Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tâm nguyện của người dân Hàn Quốc xưa trong đời sống sinh hoạt

#Âm điệu ngàn xưa l 2022-01-06

Âm điệu ngàn xưa

Tâm nguyện của người dân Hàn Quốc xưa trong đời sống sinh hoạt

Tận tâm thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi người

Học giả Nam Gu-man từng đảm trách chức vị Lãnh nghị chính (đứng đầu bách quan, hàm vị chánh nhất phẩm, tương đương chức Thủ tướng ngày nay) dưới thời hậu Joseon ở Hàn Quốc. Do thị phi chính trường, đã có thời gian ông bị lưu đày tới tỉnh Gangwon. Giới học giả thời Joseon, cho dù có bị lưu đày tới đâu đi chăng nữa thì thái độ sống của họ cũng không thay đổi. Ngày ngày họ vẫn dùi mài kinh sử và tìm cách giúp đỡ người dân địa phương. Trong hai năm sống tại làng Manu, thành phố Donghae, vùng biển phía Đông bán đảo Hàn Quốc, học giả Nam Gu-man được người dân địa phương vô cùng kính trọng vì có công khai sáng tri thức và khuyến khích phát triển công nghiệp nơi đây. Cũng tại đây, ông đã sáng tác áng thơ cổ Sijo được nhiều người Hàn Quốc yêu mến mang tên “Dongchangi Balgatneunya” (Khung cửa đằng Đông đã hửng chưa). Áng thơ có đoạn:


Cửa sổ đằng Đông trời hửng sáng

Chim sơn ca truyền cành hót líu lo

Em bé chăn trâu dậy rồi chứ

Thửa ruộng dài trên núi bao giờ mới được cày


Thoạt nghe, ca từ trong áng thơ như những lời khuyến khích người nông dân chịu thương chịu khó làm nông nghiệp, nhưng ý nghĩa sâu xa hơn là khuyên bảo mỗi người dân hãy làm tốt vai trò của mình ở mỗi vị trí. Ví như học sinh thì phải ham học, ngư dân thì phải miệt mài với công việc đánh bắt cá, còn quan chức thì phải trung hiếu với quốc gia.


Tận tâm trong đời sống tâm linh

Xưa kia, trong những ngày đầu năm mới, người Hàn Quốc có khá nhiều phong tục xua đuổi tà ma quỷ dữ như treo cái rây bột gọi là “Che” ở ngoài cửa để xua đuổi Yagwanggwi (Quỷ dạ quang) vì chúng thường mò tới nhà dân vào đêm Giao thừa và đêm 14 tháng 1 âm lịch, tức đêm trước Rằm tháng Giêng. Nếu nhà nào treo cái rây bột trước cửa, Quỷ dạ quang sẽ mải đếm lỗ của rây bột, quên mất việc mò vào nhà dân cho tới sáng. Hay phong tục treo tranh Sehwa (Tuế họa) để xua đuổi ma quỷ và mời gọi phúc lộc vào nhà. Đa phần tranh Sehwa được dán ở cánh cửa nên còn có tên gọi là Munhwa (Môn họa). Thời xa xưa, người ta còn treo hay dán tranh Sehwa là tranh vẽ mặt Cheoyong - vị thần đánh đuổi dịch bệnh, tranh vẽ chân dung tướng quân Janggunsang, hay tranh vẽ những loài muông thú dữ tợn như chim ưng Mae hay hổ Horangi. Vào ngày Rằm tháng Giêng, người ta thả diều rồi cắt đứt dây diều với ý nghĩa cánh diều sẽ mang đi mọi rủi ro bệnh tật của một năm. Trước ngày Rằm tháng Giêng, đoàn người khua chiêng, gõ trống, thổi kèn Pungmulpae đi tới mọi nhà trong làng để cầu chúc phước lộc bình an cho gia chủ. Nghi lễ này được gọi là Jisin Bapgi, tức là “Giẫm thần thổ địa”. Trong những ngày đầu năm, có nơi còn mời cả người chuyên đọc kinh tới nhà cầu khấn bình an cho gia chủ và xua đuổi ma quỷ và tà khí. Và ngay sau đây, ca nương Kim Yu-ri sẽ trình diễn khúc hát hài kịch Jaedam có tựa đề Chukwongyeong (Kinh cầu nguyện) được chuyển thể từ bài kinh của những người mù chuyên đọc kinh ở tỉnh Pyeongan và tỉnh Hwanghae (nay thuộc địa phận của Bắc Triều Tiên) để cùng hòa vào phong tục xuôi đuổi tà ma của người dân trên bán đảo Hàn Quốc thời bấy giờ.


Từ xa xưa, người dân Hàn Quốc đã luôn thành tâm cúng vái đất trời tổ tiên, cầu nguyện sức khỏe và sự bình an cho gia thất. Họ thành khẩn vái lạy Mặt trời khi Mặt trời mọc, cầu khấn Mặt trăng khi ánh trăng lên cao, cúng tế tổ tiên mỗi dịp lễ tết và đổi mùa. Liệu Mặt trời, Mặt trăng và ông bà tổ tiên có thực sự giúp đỡ, che chở cho chúng ta không. Điều quan trọng ở đây là những người thành tâm cầu khấn sẽ luôn khiêm nhường đức độ vì họ nghĩ rằng trời đất và tổ tiên đang dõi theo họ, nên họ sẽ không thể lười nhác, hành ngôn bừa bãi và đối xử tệ bạc với người khác.


* Khúc thơ phổ nhạc Pyeongsijo mang tên Dongchangi (Khung cửa đằng Đông) / Lee Dong-gyu 

* Khúc hát hài kịch Jaedam Chukwongyeong (Kinh cầu nguyện) / Kim Yu-ri 

* Khúc hát “Jowangsin Puri” (Cầu nguyện thần bếp) / Jo sang-yong 

Lựa chọn của ban biên tập