khoán Hàn Quốc mở cửa tháng 3 năm 1956. Như vậy, chỉ số KOSPI mất 13 năm 5 tháng để đi từ cốt mốc 2.000 điểm xác lập vào tháng 7 năm 2007 lên cột mốc 3.000 điểm. Đây là thành tích hết sức bất ngờ khi chỉ số KOSPI từng dao động trong phạm vi 2.100 hồi đầu năm ngoái, rồi rơi xuống mức 1.500 điểm trong tháng 3 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, chỉ số KOSPI đã phục hồi mạnh mẽ và cán mốc 3.000 điểm chỉ 8 tháng sau đó. Ông Kim Gwang-seok, Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế và công nghiệp Hàn Quốc, phân tích bối cảnh và ý nghĩa của kỷ nguyên chỉ số KOSPI 3.000 điểm. 


Dường như thị trường chứng khoán Hàn Quốc đang tiến lên một tầm cao mới. Kỳ tích này càng mang nhiều ý nghĩa trong bối cảnh cả thế giới đang phải đối mặt với đại dịch COVID-19, và Hàn Quốc đang triển khai các lệnh giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Kết quả cũng cho thấy các nhà đầu tư đang nhận định rằng những bất ổn kinh tế đã phần nào được xoa dịu, cơ cấu quản lý doanh nghiệp trở nên minh bạch, lành mạnh hơn. Hàn Quốc đang sở hữu một số ngành tiên phong trên thị trường toàn cầu như chíp bán dẫn và pin nhiêu liệu. Hơn nữa, các yếu tố cơ bản của nền kinh tế được cải thiện được xem là nguyên nhân đẩy chỉ số KOSPI tăng điểm. 


Chất bán dẫn, nhóm ngành BBIG dẫn dắt chỉ số KOSPI tăng điểm


Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX), trong nhóm 20 nền kinh tế lớn trên thế giới (G20), chỉ số KOSPI đã có đà phục hồi nhanh nhất sau khi chạm đáy do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. 


Nhiều phân tích cũng cho rằng việc thị trường chứng khoán Hàn Quốc chạm mốc 3.000 điểm có nghĩa là thị trường đã được nâng lên một tầm cao mới, gắn liền với sự ra đời của các ngành công nghệ mới. Bên cạnh chíp bán dẫn, nhóm ngành công nghệ chủ chốt của Hàn Quốc được gọi tắt là BBIG, gồm công nghệ sinh học (Bio Technology), pin nhiên liệu (Battery), Internet và trò chơi trực tuyến (Game), đã chiếm phần lớn giá trị vốn hóa trên thị trường chứng khoán, góp phần giúp chỉ số KOSPI tăng điểm. Trong khi đó, tập đoàn thép POSCO và công ty xây dựng và thương mại Samsung C&T đã bị rớt khỏi top 10 doanh nghiệp đứng đầu về vốn hóa trên thị trường, và bị thay thế bởi các công ty công nghệ như Samsung SDI và Kakao. Cụ thể, Samsung SDI đã tăng từ vị trí thứ 18 lên vị trí thứ 7; công ty Kakao tăng từ vị trí thứ 22 lên vị trí thứ 9 nhờ mảng kinh doanh dịch vụ không tiếp xúc. Các doanh nghiệp thuộc BBIG nằm trong top 10 gồm công ty hóa chất LG Chem, nhà điều hành cổng thông tin điện tử số một Hàn Quốc Naver, công ty công nghệ sinh học Samsung Biologics và công ty dược phẩm Celtrion đều đã chứng tỏ được vai trò, giúp chỉ số KOSPI cán mốc 3.000 điểm. Trong mùa dịch COVID-19, các doanh nghiệp mới nổi đã đạt tốc độ tăng trưởng cao, dẫn dắt thị trường chứng khoán Hàn Quốc. Thêm vào đó, tập đoàn ô tô Hyundai và công ty Hyundai Mobis, vốn đại diện cho ngành công nghiệp ô tô truyền thống của Hàn Quốc, đã làm mới mình thông qua việc nhanh chóng chuyển đổi sang các phương tiện thân thiện với môi trường. Giữa những kỳ vọng về sự bùng nổ trên thị trường chíp bán dẫn, công ty điện tử Samsung, và SK Hynix, hai doanh nhiệp dẫn dắt thị trường chứng khoán, đã giúp đưa chỉ số KOSPI bước sang một kỷ nguyên mới. Điều này cho thấy, sự thay đổi cơ cấu các ngành công nghiệp đã dẫn dắt việc khôi phục thị trường chứng khoán gần đây. Giám đốc Kim Gwang-seok cho biết. 


