Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Giá nguyên liệu thô tăng và những tác động tới nền kinh tế

#Tiêu điểm kinh tế l 2021-03-01

ⓒ Getty Images Bank

Giá nguyên liệu thô và ngũ cốc tăng


Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế toàn cầu năm ngoái, khiến giá nguyên liệu thô như đồng, quặng sắt và dầu thô giảm mạnh. Tuy nhiên, giá nguyên liệu thô đang tăng trở lại. Cụ thể, giá đồng, nguyên liệu vô cùng quan trọng phản ánh nền kinh tế phục hồi hay suy thoái, đã đạt mức cao nhất trong 10 năm qua. Giá các kim loại công nghiệp như nhôm, paladi, kẽm, coban cũng tăng mạnh. Tương tự, giá dầu thô cũng đạt mức cao nhất trong vòng một năm qua. Trên thực tế, nhu cầu sử dụng dầu tỷ lệ thuận với sự phục hồi kinh tế. Chẳng hạn, giá dầu thô Tây Texas (WTI) đã giảm tới -37,6 USD/thùng trong năm ngoái khi kinh tế suy thoái, gần đây đã vượt qua 60 USD/thùng. 

Bên cạnh giá kim loại và dầu mỏ, giá nông sản, ngũ cốc cũng tăng mạnh trong thời gian gần đây. Giá ngô đã đạt mức cao nhất trong vòng 8 năm kể từ tháng 1/2013; giá đậu tương và đường cũng lần lượt đạt mức cao nhất trong 7 năm và 4 năm qua. Trong khi một số nhà phân tích cho rằng giá nguyên liệu thô tăng là dấu hiệu của phục hồi kinh tế, một số khác lại nhận định nguồn thanh khoản dồi dào trên thị trường do Chính phủ các nước tích cực bơm tiền để cứu vãn nền kinh tế đã khiến giá cả leo thang, kéo theo nguy cơ lạm phát. Ông Kim Gwang-seok, Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế và công nghiệp Hàn Quốc, phân tích bối cảnh xung quanh giá nguyên liệu thô tăng và tác động đối với nền kinh tế. 


Tác động từ các biện pháp kích thích kinh tế của các nước


Sau cú sốc lớn do dịch COVID-19 bùng phát tháng 2 năm ngoái, nền kinh tế toàn cầu đang dần phục hồi dù chậm chạp. Nhiều nước đã thực hiện các kế hoạch kích thích kinh tế, như Chính sách kinh tế mới phiên bản Hàn Quốc (Korean New Deal) của Seoul, hay gói kích thích kinh tế khổng lồ của Mỹ đầu tư vào các ngành công nghiệp thân thiện với môi trường. Trong giai đoạn này, nhu cầu và giá nguyên liệu thô tăng mạnh. Ngoài ra, rõ ràng vắc-xin COVID-19 cũng đang nuôi hy vọng phục hồi kinh tế, góp phần đẩy giá nguyên liệu thô tăng.  

Liệu giá nguyên liệu có tiếp diễn xu hướng tăng?


Nhiều ý kiến cho rằng giá hàng hóa sẽ tiếp tục có xu hướng tăng trong thời gian tới. Theo một báo cáo của ngân hàng JP Morgan, có thể một siêu chu kỳ tăng giá nguyên liệu thô dài hạn đang đến gần. Giám đốc Kim Gwang-seok cho biết. 


Các ngân hàng đầu tư Goldman Sachs và JP Morgan nhận định một siêu chu kỳ tăng giá hàng hóa dài hạn đã bắt đầu, căn cứ vào 6 yếu tố như phục hồi kinh tế, nới lỏng định lượng, các kế hoạch kích thích kinh tế, giá trị đồng đô-la Mỹ giảm, lạm phát và chính sách thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, rất khó dự đoán yếu tố phục hồi kinh tế có thể tạo ra siêu chu kỳ, bởi theo tôi, giai đoạn phục hồi kinh tế lần này là một hiện tượng nhất thời chứ sẽ không kéo dài tới 10, 20 năm. Ngân hàng trung ương các nước cũng không thể cắt giảm lãi suất cơ bản liên tục, hiện đang ở ngưỡng 0%, mà thay vào đó sẽ giảm dần nới lỏng định lượng, nên yếu tố này cũng không phải là một giải pháp lâu dài. Tương tự, dù các nước thực hiện kế hoạch kích thích kinh tế đến năm 2022, nhưng sau đó tình hình sẽ khác đi. Xu hướng đồng đô-la Mỹ suy yếu cũng có thể xảy ra trong cùng giai đoạn chứ không phải lâu dài. Tóm lại, tôi cho rằng xu hướng tăng giá hàng hóa sẽ chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định, thay vì tạo nên một siêu chu kỳ.  


