Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

LG và SK đạt thỏa thuận về pin ô tô vào phút chót

#Tiêu điểm kinh tế l 2021-04-19

ⓒ YONHAP News

LG-SK nhất trí giải quyết tranh chấp về pin nhiên liệu


Ngày 11/4, hai nhà sản xuất pin ô tô Hàn Quốc LG Energy Solution và SK Innovation đã ra tuyên bố chung về việc giải quyết tranh chấp liên quan tới pin nhiên liệu, chấm dứt cuộc chiến pháp lý kéo dài 713 ngày. Tháng 2 vừa qua, Ủy ban thương mại quốc tế (ITC) của Mỹ đã ra phán quyết có lợi cho LG và cấm nhập khẩu pin của SK, quyết định được cho là sẽ giáng một đòn đau vào tình hình việc làm tại bang Georgia, nơi SK Innovation xây dựng nhà máy sản xuất pin. Khi đó, dư luận đặc biệt chú ý xem liệu Tổng thống Mỹ Joe Biden có sử dụng quyền phủ quyết đối với phán quyết của ITC hay không. May mắn là hai nhà sản xuất pin nhiên liệu lớn của Hàn Quốc đã đạt được thỏa thuận chỉ một ngày trước thời hạn Tổng thống Biden đưa ra quyết định cuối cùng. Nhà nghiên cứu Oh Joon-beom từ Viện nghiên cứu kinh tế Hyundai phân tích thỏa thuận giữa hai gã khổng lồ pin nhiên liện Hàn Quốc và tương lai của các nhà sản xuất pin.


Cuộc chiến về pin nhiên liệu bắt đầu từ tháng 4 năm 2019 khi Công ty hóa chất LG Chem, công ty mẹ của LG Energy Solution, đệ đơn kiện lên Ủy ban thương mại quốc tế Mỹ, cáo buộc SK Innovation xâm phạm bí mật kinh doanh. SK đã phủ nhận cáo buộc, khởi kiện LG Chem tại Hàn Quốc vào tháng 6 vì bôi nhọ danh dự. Đáp lại, LG kiện SK xâm phạm bằng sáng chế về pin tại Mỹ vào tháng 9 cùng năm. Tuy nhiên cuối cùng, đôi bên nhất trí cuộc chiến một mất một còn sẽ không có lợi cho tăng trưởng và khả năng cạnh tranh, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu xe điện và pin xe điện đang bùng nổ khi các nền kinh tế lớn mở rộng các chính sách thân thiện với môi trường. Nếu không đạt được thỏa thuận, SK sẽ phải rút lại hai nhà máy sản xuất pin đang xây dựng tại Mỹ, và bị hủy các đơn hàng; trong khi LG phải đối mặt với nhiều rủi ro bởi SK có thể kháng cáo, và tiếp tục các vụ kiện.


Cổ phiếu của LG và SK đều tăng vọt


Thỏa thuận này sẽ vô hiệu hóa lệnh cấm nhập khẩu 10 năm do ITC ban hành đối với pin nhiên liệu của SK, cũng như đảm bảo việc cung cấp pin cho hai hãng ô tô là Ford (Mỹ) và Volkswagen (Đức). Về phần mình, với khoản tiền bồi thường 1,78 tỷ USD từ SK, LG sẽ giảm bớt được gánh nặng tài chính về kế hoạch đầu tư 4,5 tỷ USD vào hoạt động kinh doanh pin tại Mỹ. Đáng mừng là hai công ty đã nhất trí không kiện tụng nhau về công nghệ trong vòng 10 năm để tập trung phát triển công nghệ, đáp ứng nhu cầu thị trường pin xe điện đang thay đổi nhanh chóng. Nhiều hãng truyền thông Mỹ nhận định người giành chiến thắng cuối cùng chính là Tổng thống Joe Biden. Đó là bởi thông qua thỏa thuận, Mỹ đã giữ được 2.600 việc làm tại nhà máy pin của SK ở bang Georgia. Pin xe điện do SK sản xuất cũng thúc đẩy sáng kiến xanh, đối phó với biến đổi khí hậu của Chính phủ Tổng thống Joe Biden. Rõ ràng nếu ông Biden đứng về phía SK, phủ quyết phán quyết của ITC vì lý do việc làm và nguồn cung pin, điều này sẽ đi ngược lại lập trường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. 

Mặc dù ngăn chặn được những thiệt hại không mong muốn, nhưng LG và SK đã bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc chiến pháp lý. Ước tính hai bên đã phải chi hàng trăm triệu USD cho các cuộc vận động hành lang và pháp lý. Vụ kiện cũng gây nhiều xáo trộn trong kế hoạch đầu tư bởi kết quả cuộc chiến chưa ngã ngũ khiến các kế hoạch đầu tư mới khó triển khai. Cuộc tranh chấp đã đe dọa vị thế của các nhà sản xuất pin Hàn Quốc. Cụ thể, hãng CATL từ Trung Quốc đã vượt qua LG Energy Solution trong năm nay, đứng đầu thị trường pin xe điện toàn cầu; các nhà sản xuất pin châu Âu cho biết sẽ thay thế pin “made in Korea” bằng sản phẩm tự sản xuất. Rõ ràng, đây là hậu quả của những bất ổn ngày càng tăng từ các nhà sản xuất pin Hàn Quốc. Song thỏa thuận mới nhất giữa SK và LG đã tạo động lực xoay chuyển tình thế. Ông Oh Joon-beom cho biết. 


