Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Ý nghĩa thâm thúy của những khúc đoản ca Danga ở Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2021-03-03

Âm điệu ngàn xưa

Ý nghĩa thâm thúy của những khúc đoản ca Danga ở Hàn Quốc

Tính hài hước trong các khúc hát đoản ca Danga

Hát kể chuyện Pansori là thể loại nhạc kịch một người diễn. Thường thì khi hát hết một trường ca, nếu ngắn cũng mất khoảng từ 3-4 tiếng đồng hồ, còn dài thì có khi mất tới 8 tiếng. Để hoàn thành vai diễn của mình, người nghệ sĩ cần chuẩn bị thật chu đáo và trước khi hát trường ca chính thức, họ thường hắng giọng bằng những ca khúc ngắn Danga (Đoản ca), vừa là để kiểm tra âm giọng của mình vừa là để khán thính giả chuẩn bị tinh thần lắng nghe vở diễn chính. Nội dung các ca khúc ngắn Danga thường nhẹ nhàng, bay bổng như những câu chuyện ngao du thiên hạ tránh xa kiếp hồng trần đa đoan như thần tiên của những kẻ lãng du hay là sự vô thường của năm tháng. Ca khúc đầu tiên mà chúng ta sẽ nghe sau đây là khúc đoản ca Sacheolga (Tứ tiết ca), so sánh đời người với 4 mùa trong năm. Rằng, tuổi thanh xuân như hoa xuân rực nở mới hôm nào mà nay mái đầu đã bạc trắng như tuyết phủ dày ngày đông. Cảm nhận về sự vô thường này của thời gian cũng giống như chúng ta bỗng giật mình khi nhận ra rằng năm 2021 mới bắt đầu tự hôm nào mà giờ đã sang tuần đầu của tháng 3. Đoản ca Sacheolga (Tứ tiết ca) được bắt đầu bằng câu:

Hoa đua nở khắp núi non trùng điệp

Xuân đã về thực sự xuân đã về


Đoản ca Sacheolga (Tứ tiết ca) còn có tên gọi khác là “Isan Jeosan”(Núi này núi kia) và là khúc đoản ca được nhiều người ưa thích. Càng luống tuổi, con người càng cảm thấy thời gian như trôi qua nhanh hơn. Câu cuối của đoản ca có nội dung thu hút được sự đồng cảm của nhiều khán thính giả, rằng: 

Thằng trộm thóc quốc khố, thằng bất hiếu, thằng bất hòa

Bắt cả lũ, tống sang thế giới bên kia trước

Còn tụi anh em bằng hữu chúng mình

Chén anh chén tôi, kẻ mời, người can vui cho thỏa


Đoản ca Danga vốn là những khúc hát ngắn để các nghệ sĩ hát kể chuyện Pansori luyện thanh và tạo không khí trước buổi biểu diễn chính thức. Dù có nội dung gì đi chăng nữa thì đoạn cuối vẫn thường được kết thúc bằng câu “Hãy chơi cho thỏa đi nào!”. Cho dù thời gian là vô thường, công việc bận rộn, nhưng hãy cứ bỏ lại mọi lo toan vướng bận ở đời, cứ chơi đã rồi hẵng làm. 


Ý nghĩa câu hát đằng sau nụ cười hài hước

Vốn dĩ dân tộc Hàn có truyền thống cùng nhau vui chơi ca hát. Chẳng thế mà trong sử ký của Trung Quốc viết về những người sinh sống trên bán đảo Hàn Quốc có đoạn rằng “Dân tộc Hàn cùng nhau tụ tập uống rượu ca hát suốt mấy ngày mấy đêm”. Ở Hàn Quốc, xưa kia nhà nào trong xóm có đám tang là người trong làng tìm đến ăn uống, múa hát vui vẻ như đi trẩy hội. Thời đó, tang lễ được tổ chức ở nhà, người quá cố cũng đã từng là người làng người xóm, bạn bè, thân hữu hay anh em họ hàng, thế nên nhà nào có đám ma chay thì người làng cũng đều quan niệm đó là việc nhà mình và ai ai cũng chung tay giúp đỡ. Vào đêm trước ngày chôn cất người quá cố, dân làng thường khiêng kiệu chưa đặt quan tài vừa đi vừa hát để những người khiêng kiệu tang rảo bước nhịp nhàng cùng nhau, cũng là để làm vơi bớt nỗi buồn đau tiếc thương và an ủi tang quyến. Dasiraegi của vùng Jindo (tỉnh Nam Jeolla) là vở nhạc kịch tiêu biểu cho văn hóa tang lễ của Hàn Quốc, và đã được bình chọn là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia số 81 năm 1985. 


Tuần tự biểu diễn nhạc phẩm Dasiraegi khá phức tạp. Trước tiên, người ta sẽ hát khúc Gwanambosal (Quan Thế Âm Bồ Tát) khi người khiêng kiệu quan tài khởi kiệu. Gwanambosal là khúc hát thỉnh cầu Quan Thế Âm Bồ Tát phù hộ độ trì để người quá cố có thể đến miền cực lạc. Gasangjenori là trò chơi diễn kịch, trong đó nhân vật giả làm tang chủ đón nhận người đến dự đám tang. Khi những người này tới cúi lạy chia buồn thì nhân vật giả làm tang chủ không đoái hoài gì đến khách mà chỉ cắm mặt vào ăn uống. Khi bị mọi người lên tiếng phản đối thì người giả làm tang chủ tìm đến tang chủ thật và giao kèo là nếu anh ta làm cho tang chủ thật bật cười thì phía kia phải thưởng cho anh ta một con gà còn nguyên con.

Còn Bongsaori là đoạn hài kịch mà nhân vật chính là một người mù và vợ của ông ta. Những vở hài kịch này không có kịch bản cố định, người diễn kịch tự biên tự diễn theo hoàn cảnh thực tế. Xưa kia, theo phong tục truyền thống thì gia chủ phải túc trực ngày đêm ở phòng đặt xác người quá cố, những trò chơi hài kịch nêu trên giúp cho gia quyến hoàn tất thủ tục tang ma và giúp họ phần nào vơi đi nỗi buồn đau vì mất người thân.


* Khúc đoản ca Sacheolga (Tứ tiết ca) / Jo Sang-hyeon 

* Trích đoạn Sangyeosori, Gasangjenori và Bongsanori trong nhạc phẩm Dasiraegi / Kang Jun-seop và nhóm phụ họa 

* Nhạc phẩm “Nari Saedorok” (Tới tận sáng) / nhóm nhạc truyền thống Coreya

Lựa chọn của ban biên tập