Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ

2022-05-28

Tin tức

ⓒYONHAP News

Tuyên bố chung Hội nghị thượng đỉnh

Chỉ 11 ngày sau khi nhậm chức, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã có cuộc hội đàm thượng đỉnh đầu tiên với người đồng cấp Mỹ Joe Biden tại Seoul vào ngày 21/5. Tổng thống Mỹ đã chọn thăm Hàn Quốc trước Nhật Bản trong chuyến công du châu Á đầu tiên kể từ sau khi nhậm chức. Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ lần này gồm hội đàm quy mô nhỏ 3+3, hội đàm riêng giữa hai nhà lãnh đạo, và Hội nghị thượng đỉnh mở rộng. Trong đó, lãnh đạo hai nước nhấn mạnh về các giá trị chung như chủ nghĩa dân chủ tự do và nhân quyền.

 

Tuyên bố chung được công bố sau hội nghị bao gồm ba nội dung chính là “trục quan trọng vì hòa bình và thịnh vượng”, “đối tác kinh tế, công nghệ chiến lược”, “đồng minh chiến lược toàn diện toàn cầu: vượt ra khỏi bán đảo Hàn Quốc”. Trong đó, nội dung trọng tâm là việc lãnh đạo hai nước nhất trí mở rộng quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ từ lĩnh vực an ninh, quân sự thành đồng minh an ninh, kinh tế, giá trị hướng tới tương lai. Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết hai nhà lãnh đạo đã tái khẳng định quyết tâm vững chắc trong việc đẩy mạnh quan hệ đồng minh chiến lược toàn diện toàn cầu Hàn-Mỹ dựa trên các giá trị cốt lõi là chủ nghĩa dân chủ, trật tự quốc tế, chống tham nhũng và nhân quyền.

 

Thực hiện đồng minh giá trị

Không chỉ dừng lại ở việc tuyên bố về “đồng minh giá trị”, tuyên bố chung còn nêu ra nhiều sáng kiến về hành động cụ thể ở các lĩnh vực an ninh kinh tế, nhân quyền. Hai nước nhất trí tăng cường hợp tác giữa cơ quan thẩm định đầu tư nước ngoài và kiểm soát xuất khẩu liên quan tới những công nghệ trọng tâm cần thiết, phòng ngừa trường hợp các công nghệ tiên tiến bị lạm dụng để xâm hại an ninh quốc gia, an ninh kinh tế. Hàn Quốc sẽ hợp tác với Mỹ trong việc đẩy mạnh kiểm soát xuất khẩu, ngăn chặn trang thiết bị, công nghệ của Washington được sử dụng trong ngành công nghiệp chíp bán dẫn của Trung Quốc. Hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh về việc ổn định chuỗi cung ứng “trong khuôn khổ đồng minh giá trị”. Tổng thống Yoon giải thích điều này không có nghĩa là Hàn Quốc và Mỹ loại bỏ các quốc gia không chia sẻ chung giá trị khỏi chuỗi cung ứng, mà sẽ ưu tiên thiết lập mối quan hệ chặt chẽ “giữa các quốc gia chia sẻ giá trị”, kỳ vọng những quốc gia khác sẽ cùng tham gia vào “khuôn khổ giá trị phổ quát”.

 

Bên cạnh đó, nội dung về vấn đề nhân quyền được giới thiệu rõ hơn nhiều so với Tuyên bố chung Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ tháng 5 năm ngoái. Hai bên chia sẻ lo ngại về tình hình nhân quyền tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, cam kết đẩy mạnh nhân quyền và pháp trị trên toàn thế giới. Những nội dung này không đề cập trực tiếp tới Bắc Kinh, trái ngược với Tuyên bố chung Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nhật nhắc đích danh Trung Quốc khi nói tới vấn đề nhân quyền

 

Lập trường của Hàn Quốc và bài toán đặt ra

Kết quả hội nghị thượng đỉnh lần này cho thấy một điều rằng Hàn Quốc đang chuyển trọng tâm chính sách đối ngoại từ phía Trung Quốc về gần phía Mỹ hơn một chút. Việc hai nước Hàn-Mỹ chính thức khởi động lộ trình “đồng minh giá trị” dự kiến sẽ đặt ra nhiều bài toán ngoại giao mới đối với Seoul, bởi điều này sẽ làm gia tăng mâu thuẫn với Bắc Kinh. Hàn Quốc còn đề xuất đóng vai trò chủ đạo trong sáng kiến “Hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ” của Mỹ. Hội nghị này do Tổng thống Joe Biden xúc tiến tổ chức, nhằm khôi phục năng lực lãnh đạo của Mỹ đối phó với chủ nghĩa chuyên chế. Hội nghị đầu tiên đã được tổ chức trực tuyến vào năm ngoái.

 

Một bài toán khác đặt ra với hai nước là việc quản lý tình hình bán đảo Hàn Quốc. Trước và sau khi Chính phủ tân Tổng thống Yoon Suk-yeol ra mắt, Bắc Triều Tiên đã liên tiếp phóng tên lửa, và có dấu hiệu chuẩn bị thử hạt nhân. Về điều này, lãnh đạo hai nước nhất trí tái khởi động Nhóm tư vấn chiến lược răn đe mở rộng Hàn-Mỹ (EDSCG) từng bị tạm dừng dưới thời Chính phủ tiền nhiệm của cựu Tổng thống Moon Jae-in. Nội dung nhất trí này được đánh giá là một “bước đi kịp thời”. Hiện tại, thế giới đang có sự phân hóa rõ nét giữa Đông và Tây, thậm chí còn được cho là đang bước vào thời kỳ chiến tranh lạnh mới. Trong khi đó, quan hệ Hàn-Mỹ cũng đã bước sang cục diện mới, dự kiến tình hình bán đảo Hàn Quốc và Đông Bắc Á cũng chuẩn bị đón một sự thay đổi lớn.

Lựa chọn của ban biên tập