Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Số người có việc làm tại Hàn Quốc giảm kỷ lục trong hơn 20 năm qua

#Tiêu điểm kinh tế l 2021-01-18

ⓒ Getty Images Bank

Số lượng việc làm giảm kỷ lục trong 22 năm qua


Theo báo cáo số liệu tuyển dụng của Cục thống kê quốc gia Hàn Quốc công bố ngày 13/1 vừa qua, số người có việc làm tại Hàn Quốc tháng 12/2020 đạt 26.520.000 người, giảm gần 220.000 người so với cùng kỳ năm trước, tương đương 4,1%, mức giảm kỷ lục kể từ tháng 2 năm 1999. Tính đến nay, Hàn Quốc đã 4 lần ghi nhận số người có việc làm giảm theo năm, gồm năm khủng hoảng dầu mỏ 1984, năm khủng hoảng tiền tệ châu Á 1998, năm khủng thẻ tín dụng 2003 và năm khủng hoảng tài chính toàn cầu 2009. 


Phân cực các ngành nghề hưởng lợi trong kỷ nguyên đại dịch COVID-19


Số người có việc làm bắt đầu giảm kể từ tháng 3 năm ngoái khi nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19. Số người có việc làm tháng 12 đã giảm gần 628.000 người so với cùng kỳ năm trước. Con số này thậm chí còn thấp hơn mức giảm của tháng 4, vốn được coi là mức giảm đỉnh điểm trên thị trường việc làm năm 2020. Tỷ lệ tuyển dụng theo năm cũng bắt đầu giảm từ tháng 3 năm ngoái, đặc biệt là giảm sâu 1,7% trong tháng 12, mức giảm thấp nhất kể từ tháng 2 năm 1999. Đáng chú ý là số việc làm giảm mạnh trong lĩnh vực dịch vụ tiếp xúc và lao động tạm thời. Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy các dịch vụ không tiếp xúc, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khiến thị trường việc làm thay đổi. Ông Bae Min-geun, nhà nghiên cứu đến từ Viện nghiên cứu kinh tế LG, phân tích bối cảnh và những giải pháp tiềm năng cho thị trường việc làm trước cú sốc kinh hoàng từ dịch COVID-19. 


Theo một phân tích dựa trên số người tham gia bảo hiểm tuyển dụng, nhiều ngành may mắn được hưởng lợi từ dịch COVID-19, nhưng một số ngành khác thì không. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không tiếp xúc, pin xe ô tô điện, sản phẩm sinh học và nhóm ngành liên quan đến nghiên cứu và phát triển (R&D) đã hoạt động tốt, thậm chí tạo thêm nhiều việc làm. Ngược lại, các ngành công nghiệp như thép, vận tải, các dịch vụ tiếp xúc trực tiếp như nhà hàng, khách sạn đều chứng kiến việc làm giảm. Có thể nói, thị trường lao động hiện đang có sự tái cấu trúc.


Hạn chế từ những việc làm thời vụ ở khối Nhà nước


Xét theo độ tuổi, số người có việc làm giảm ở tất cả các nhóm lứa tuổi, trừ nhóm người trên 60 tuổi. Lý do số việc làm ở nhóm tuổi này tăng là nhờ Chính phủ tạo ra các công việc thời vụ ở khối Nhà nước từ tiền ngân sách. Tuy nhiên, hầu hết những việc làm tạm thời này đã kết thúc trong tháng 11 năm ngoái, khiến các chỉ số tuyển dụng thêm ảm đạm trong tháng 12/2020. Một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Tổng thống Moon Jae-in là tạo công ăn việc làm cho người dân. Năm ngoái, Chính phủ đã chi 25.500 tỷ won (23,2 tỷ USD) tiền ngân sách cho thị trường việc làm, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù vậy, biện pháp này vẫn không đủ để làm giảm bớt cú sốc trên thị trường việc làm. Ông Bae Min-geun phân tích. 


Chính phủ đã tích cực tạo ra các công việc ở khu vực công trong hai năm qua, nhưng đây hầu hết là các công việc thuộc nhóm dịch vụ tiếp xúc trực tiếp. Trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng, các ngành này khó có thể trụ vững, khiến Chính phủ khó duy trì phương án việc làm hiện thời. Tôi cho rằng yếu tố này đã ảnh hưởng đến tỷ lệ thất nghiệp tăng và tỷ lệ người có việc làm giảm trong năm ngoái. Về cơ bản, việc tiếp tục thực hiện các dự án tạo ra việc làm từ tiền thuế của dân trong một thời gian dài là không thể và không phù hợp.