Kết quả tranh chấp pháp lý không chỉ thay đổi kế hoạch kinh doanh của LG và SK mà còn thay đổi toàn cảnh ngành công nghiệp pin toàn cầu. Việc loại bỏ bất ổn này đã giúp ổn định thị trường, khiến giá cổ phiếu của hai công ty tăng mạnh. Thỏa thuận cũng là tín hiệu tích cực, báo hiệu sự cất cánh của ngành công nghiệp pin Hàn Quốc khi LG và SK có thể tập trung cải tiến công nghệ thay vì tranh chấp pháp lý bên lề. Hiện nay, chỉ có LG, SK (Hàn Quốc) và Panasonic (Nhật Bản) có nhà máy sản xuất pin tại Mỹ. Hai doanh nghiệp Hàn Quốc được kỳ vọng sẽ giành được vị thế thuận lợi trên thị trường Mỹ, nơi nhu cầu pin xe điện dự kiến tăng mạnh.


SK và LG công bố kế hoạch đầu tư lớn


Thị trường pin xe điện toàn cầu dự báo sẽ tăng từ 50 tỷ USD năm ngoái lên 160 tỷ USD vào năm 2025, vượt qua chíp bán dẫn về quy mô. Phù hợp với các chính sách thân thiện với môi trường mà chính quyền Tổng thống Joe Biden đang theo đuổi, các nhà sản xuất pin Hàn Quốc dự kiến sẽ khám phá thị trường pin xe điện đang phát triển nhanh chóng tại Mỹ. Nối tiếp nhà máy số 1 và số 2 ở bang Georgia, SK có kế hoạch đầu tư thêm 2,4 tỷ USD cho đến năm 2025; LG cũng có kế hoạch xây dựng thêm ít nhất hai nhà máy tại Mỹ trong cùng giai đoạn. Nếu kế hoạch đầu tư này thành hiện thực, LG có khả năng sẽ chiếm 25% thị trường pin xe điện tại Mỹ vào năm 2025. Nhà nghiên cứu Oh Joon-beom giải thích.


Trung Quốc đang mở rộng sự hiện diện trên thị trường pin xe điện toàn cầu, trong khi các nhà sản xuất ô tô có kế hoạch tự sản xuất pin. Điều cần thiết nhất hiện nay đối với các nhà sản xuất pin Hàn Quốc là nâng cao hình ảnh và khả năng cạnh tranh. Họ cần thực hiện các kế hoạch đầu tư và giao hàng đúng hạn; và để tăng khả năng cạnh trạnh, các doanh nghiệp này cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các loại pin thế hệ tiếp theo, như pin thể rắn và pin lưu huỳnh lithium được cho là an toàn và có mật độ năng lượng cao hơn pin lithium-ion hiện nay. 


Bài học đắt giá về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ


SK đã đồng ý trả 2.000 tỷ won (1,78 tỷ USD) cho LG để chấm dứt tranh chấp. Đây là khoản tiền giải quyết tranh chấp cao nhất đối với một vụ kiện liên quan đến xâm phạm bí mật thương mại. Cụ thể, SK dự kiến sẽ trả 500 tỷ won (445 triệu USD) mỗi năm trong hai năm tới, và 1.000 tỷ won (890 triệu USD) tiền bản quyền trong một vài năm sau đó. Các ngành công nghiệp liên quan cần coi đây là bài học đắt giá để nâng cao nhận thức về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Theo một số ý kiến, vụ kiện này có ý nghĩa lớn với ngành công nghiệp pin Hàn Quốc. Ông Kim Oh Joon-beom nhận định.


Cuộc chiến pin một lần nữa cho thấy Chính phủ Joe Biden nhấn mạnh đến tầm quan trọng của bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Mỹ đã đặt ra một tiền lệ cứng rắn, sẵn sàng trục xuất doanh nghiệp vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ra khỏi thị trường. Đây cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với doanh nghiệp có ý định lấy bí mật kinh doanh của các công ty hàng đầu bằng việc tuyển dụng nhân sự từ công ty đó. Điều này có nghĩa là các công ty có lợi thế công nghệ sẽ được hưởng lợi.


Hy vọng thỏa thuận giữa LG và SK sẽ là động lực tăng trưởng cho ngành công nghiệp pin Hàn Quốc, đạt được một bước nhảy vọt tiếp theo. Chính phủ Seoul cũng cần vạch ra chiến lược dài hạn, thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất pin trong nước.

Lựa chọn của ban biên tập