Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Biểu tình chống thù ghét người châu Á sau vụ xả súng ở Atlanta, Mỹ

2021-03-27

Tin tức

ⓒYONHAP News

Vụ xả súng và sự thù ghét người gốc Á

Vụ xả súng ở Atlanta xảy ra vào ngày 17/3 vừa qua được nhận định là một vụ phạm tội do kỳ thị chủng tộc. Kẻ gây án là một người đàn ông da trắng 21 tuổi, đã xả súng vào một tiệm massage ở hạt Cherokee, ngoại ô Atlanta, và hai cửa hàng spa ở trung tâm Atlanta, khiến 8 người thiệt mạng. 6 trong số các nạn nhân là người gốc Á, trong đó có 4 phụ nữ người Hàn Quốc. Ba cơ sở kinh doanh xảy ra vụ xả súng đều do người gốc Á điều hành. Massage, spa là ngành nghề được coi là “biểu tượng” của người gốc Á tại Mỹ. Thêm vào đó, hung thủ này từng nói rằng “sẽ giết chết người châu Á”. Xét tới những điểm này, nhiều khả năng động cơ gây án là do sự thù ghét với người châu Á. Mặc dù vậy, cơ quan điều tra Mỹ lại tỏ thái độ khá thận trọng, cho biết sẽ để ngỏ mọi khả năng, bao gồm cả khả năng đây là một vụ phạm tội do bốc đồng về tình dục. Động thái này được cho là cân nhắc tới tính nhạy cảm của vấn đề sắc tộc. Tuy nhiên, vụ việc vẫn đang tạo ra làn sóng phản đối mạnh mẽ trong cộng đồng người Mỹ gốc Á.


STOP ASIAN HATE

Sau vụ việc trên, hàng loạt cuộc biểu tình với khẩu hiệu “Dừng thù ghét người châu Á” đã diễn ra tại thành phố Atlanta và khắp nước Mỹ, lan ra toàn thế giới. Các ngôi sao Hollywood gốc Hàn như Sandra Oh, Daniel Dae Kim, Stephen Yeun, Awkwafina đã trực tiếp tham gia các cuộc biểu tình, cùng hô vang khẩu hiệu “Dừng thù ghét người châu Á”, “Người châu Á không phải là virus”, thể hiện quyết tâm đoàn kết cộng đồng người gốc Á tại Mỹ. Vào ngày 23/3 (giờ địa phương), tại thủ đô Berlin (Đức) cũng diễn ra một cuộc biểu tình tương tự với sự tham gia của những người gốc Á. Ba ngày sau vụ xả súng, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 19/3 (giờ địa phương) đã tới thăm Atlanta, gặp gỡ các lãnh đạo gốc Á, nhấn mạnh phải dừng sự thù ghét, kêu gọi tất cả “cùng lên tiếng và hành động”. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 22/3 (giờ địa phương) cũng ra tuyên bố dưới danh nghĩa người phát ngôn, kêu gọi dừng vũ lực nhắm vào người gốc Á. Ông Guterres chỉ ra rằng tại một số quốc gia, phụ nữ gốc Á đang trở thành mục tiêu bị công kích, thù ghét. Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi tất cả mọi người dân thế giới cùng đoàn kết chống lại nạn phân biệt chủng tộc và các cuộc tấn công nhân quyền.


Ý nghĩa và lo ngại

Có hai luồng ý kiến lo ngại lớn sau vụ xả súng ở Atlanta. Trước tiên, vụ việc làm đẩy cao tâm lý bất an về nạn phân biệt chủng tộc tại Mỹ. Luồng ý kiến thứ hai lo ngại về sự thù ghét với người gốc Á lan rộng trên toàn thế giới sau đại dịch COVID-19. Vấn đề chủng tộc được coi là một “tệ nạn kinh niên” nhất nước Mỹ. Tổng thống Biden gọi đây là liều thuốc cực độc đã đeo bám và quấy rối nước Mỹ suốt thời gian dài. Thêm vào đó là sự thù ghét với tôn giáo, phụ nữ, sự rạn nứt sâu sắc trong xã hội, quy chế lỏng lẻo về sở hữu súng, khiến xã hội Mỹ trở nên nguy hiểm. Trong đó, phụ nữ gốc Á trở thành “móc xích” yếu nhất. Đặc biệt, do dịch COVID-19 khởi phát từ Trung Quốc, sự kỳ thị chủng tộc đang lan rộng hơn, sự thù ghét với người Trung Quốc bị đẩy cao thành sự thù ghét với người châu Á nói chung. Nếu sự thù ghét này còn tồn tại thì bất cứ ai cũng không thể được an toàn.

Lựa chọn của ban biên tập