Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Cổ phiếu, đồng won và trái phiếu đồng loạt giảm giá trị

2021-10-09

Tin tức

ⓒYONHAP News

Các yếu tố bất ổn bên ngoài như lo ngại lạm phát toàn cầu, quá trình đàm phán điều chỉnh mức trần nợ công tại Mỹ, rủi ro tập đoàn phát triển bất động sản Hengda (tên tiếng Anh “Evergrande”) của Trung Quốc phá sản, cú sốc chuỗi cung ứng toàn cầu từ Trung Quốc, đang đè nặng lên thị trường Hàn Quốc, khiến cổ phiếu, trái phiếu và đồng won đồng loạt giảm giá trị trong những ngày qua.

 

Cổ phiếu, trái phiếu, đồng won đồng loạt giảm giá trị

Chỉ số chứng khoản tổng hợp (KOSPI) đóng cửa phiên giao dịch ngày 6/10 ở mức 2.908,31 điểm, giảm 53,86 điểm (1,82%) so với phiên trước. Đây là mức điểm thấp nhất kể từ sau phiên giao dịch ngày 30/12 năm ngoái (2.873,47 điểm). Chỉ số sàn giao dịch KOSDAQ cùng ngày cũng đóng cửa ở mức 922,36 điểm, giảm 33,46 điểm (3,46%), mức thấp nhất kể từ phiên giao dịch 26/2 (913,94 điểm). Tại thị trường ngoại hối Seoul, tỷ giá hối đoái won/USD dừng ở mức 1.192,3 won (USD) đổi 1 USD. Đây là lần đầu tiên trong vòng 1 năm 2 tháng, tỷ giá won/USD lên tới ngưỡng 1.190 won đổi 1 USD kể sau phiên giao dịch ngày 4/8 năm ngoái. Lãi suất trái phiếu Chính phủ cũng tăng liên tiếp và xác lập mức cao kỷ lục trong năm. Tại thị trường trái phiếu Seoul cùng ngày, lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 3 năm đã tăng 6,9 điểm cơ bản (bp, 1bp = 0,01%) so với phiên trước, thành 1,719% một năm. Lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm tăng 10,8 điểm cơ bản, thành 2,399% một năm. Tỷ giá won/USD và lãi suất trái phiếu tăng đồng nghĩa với giá trị của đồng won và trái phiếu bị giảm.

 

Bất ổn tài chính, kinh tế toàn cầu

Các chuyên gia nhận định nguyên nhân khiến cổ phiếu, đồng won và trái phiếu đồng loạt giảm giá trị là do các yếu tố bất ổn tích tụ thời gian qua. Thị trường tài chính trong nước và toàn cầu thường phản ứng nhạy cảm hơn với các yếu tố tiêu cực hơn là tín hiệu tích cực. “Bóng đen” từ các yếu tố bất ổn đang ngày càng lan rộng, gia tăng tầm ảnh hưởng lên thị trường. Trên thực tế, tình hình tài chính và kinh tế toàn cầu đang ngày càng xấu đi bởi hàng loạt các yếu tố bất lợi xảy ra cùng một lúc, như tình trạng hỗn loạn vận tải hàng hóa do dịch COVID-19, khủng hoảng năng lượng, lo ngại tăng trưởng trì trệ.

Trong khi đó, giá dầu tăng cao đỉnh điểm trong vòng 7 năm, giá nguyên vật liệu cũng tăng theo. Các yếu tố này đẩy vật giá leo thang, gia tăng kỳ vọng bi quan về lạm phát trên phạm vi toàn cầu. Một số ý kiến thậm chí còn đưa ra kịch bản  “lạm phát đình trệ”, tức lạm phát cao kèm theo suy thoái kinh tế (stagflation). Ấn Độ và Trung Quốc thì đang trong tình trạng thiếu điện trầm trọng, làm lung lay chuỗi cung ứng toàn cầu

 

Triển vọng và đối phó

Các chuyên gia chỉ ra rằng việc cổ phiếu, đồng won và trái phiếu đồng loạt giảm giá trị về cơ bản là quá trình các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi thị trường Hàn Quốc. Các nhà đầu tư không tránh khỏi tâm lý hoang mang trước lo ngại lạm phát toàn cầu, thêm việc Mỹ dự báo đẩy sớm thời điểm nâng lãi suất.

 

Vấn đề đặt ra là tình hình hiện nay không thể giải quyết một cách hiệu quả chỉ dựa trên nỗ lực của từng doanh nghiệp riêng lẻ. Chính giới Hàn Quốc đang chính thức bước vào cuộc chạy đua tranh cử chức Tổng thống nhiệm kỳ tới. Do vậy, không dễ dàng để Chính phủ và doanh nghiệp thiết lập ra một cơ chế hợp tác chặt chẽ, đối phó với tình hình hiện nay. Các chuyên gia cho rằng cả doanh nghiệp và Chính phủ đều phải sớm nhận thức đầy đủ về mức độ nghiêm trọng của tình hình hiện tại để có biện pháp đối phó chặt chẽ, kịp thời.

Lựa chọn của ban biên tập