Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

OECD nâng dự báo tỷ lệ tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc năm 2022

2021-12-04

Tin tức

ⓒKBS News

Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã nâng dự báo tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc trong năm sau lên 3%. Về điều này, Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế kiêm Bộ trưởng Kế hoạch và tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki đánh giá đây là sự công nhận của cộng đồng quốc tế, rằng nền kinh tế Hàn Quốc đã ứng phó thành công với khủng hoảng so với các nước lớn khác.

 

Dự báo của OECD

Trong dự báo về kinh tế toàn cầu công bố ngày 1/12, OECD nâng 0,1% cho dự báo tỷ lệ tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc năm sau, từ 2,9% lên 3%. Dự báo của OECD thấp hơn mức 3,3% của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), mức 3,1% của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), và bằng với dự báo của Chính phủ và Viện nghiên cứu phát triển Hàn Quốc (KDI). Ngoài ra, OECD duy trì dự báo tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc năm nay là 4%. Trước đó, trong dự báo giữa kỳ hồi tháng 9, OECD cũng đã nâng dự báo tỷ lệ tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc trong năm sau. Trong số các nước lớn, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản bị OECD hạ dự báo tỷ lệ tăng trưởng kinh tế, chỉ có duy nhất Hàn Quốc là được nâng dự báo hai lần liên tiếp.

 

Tuy nhiên, OECD nâng dự báo tỷ lệ tăng giá tiêu dùng trong năm nay của Hàn Quốc, từ 2,2% lên 2,4%. Đây cũng là lần nâng dự báo thứ hai liên tiếp của tổ chức này cho tỷ lệ tăng giá tiêu dùng tại Hàn Quốc. Trong khi đó, mức dự báo của Chính phủ Hàn Quốc và KDI là 2,3%. OECD dự báo tỷ lệ tăng giá tiêu dùng tại Hàn Quốc trong năm sau sẽ đạt 2,1%, tăng 0,3% so với dự báo tháng 9. Tỷ lệ tăng giá tiêu dùng của Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) là 3,8% trong năm nay và 4,4% trong năm sau, lần lượt cao hơn 0,1% và 0,5% so với dự báo tháng 9.

 

Mặt khác, kinh tế thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng 5,6% trong năm nay, 4,5% trong năm 2022 và 3,2% năm 2023.

 

Nhận định

Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế đánh giá kinh tế Hàn Quốc đang duy trì được đà hồi phục, nhờ Chính phủ Seoul đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vắc-xin COVID-19, nới lỏng các biện pháp phòng dịch, đầu tư và xuất khẩu khả quan, hiệu quả chính sách. Trên thực tế, kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc trong tháng 11 vừa qua tăng 32,1% so với cùng kỳ năm ngoái, lần đầu tiên trong lịch sử vượt ngưỡng 60 tỷ USD/tháng. Tuy nhiên, tổ chức này lo ngại về tính ổn định của thị trường tài chính Hàn Quốc, do giá bất động sản tăng vọt, nợ hộ gia đình tăng cao. OECD khuyến nghị Chính phủ Seoul nên tiếp tục hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp và hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cho tới khi nền kinh tế hồi phục hoàn toàn; đồng thời, bình thường hóa chính sách tiền tệ về dài hạn.

Trước đó, vào tháng 10 vừa qua, IMF đã hạ dự báo về tỷ lệ tăng trưởng kinh tế năm nay của thế giới và các nước phát triển, duy nhất chỉ giữ nguyên dự báo với Hàn Quốc là 4,3%, cao hơn dự báo của Chính phủ Seoul là 4,2%, của Ngân hàng trung ương (BOK) là 4,2%. IMF đánh giá nền kinh tế Hàn Quốc đã thoát khỏi những yếu tố tiêu cực như trở ngại chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, IMF hạ dự báo tỷ lệ tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc trong năm sau từ 3,4% xuống 3,3%.

 

Dự báo của Chính phủ

Phó Thủ tướng Hong Nam-ki phát biểu dựa theo đánh giá của OECD, kinh tế Hàn Quốc được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng nhanh nhất trong số các nước phát triển G20 cho tới năm 2023. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng chỉ ra rằng các điều kiện trong và ngoài nước vẫn còn tồn tại nhiều bất ổn, như phát sinh biến thể Omicron của virus COVID-19, trở ngại chuỗi cung ứng toàn cầu, mâu thuẫn Mỹ-Trung. Chính phủ sẽ nỗ lực hết sức để ổn định công tác phòng dịch, ổn định tiêu thụ nội địa, nỗ lực giải ngân ngân sách để duy trì đà hồi phục của nền kinh tế. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ dốc toàn lực để kiểm soát các yếu tố rủi ro ở lĩnh vực dân sinh, như vật giá, bất động sản, nợ hộ gia đình.

Lựa chọn của ban biên tập