Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Ra mắt sáng kiến Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương (IPEF)

2022-05-28

Tin tức

ⓒYONHAP News

Sáng kiến Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương (IPEF) do Mỹ khởi xướng đã chính thức được ra mắt vào ngày 23/5 với sự tham gia của 13 nước. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã tham dự hội nghị ra mắt IPEF vào cùng ngày, nhấn mạnh IPEF là bước khởi đầu thể hiện quyết tâm liên minh và thảo luận giữa các quốc gia trong khu vực, hướng tới sự tăng trưởng bền vững của khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

    

IPEF

Xét về tính chất, IPEF khác với Hiệp định thương mại tự do (FTA) thông thường có mục đích chính là xóa bỏ hàng rào thuế quan trong thương mại đa phương. Sáng kiến này hướng tới các nghị sự “thương mại mới”, như kinh tế số, quy chuẩn công nghệ, khôi phục chuỗi cung ứng, ngừng phát thải carbon, năng lượng sạch, cơ sở hạ tầng, tiêu chuẩn lao động. Tại hội nghị ra mắt ngày 23/5 có sự tham gia của 13 nước, nhiều hơn so với dự kiến ban đầu. Trước chuyến công du Hàn Quốc và Nhật Bản của Tổng thống Mỹ Joe Biden, số lượng thành viên sáng lập được cho là 7 nước, gồm Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Tuy nhiên, sau đó có thêm 6 nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là Thái Lan, Philippines, Malaysia, Indonesia, Việt Nam và Brunei tham gia. Như vậy, trong số 10 nước ASEAN, chỉ có ba nước không tham gia IPEF là Campuchia, Myanmar và Lào.

Khó phủ nhận một điều là IPEF nhắm tới Trung Quốc. Mỹ hiện không tham gia vào Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP), còn Trung Quốc không tham gia vào sáng kiến IPEF. Trong khi đó, các nước thành viên khác thì phần lớn tham gia cả RCEP và IPEF. Điều này cho thấy Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh để lôi kéo các quốc gia trong khu vực đứng về phía mình.

 

Ý nghĩa

Với số nước thành viên nhiều hơn dự kiến, IPEF được đánh giá là đã ra mắt thành công. Tuy nhiên, vẫn chưa thể chắc chắn về con đường phía trước. Các nước thành viên vẫn chưa thấy được lợi ích rõ ràng từ việc tham gia sáng kiến này, như việc xóa bỏ hàng rào thuế quan trong Hiệp định thương mại tự do. Một biến số khác là Bắc Kinh đang phản đối quyết liệt IPEF, cho rằng đây là một âm mưu gây chia rẽ của Washington. Nếu Mỹ và Trung Quốc đối đầu căng thẳng, thì các nước thành viên, đặc biệt là các nước ASEAN, sẽ không tránh khỏi phải dò xét thái độ của Bắc Kinh xét trên cả khía cạnh kinh tế và an ninh.

 

Cân nhắc tới trật tự quốc tế thời gian gần đây, có thể coi IPEF là giai đoạn xây dựng bức tường chia cắt Đông-Tây trong thời kỳ chiến tranh lạnh mới. Cuộc chiến tại Ukraine được coi là một cuộc “chiến tranh ủy nhiệm”, trong đó chiến tranh lạnh ở châu Âu leo thang thành chiến tranh nóng giữa Nga và phương Tây mà đứng đầu là Ukraine. Cuộc chiến này cũng đang làm sâu sắc hơn sự đối đầu giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).


Nối tiếp cơ chế hợp tác an ninh QUAD thiết lập với Nhật Bản, Ấn Độ và Australia, Mỹ dường như đang theo đuổi phong tỏa kinh tế Trung Quốc bằng sáng kiến IPEF. Nếu QUAD và IPEF phát triển hơn nữa trong thời gian tới thì hai cơ chế này sẽ có thể thực thi vai trò tương tự như NATO phiên bản châu Á. Như vậy, IPEF có thể bắt nguồn từ một ý tưởng sâu xa hơn rất nhiều.

 

Hàn Quốc và IPEF

Với ý nghĩa trên, việc Hàn Quốc tham gia vào sáng kiến IPEF là một vấn đề phức tạp. Quyết định tham gia sáng kiến này mang một ý nghĩa quan trọng, đó là sự chuyển đổi phương hướng cơ bản trong chính sách đối ngoại: “An ninh chọn Mỹ, Kinh tế chọn Trung Quốc”. Điều này có thể dẫn tới nhiều vấn đề đau đầu hơn.

 

Hàn Quốc đang là cường quốc chíp bán dẫn thế giới. Chíp bán dẫn là một vật tư chiến lược quan trọng, nên Hàn Quốc là đối tác quan trọng với cả Mỹ và Trung Quốc. Vì thế mà cả Bắc Kinh và Washington sẽ gia tăng sức ép để kéo Seoul về phe mình.

 

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nhấn mạnh không đồng ý với quan điểm rằng IPEF là nhằm kiềm chế Trung Quốc. Song trong bối cảnh kinh tế và an ninh đang có sự đan cài ở mọi khía cạnh, và thời đại chiến tranh lạnh mới đang sắp sửa mở ra, thì việc ngăn chặn xung đột lợi ích sẽ là một bài toán cực kỳ khó đối với Chính phủ Seoul.

Lựa chọn của ban biên tập