Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Học sinh đa văn hóa chiếm 3% tổng số học sinh tại Hàn Quốc

2021-10-16

Tin tức

ⓒYONHAP News

Thời đại 3% học sinh đa văn hóa

Hàn Quốc đang nhanh chóng chuyển mình thành một xã hội đa văn hóa trong bối cảnh tỷ lệ sinh thấp, sự gia tăng người nhập cư từ nước ngoài. Số lượng học sinh là con em của các gia đình đa văn hóa hiện là 160.000 em, chiếm 3% tổng số học sinh đang theo học các bậc tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông năm 2021. Số lượng học sinh đa văn hóa có xu hướng tăng thêm hơn 10.000 em mỗi năm trong vòng 8 năm trở lại đây. Tổng số học sinh đa văn hóa đã tăng từ hơn 38.000 em năm 2011 lên gấp 4 lần sau 10 năm. Tỷ lệ học sinh đa văn hóa còn tăng nhanh hơn số học sinh. Năm 2011, tỷ lệ học sinh đa văn hóa trên tổng số học sinh cả nước là 0,55%, 10 năm sau là 3%. Điều này là bởi trong khi tổng số học sinh cả nước giảm thì số học sinh đa văn hóa lại tăng. Trên thực tế, do tỷ lệ sinh thấp, số học sinh các bậc học đã giảm từ 6,98 triệu em năm 2011 xuống 5,33 triệu em trong năm nay. Ngoài ra, tỷ lệ sinh ở các gia đình đa văn hóa lại ở mức cao. Trong năm ngoái, số trẻ sơ sinh là con em trong các gia đình đa văn hóa chiếm 5,9% tổng số trẻ chào đời tại Hàn Quốc. Do đó, tỷ lệ học sinh đa văn hóa được dự báo sẽ vượt ngưỡng 6% trong tương lai gần.

 

Giáo dục học sinh đa văn hóa

Giáo dục học sinh đa văn hóa tại Hàn Quốc được đánh giá là tương đối thành công cho tới thời điểm hiện tại. Một dẫn chứng tiêu biểu là tỷ lệ đi học của học sinh gia đình đa văn hóa, từng đạt 78,7% năm 2012 đã tăng lên thành 93,1% năm 2018, được phân tích là nhờ các chính sách hỗ trợ đa dạng dành cho học sinh gia đình đa văn hóa. Bộ Giáo dục Hàn Quốc đang mở lớp học tiếng Hàn tại hơn 370 trường học trên cả nước, nhằm giúp các em học sinh người nước ngoài nhập cảnh vào Hàn Quốc giữa chừng có thể sớm thích ứng với xã hội Hàn Quốc. Với các trường không có lớp học tiếng Hàn thì trường sẽ liên kết với Trung tâm hỗ trợ giáo dục đa văn hóa trực thuộc Sở Giáo dục của mỗi địa phương để được hỗ trợ. Ngoài ra, Bộ Giáo dục còn mở “Trường học chính sách giáo dục đa văn hóa”, triển khai các dự án tư vấn, hỗ trợ phát triển thế mạnh song song hai ngôn ngữ (tiếng mẹ đẻ và tiếng Hàn) cho sinh viên đại học là con em gia đình đa văn hóa. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề. Không ít trường hợp học sinh đa văn hóa bỏ học vì bị phân biệt đối xử, cô lập, bất tiện trong giao tiếp. Tình trạng này càng nghiêm trọng hơn ở thanh thiếu niên gia đình đa văn hóa không sinh ra ở Hàn Quốc mà nhập cảnh giữa chừng vào trong nước. Tỷ lệ bỏ học ở học sinh tiểu học gia đình đa văn hóa năm 2017 là 1,3%, cao gấp 4,5 lần so với tỷ lệ bỏ học của các học sinh tiểu học bình thường. Tỷ lệ bỏ học bậc trung học cơ sở là 2,1% và trung học phổ thông là 2,7%.

 

Thời điểm cần chuyển đổi nhận thức

Mặc dù vẫn còn những vấn đề như trên, nhưng giáo dục học sinh đa văn hóa vẫn được đánh giá là đã “hạ cánh” thành công trong khoảng thời gian ngắn. Ngược lại, các chuyên gia chỉ ra rằng đã đến lúc phải đào tạo về đa văn hóa cho các em học sinh, xóa bỏ tình trạng phân biệt đối xử. Sự phân biệt này không chỉ dừng lại là vấn đề riêng trong trường học, mà bắt nguồn từ định kiến trong gia đình và xã hội nói chung. Mặc dù Hàn Quốc đang tiến nhanh vào một xã hội đa văn hóa, nhưng số lượng “trường học chính sách đa văn hóa” mới chỉ dừng lại ở con số hơn 660 trường, do tiêu chuẩn chỉ định là phải có tỷ lệ học sinh đa văn hóa chiếm trên 30%.

Lựa chọn của ban biên tập