Vốn hóa của 4 ngành công nghiệp chủ chốt vượt 1 triệu tỷ won


Cùng với xu hướng tăng điểm của chỉ số KOSPI trong năm nay, giá trị vốn hóa của 4 tập đoàn kinh tế đa ngành lớn nhất Hàn Quốc đã lần đầu tiên vượt mốc 1 triệu tỷ won (915,6 tỷ USD). Sự thành công của doanh nghiệp phụ thuộc vào việc có vận hành các mảng kinh doanh mới như pin nhiên liệu, chíp bán dẫn, các sản phẩm sinh học và thân thiện với môi trường hay không. Các doanh nghiệp sở hữu mảng kinh doanh mới đã phục hồi nhanh chóng, trong khi các doanh nghiệp truyền thống thì không. Điều này còn được mô tả bằng đường phục hồi chữ K, trong đó một số doanh nghiệp phục hồi nhanh, còn một số thì không, dẫn tới sự phân cực trong nền kinh tế. Chính phủ và các doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ lưỡng điều này trong việc hoạch định chính sách, chiến lược quản lý. 


Ảnh hưởng của thanh khoản dồi dào và nhà đầu tư cá nhân


Theo Tập đoàn tài chính và đầu tư Shinhan, Hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) cho trái phiếu ổn định ngoại hối kỳ hạn 5 năm của Hàn Quốc gần đây đang ở mức 21 điểm cơ bản, mức thấp nhất trong lịch sử. Nói cách khác, rủi ro vỡ nợ của Hàn Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất, và Seoul có thể dễ dàng vay vốn nước ngoài. Trước đó, chỉ số CDS đã vượt qua 500 điểm cơ bản vào năm 2008, khi cuộc khủng hoảng tài chính thế giới lan rộng. Giám đốc Kim Gwang-seok giải thích một yếu tố khác tác động đến đà tăng điểm của chỉ số KOSPI. 


Trong quá khứ, nếu các nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư tổ chức chiếm một phần đáng kể trên thị trường chứng khoán, thì kể từ cuối năm ngoái, thị trường chứng khoán bắt đầu thu hút nhiều nhà đầu tư cá nhân. Các chính sách tài chính và tiền tệ của Chính phủ đã góp phần vào sự hồi phục của thị trường chứng khoán. Lãi suất cơ bản giảm xuống mức thấp nhất, và Chính phủ thực hiện các biện pháp nới lỏng định lượng và 4 lần thực hiện ngân sách bổ sung. Trong quá trình này, một lượng lớn tiền đã được đổ vào thị trường chứng khoán, thúc đẩy bước sang kỷ nguyên KOSPI 3.000 điểm. 


Chênh lệch thực tế lớn giữa kinh tế và tài chính


Mặc dù vậy, Seoul cũng cần cẩn trọng theo dõi đà tăng điểm chóng mặt của chỉ số KOSPI. Không giống như thị trường chứng khoán, nền kinh tế Hàn Quốc vẫn trì trệ. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kế hoạch và tài chính Hong Nam-ki và Thống đốc Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) Lee Joo-yeol đều cảnh báo về sự chênh lệch giữa nền kinh tế thực và thị trường tài chính. Ông Kim Gwang-seok nhận định.  


Cho đến nay, Chính phủ đã tập trung vào các kế hoạch chủ động, kích thích kinh tế. Nhưng Seoul không thể duy trì chính sách này mãi do vấn đề lành mạnh tài chính Nhà nước. Chính phủ có thể tiếp tục thực hiện nới lỏng tiền tệ và chi tiêu tài khóa tích cực trong năm nay, nhưng cần xem xét tới tính vững mạnh của tài chính, đặc biệt là khi nguồn thu thuế giảm và kinh tế phục hồi chậm. Nếu kinh tế không phục hồi, nguồn thu thuế cũng không tăng, khi đó không thể chắc chắn xu hướng tăng điểm trên thị trường chứng khoán có thể tiếp tục hay không.


Nhiều người cho rằng dù Chính phủ đã bơm một lượng tiền khổng lồ để kích thích nền kinh tế nhưng số tiền này đã chảy vào thị trường chứng khoán và thị trường nhà ở thay vì những ngành thực sự cần thiết. Chính phủ cần chuẩn bị các phương án để đối phó với bong bóng trên thị trường tài sản và đưa ra các biện pháp hiệu quả để chuyển lượng thanh khoản dồi dào trên thị trường vào khu vực sản xuất. Vẫn còn những lo ngại về sự phục hồi chóng mặt của chỉ số KOSPI, nhưng kỷ nguyên KOSPI 3.000 điểm vẫn là tín hiệu đáng mừng, phản ánh niềm tin rằng nền kinh tế Hàn Quốc có thể vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19.  

Lựa chọn của ban biên tập