Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tổng kết thành quả chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Hàn Quốc

2021-05-29

Tin tức

ⓒYONHAP News

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 23/5 đã về nước, kết thúc chuyến thăm Mỹ kéo dài 5 ngày, với nhiều thành quả đa dạng hơn mong đợi như về quan hệ đối tác vắc-xin với Mỹ, phi hạt nhân hóa và thiết lập hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Hàn Quốc thông qua đối thoại, chấm dứt Hướng dẫn phát triển tên lửa của liên quân Hàn-Mỹ, quan hệ đồng minh kinh tế.

 

Quan hệ đối tác vắc-xin và phát triển thành “đồng minh kinh tế”

Một điểm đáng chú ý trong chuyến thăm Mỹ vừa qua của Tổng thống Moon Jae-in đó là về quan hệ đối tác vắc-xin, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Trong Tuyên bố chung sau Hội nghị thượng đỉnh, lãnh đạo hai nước tuyên bố thiết lập mối quan hệ đối tác vắc-xin Hàn-Mỹ toàn diện, nhằm đẩy mạnh năng lực đối phó chung với các dịch bệnh truyền nhiễm. Tổng thống Joe Biden cam kết hỗ trợ trực tiếp vắc-xin COVID-19 cho 550.000 binh lính Hàn Quốc. Đây là kết quả từ sự nỗ lực của Tổng thống Moon Jae-in, nhằm thực hiện ý tưởng tăng cường quan hệ vắc-xin Hàn-Mỹ, đưa Hàn Quốc trở thành trung tâm vắc-xin toàn cầu. Về ý tưởng này, khối doanh nghiệp tư nhân cũng đang đạt được tiến triển tích cực, như việc công ty dược phẩm sinh học Samsung Biologics của Hàn Quốc và hãng dược Moderna của Mỹ đã ký kết hợp đồng ủy thác sản xuất vắc-xin. Nhiều ý kiến kỳ vọng với những kết quả từ Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ, ý tưởng về “trung tâm vắc-xin” của Tổng thống Moon sẽ được tiếp thêm động lực trong thời gian tới. Bên cạnh đó, hai nước cũng nhất trí tăng cường hợp tác ở các lĩnh vực khoa học công nghệ cao, như mạng viễn thông di động thế hệ thứ 5 (5G) và thế hệ thứ 6 (6G), công nghiệp vũ trụ; đẩy mạnh hợp tác ở lĩnh vực điện nguyên tử, tìm kiếm phương án xúc tiến chung sang nước thứ ba. Các nội dung này được đánh giá là đã giúp phát triển quan hệ song phương trên một phương diện mới là “đồng minh kinh tế”.

 

An ninh và hạt nhân Bắc Triều Tiên

Ở lĩnh vực an ninh, Tuyên bố chung Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ tái khẳng định về trạng thái phòng thủ của liên quân Hàn-Mỹ và cam kết phòng thủ cho Seoul của Washington. Đặc biệt, Mỹ cam kết sẽ huy động mọi nguồn lực khả dụng để cung cấp khả năng răn đe mở rộng cho Hàn Quốc. Một nội dung đáng chú ý nữa là việc hai bên nhất trí chấm dứt Hướng dẫn phát triển tên lửa của liên quân Hàn-Mỹ. Hướng dẫn này được lập ra vào năm 1979, có nội dung hạn chế tầm bắn và trọng lượng đầu đạn tên lửa đạn đạo của Hàn Quốc ở một mức nhất định, nhằm ngăn chặn cuộc chạy đua quân bị trong khu vực Đông Bắc Á, thay vào đó Mỹ sẽ bù đắp cho Hàn Quốc các lỗ hổng trong phòng thủ. Hướng dẫn này trên thực tế là đang mất đi tính hiệu quả do Trung Quốc và Bắc Triều Tiên đẩy mạnh năng lực hạt nhân, tên lửa, bị coi là “xiềng xích” trong quá trình phát triển công nghệ vũ trụ của Hàn Quốc. Như vậy, hướng dẫn đã bị xóa bỏ hoàn toàn, Hàn Quốc khôi phục được “chủ quyền về tên lửa” sau 42 năm, có thể đẩy nhanh phát triển các công nghệ về tên lửa vũ trụ.

Về vấn đề Bắc Triều Tiên và hòa bình bán đảo Hàn Quốc, Tuyên bố chung nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc đối thoại dựa trên Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm và Tuyên bố chung Mỹ-Triều tại Singapore. Điều này cho thấy Chính phủ Joe Biden tôn trọng các nội dung thảo luận và nhất trí giữa ba bên Hàn-Triều-Mỹ dưới thời Chính phủ cựu Tổng thống Donald Trump, và sẽ dựa vào các nội dung này để xúc tiến chính sách với Bình Nhưỡng. Theo đó, Hàn Quốc sẽ có thể tiếp tục đóng vai trò quan trọng tương tự như thời điểm tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều năm 2018.

 

Đánh giá và triển vọng

Tổng thống Moon Jae-in đánh giá đây là chuyến công du thành công nhất, hội đàm thành công nhất của ông từ trước tới nay, đặc biệt là trong việc xác lập mối quan hệ “lý tưởng” với Chính phủ Biden. Theo đó, quan hệ Hàn-Mỹ đã được đẩy mạnh đáng kể ở mọi lĩnh vực, từ an ninh, kinh tế, cho tới vắc-xin. Về vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên, “bán kính hoạt động” của Seoul cũng được mở rộng hơn. Giờ đây, bài toán đặt ra là làm thế nào để kêu gọi được sự hưởng ứng của miền Bắc, trong bối cảnh nước này vẫn đang quay lưng với quan hệ liên Triều.

Lựa chọn của ban biên tập