Gần 3 triệu người thất nghiệp “mãn tính”


Nghiêm trọng hơn, số người nghỉ việc cũng như số người từ bỏ kiếm việc làm đã đạt 3 triệu người, mức cao nhất kể từ khi tiến hành thống kê liên quan. Tuy nhiên, những người này được xếp vào nhóm dân số không hoạt động kinh tế, nên không thuộc nhóm thất nghiệp. Đáng lo ngại là số người “nghỉ ngơi” tăng mạnh nhất ở nhóm độ tuổi 20. Nếu điều kiện việc làm của nhóm người trong độ tuổi này không được cải thiện, ngay cả sau khi kinh tế phục hồi, nhóm dân số trẻ thất nghiệp có thể gây ra các vấn đề xã hội nghiêm trọng, bao gồm cả xung đột thế hệ. Ông Bae Min-geun cho biết.


Trên thực tế, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên tại Hàn Quốc đã liên tục tăng từ năm 2014, cho thấy những người trẻ tuổi cảm thấy khó khăn trong tìm việc làm. Tại Nhật Bản, vào thời kỳ suy thoái kinh tế kéo dài trong những năm 1990 và 2000, nhiều người trẻ tuổi đã không kiếm được việc làm, phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn tài chính tích lũy từ thế hệ trước, hiện tượng còn được biết tới như “hai thập kỷ mất mát”. Nếu người trẻ tuổi không tìm được việc làm, họ sẽ không được kế thừa, chuyển giao những kiến thức công nghiệp và công nghệ tại hiện trường hoạt động kinh tế, làm gia tăng cách biệt giữa các thế hệ. Về tổng thể, tình trạng thất nghiệp của thanh niên có thể khiến xã hội mất đi động lực tăng trưởng.


Khó tránh khỏi thị trường việc làm đóng băng trong quý I


Thị trường việc làm ảm đạm trong năm ngoái và tình trạng này nhiều khả năng sẽ tiếp diễn trong năm nay. Khi các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt vẫn được áp dụng, tình hình tuyển dụng có thể sẽ xấu đi trong hai tháng đầu năm nay. Tuần trước, Chính phủ cho biết sẽ cung cấp 80% việc làm trong khu vực công ngay trong quý I năm nay. Rõ ràng, Chính phủ đã lường trước cuộc khủng hoảng việc làm tồi tệ nhất trong quý I do hậu quả từ làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ ba. Nhà nghiên cứu Bae Min-geun nhận định.  


So với năm ngoái, nhìn chung các chỉ số kinh tế được kỳ vọng sẽ cải thiện trong năm nay. Nhưng thị trường việc làm vẫn cần thời gian phục hồi sau khi tình hình kinh tế được cải thiện. Do đó, chỉ số tuyển dụng có thể sẽ vẫn ở mức thấp trong 6 tháng đầu năm, ngay cả khi nền kinh tế khởi sắc. Trên thực tế, chính các ngành công nghiệp là nhân tố chủ yếu tạo ra việc làm, chứ không phải Chính phủ hay khu vực công. Điều quan trọng là tình trạng thanh niên thất nghiệp đã là một vấn nạn lớn tại Hàn Quốc trong nhiều năm qua. Do đó, Chính phủ cần đưa ra chính sách hiệu quả và cụ thể để ngăn chặn tình trạng trì trệ kéo dài trên thị trường việc làm.


Đại dịch COVID-19 đã khiến thị trường việc làm đóng băng, ảnh hưởng lớn đến các nhóm ngành dễ bị tổn thương. Cú sốc này nhắc nhở một thực tế rằng tạo ra việc làm là chính sách phúc lợi tốt nhất. Song song với việc tạo ra công ăn việc làm trong khu vực công, Chính phủ cần đưa ra các biện pháp thích hợp để thúc đẩy tuyển dụng ở khối tư nhân, giúp các doanh nghiệp tạo ra nhiều việc làm có chất lượng.

Lựa chọn của ban biên tập