Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Hàn Quốc khan hiếm nghiêm trọng dung dịch xử lý khí thải động cơ diesel

2021-11-13

Tin tức

ⓒYONHAP News

Hàn Quốc đang rơi vào tình trạng khan hiếm nghiêm trọng dung dịch xử lý khí thải động cơ diesel. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ có thể gây trở ngại lớn tới vận tải hàng hóa, tác động tiêu cực tới toàn bộ nền kinh tế. Trong khi đó, Trung Quốc thông báo sẽ tiến hành quy trình xuất khẩu 18.700 tấn urê đã ký kết hợp đồng với doanh nghiệp Hàn Quốc.

 

Tình trạng khan hiếm

Trong tháng trước, Trung Quốc bổ sung quy trình kiểm tra trước khi xuất khẩu với 29 mặt hàng nguyên liệu liên quan tới phân bón hóa học, trong đó có urê, bắt đầu kiểm soát xuất khẩu các mặt hàng này từ ngày 15/10. Nguyên căn dẫn tới quyết định này là do sản lượng urê của Trung Quốc đã giảm mạnh vì thiếu than đá. Trước thềm Thế vận hội Bắc Kinh 2022, Trung Quốc đề ra đường lối trung hòa carbon, tăng trưởng xanh, xúc tiến một cách quyết liệt chính sách giảm tiêu thụ than đá. Thêm vào đó, do tranh chấp thương mại mà nước này dừng nhập khẩu than đá từ Australia, dẫn tới tình trạng thiếu điện trầm trọng. Tất cả tình hình trên tại Trung Quốc đã khiến Hàn Quốc rơi vào tình trạng khan hiếm dung dịch xử lý khí thải động cơ diesel.


Dung dịch xử lý khí thải động cơ diesel có thể được sản xuất bằng công đoạn khá đơn giản đó là phối trộn urê với nước tinh khiết. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nguyên liệu urê. Urê không chỉ sử dụng để làm dung dịch xử lý khí thải động cơ diesel, mà còn được sử dụng trong sản xuất phân bón. Theo số liệu của Bộ Công nghiệp, thương mại và tài nguyên Hàn Quốc, cho tới tháng 9 năm nay, 97,6% lượng urê dùng trong công nghiệp tại Hàn Quốc là nhập khẩu từ Trung Quốc. Do đó, việc Bắc Kinh kiểm soát xuất khẩu mặt hàng này đã tác động trực tiếp tới Seoul.

 

Thiệt hại

Dung dịch xử lý khí thải động cơ diesel là một mặt hàng thiết yếu dùng cho thiết bị giảm khí thải oxit nitơ bắt buộc lắp trên các xe ô tô chạy bằng dầu diesel như xe buýt, xe tải. Hiện tại, trong số 3,3 triệu xe tải diesel đang hoạt động tại Hàn Quốc, có 60%, tương đương khoảng 2 triệu chiếc, đang lắp thiết bị này. Ngoài ra, trong số hơn 50.000 xe buýt đang hoạt động trên toàn quốc, có khoảng 20.000 chiếc chạy bằng dầu diesel cũng cần dung dịch xử lý khí thải. Do đó, nếu không có dung dịch xử lý khí thải thì hàng loạt xe tải hay xe buýt sẽ phải dừng hoạt động, gây ra hỗn loạn về giao thông, vận tải hàng hóa. Đặc biệt, nếu hoạt động vận tải hàng hóa bị gián đoạn thì sản xuất ngành chế tạo, như gang thép, xi măng, ô tô, sẽ bị trở ngại lớn, xuất khẩu sẽ giảm theo. Hoạt động vận tải hàng hóa, thực phẩm nói chung cũng sẽ trở nên khó khăn, tất cả các ngành dịch vụ khác như nhà hàng, ăn uống, bán buôn bán lẻ, cũng bị thiệt hại theo. Dịch vụ giao hàng sẽ bị đình trệ, phí vận chuyển sẽ tăng, kéo giá tiêu dùng tăng cao. Nói cách khác, tình hình này kéo dài sẽ có thể “dội gáo nước lạnh” vào nền kinh tế Hàn Quốc, hiện đang được kỳ vọng sẽ khôi phục sau khi Chính phủ chuyển đổi sang từng bước khôi phục đời sống thường nhật từ 1/11

 

Ảnh hưởng tới kinh tế và đối phó

Ở thời điểm hiện tại, ảnh hưởng từ tình trạng khan hiếm dung dịch xử lý khí thải động cơ diesel tới nền kinh tế vẫn còn ở mức hạn chế. Tuy nhiên, trong trường hợp nguồn dự trữ dung dịch trong nước hết thì tác động được dự báo sẽ ngày càng rõ rệt hơn. Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc trong quý I đạt 1,7%, quý II 0,8% và quý III 0,3%. Trước đó, các chuyên gia kỳ vọng tỷ lệ tăng trưởng quý IV sẽ ở mức cao trong quá trình từng bước khôi phục đời sống thường nhật. Tuy nhiên, nếu tình trạng khan hiếm dung dịch xử lý khí thải động cơ diesel gây trở ngại lớn về giao thông, vận tải hàng hóa thì nền kinh tế sẽ khó đạt mức tăng trưởng cao như kỳ vọng. Chính phủ Seoul đã thực hiện nhiều đối sách, như cấm các hành vi thu gom, tích trữ dung dịch xử lý khí thải động cơ diesel, đồng thời đề nghị Bắc Kinh đẩy nhanh quy trình thông quan xuất khẩu, và tiến hành nhập khẩu gấp dung dịch từ Australia. Trước tiên, Trung Quốc đã thông báo sẽ tiến hành quy trình xuất khẩu với các đơn hàng urê mà doanh nghiệp hai nước đã ký kết. Dự kiến số lượng này sẽ đủ dùng trong khoảng hai đến ba tháng, góp phần giải tỏa phần nào tình trạng khan hiếm.

Lựa chọn của ban biên tập