Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Cựu Ngoại trưởng Kishida Fumio sẽ là tân Thủ tướng Nhật Bản

2021-10-02

Tin tức

ⓒYONHAP News

Bầu Thủ tướng Nhật Bản nhiệm kỳ mới

Trong cuộc bỏ phiếu bầu Chủ tịch đảng cầm quyền Dân chủ tự do của Nhật Bản vào ngày 29/9, cựu Ngoại trưởng Kishida Fumio đã giành chiến thắng áp đảo với 257 phiếu, trong khi người đứng thứ hai là Bộ trưởng phụ trách Cải cách hành chính Kono Taro chỉ giành được 170 phiếu. Tân Chủ tịch Kishida sẽ trải qua quy trình bỏ phiếu bầu Thủ tướng tại Thượng viện và Hạ viện, để chính thức trở thành Thủ tướng thứ 100 của Nhật Bản.

 

Ông Kishida từng giữ chức Ngoại trưởng trong vòng 4 năm 8 tháng dưới thời Chính phủ cựu Thủ tướng Abe Shinzo. Ông là người đại diện Chính phủ Nhật Bản trực tiếp tham gia đàm phán với Hàn Quốc và ký tên vào biên bản thỏa thuận Hàn-Nhật về giải quyết vấn đề người phụ nữ bị ép mua vui thời chiến tháng 12/2015. Sinh năm 1957, ông Kishida bắt đầu sự nghiệp chính trị với vai trò là thư ký cho bố mình, vốn là một Hạ nghị sĩ. Ông đã đắc cử Hạ nghị sĩ 9 khóa, đảm nhận các chức vụ chủ chốt trong chính quyền cựu Thủ tướng Abe, như Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng. Ông được coi là một nhân vật theo phe ôn hòa trong đảng Dân chủ tự do, coi trọng quan hệ với các nước láng giềng như Hàn Quốc, Trung Quốc. Tân Chủ tịch Kishida được đánh giá là có quan điểm khác với cựu Thủ tướng Abe Shinzo, người theo đường lối bảo thủ triệt để. Ông là một người thận trọng, từ trước tới nay hầu như chưa từng có phát ngôn nào quá khích. Được biết, trong thỏa thuận Hàn-Nhật năm 2015, chính ông là người đã thuyết phục cựu Thủ tướng Abe đưa nội dung Tokyo “thấu hiểu trách nhiệm” về vấn đề người phụ nữ bị ép mua vui vào biên bản thỏa thuận.

 

Triển vọng quan hệ Hàn-Nhật

Tuy nhiên, chưa thể lạc quan hoàn toàn về tương lai quan hệ Hàn-Nhật dưới thời Nội các ông Kishida. Có vẻ như Tokyo sẽ không có sự thay đổi rõ nét nào về toàn bộ đường lối chính sách đối ngoại. Dưới thời Chính phủ cựu Thủ tướng Abe Shinzo, quan hệ Hàn-Nhật đã xấu đi nghiêm trọng. Sau khi ông Abe từ chức, Thủ tướng Suga Yoshihide lên kế nhiệm cũng không có thái độ tích cực trong việc cải thiện quan hệ với Hàn Quốc. Trong hơn một năm qua, hai bên vẫn chưa hề tổ chức Hội nghị thượng đỉnh song phương.

 

Trong thỏa thuận Hàn-Nhật năm 2015, hai bên tuyên bố vấn đề người phụ nữ bị ép mua vui đã được giải quyết dứt điểm và không thể đảo ngược. Vậy nhưng thực tế thỏa thuận đã bị phá vỡ, Quỹ Hòa giải, chữa lành vết thương cho nạn nhân nô lệ tình dục thời chiến đã bị giải thể. Sau đó, Tòa án Hàn Quốc ra phán quyết yêu cầu Chính phủ và doanh nghiệp Nhật Bản phải bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng ép mua vui và lao động thời chiến. Năm 2018, Tòa án tối cao Hàn Quốc ra phán quyết yêu cầu công ty công nghiệp nặng Mitsubishi phải bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng ép lao động thời chiến, nhưng công ty này đã không thực thi phán quyết, nên Tòa án đã ban tiếp lệnh bán tài sản của công ty Nhật tại Hàn Quốc. Chính phủ Nhật Bản đã trả đũa bằng việc siết chặt quy chế xuất khẩu ba mặt hàng vật liệu quan trọng trong sản xuất chíp bán dẫn sang Hàn Quốc, thổi bùng lên tranh chấp thương mại giữa hai nước.

 

Trong quá trình tranh cử vừa qua, ông Kishida từng phát biểu rằng nếu Hàn Quốc không giữ đúng thỏa thuận năm 2015 thì dù Seoul hứa hẹn gì về tương lai cũng sẽ vô nghĩa. Ngoài ra, ông này cũng không ủng hộ việc tiếp tục xin lỗi các nước láng giềng về những vấn đề quá khứ, như cuộc chiến tranh Thái Bình Dương. Mặc dù vậy, xét trên quan điểm chính trị của tân Chủ tịch đảng cầm quyền Nhật Bản, kinh nghiệm từng giữ chức Ngoại trưởng, một số ý kiến vẫn thận trọng kỳ vọng về sự thay đổi trong quan hệ với Hàn Quốc dưới thời Nội các của ông Kishida. Dù Chính phủ mới của Tokyo không có sự thay đổi căn bản trong các vấn đề nổi cộm song phương, nhưng có khả năng đối thoại giữa hai nước sẽ diễn ra sôi nổi hơn so với thời Thủ tướng Suga Yoshihide.

Lựa chọn của ban biên tập