Phục hồi kinh tế đi kèm lạm phát và hệ lụy?


Giá cả hàng hóa tăng là tin tốt lành với ngành công nghiệp thép, đóng tàu, vận tải biển và lọc dầu, bởi điều này đồng nghĩa nhu cầu tăng, các ngành liên quan được kỳ vọng cải thiện hiệu quả kinh doanh. Tuy nhiên, với một nước nghèo tài nguyên và phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nguyên liệu thô nhập khẩu như Hàn Quốc, xu hướng này có thể tạo ra gánh nặng cho nền kinh tế. Giá nguyên liệu đầu vào tăng khiến chi phí sản xuất và giá cả sinh hoạt tăng theo. Các nhà xuất khẩu Hàn Quốc có thể mất đi lợi thế cạnh tranh về giá; trong khi các hộ gia đình có thu nhập thấp sẽ gặp khó khăn hơn để mưu sinh. Do đó, nhiều người lo ngại về lạm phát, ngay cả khi giá cả hàng hóa tăng được chào đón như một tín hiệu phục hồi kinh tế. Ông Kim Gwang-seok giải thích.


Với Hàn Quốc, giá nguyên liệu đầu vào tăng sẽ khiến giá nhập khẩu và chi phí sản xuất tăng, kéo giá tiêu dùng leo thang. Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), giá tiêu dùng của các nước phát triển sẽ tăng 1-2% trong năm nay. Năm ngoái, giá tiêu dùng gần như giữ nguyên mức 0%. Các nước tiên tiến đặt mục tiêu kiểm soát giá tiêu dùng tăng trong phạm vi 2%, để đảm bảo tỷ lệ lạm phát ở mức ổn định, nên dự báo năm nay được cho là phù hợp. Nói một cách công bằng, nên sử dụng thuật ngữ “tái tạo” (reflation) thay vì “lạm phát” (inflation) trong thời điểm này, bởi đây là giai đoạn phục hồi kinh tế sau suy thoái. Tôi cho rằng chỉ số tăng giá tiêu dùng đang trở lại mức trung bình.


Chuẩn bị các đối sách trước giá nguyên liệu tăng và lạm phát


Lạm phát có thể mang lại hiệu ứng tích cực, phản ánh nhu cầu và sự kỳ vọng phục hồi kinh tế tăng; nhưng cũng có thể mang nghĩa tiêu cực nếu chi phí tăng trong khi nguồn cung giảm. May mắn là tình trạng lạm phát hiện nay được nhiều nhà phân tích nhận định là tích cực, tức giá cả tăng nhờ kinh tế phục hồi. Chính phủ các nước trên thế giới dự kiến sẽ chấp nhận lạm phát ở một mức độ nhất định để giúp nền kinh tế nhanh chóng phục hồi, vượt qua cú sốc từ đại dịch COVID-19. Nhưng Seoul cần chủ động chống lại các tác động tiêu cực từ lạm phát do giá nguyên liệu đầu vào tăng và thanh khoản quá dồi dào. Giám đốc Kim Gwang-seok nhận định.


Giá cả hàng hóa được quan sát thấy sẽ tiếp tục tăng trong tương lai. Do đó, Seoul cần nỗ lực thực hiện các biện pháp ngoại giao để đảm bảo nguồn nguyên liệu thô thông qua tăng cường hợp tác với Chính phủ các nước giàu tài nguyên. Chính phủ cũng có thể hỗ trợ các doanh nghiệp, ký hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu dài hạn, đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào. Trong bối cảnh giá hàng hóa dự kiến sẽ tăng ổn định và giá thực phẩm có thể tăng mạnh, các hộ gia đình có thu nhập thấp có thể chịu áp lực lớn. Tôi cho rằng Hàn Quốc cần đưa ra các chính sách ổn định nhu cầu lương thực.  


Giá tiêu dùng tại Hàn Quốc chỉ tăng lần lượt 0,4% và 0,5% trong năm 2019 và 2020; nhưng đã tăng 0,6% vào tháng 1 năm nay. Trong khi giá dầu, giá thực phẩm, nhà ở, cổ phiếu và tiền ảo đều tăng, giá hàng hóa công nghiệp, chi phí nhân công cũng có thể tăng trong thời gian tới do giá nguyên liệu đầu vào tăng. Áp lực lạm phát có thể dễ dàng cảm nhận ở tầng lớp yếu thế. Chính phủ cần tập trung quản lý rủi ro, đảm bảo lạm phát duy trì ở ngưỡng ổn định. 

Lựa chọn của ban biên tập