Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Giai tầng trong xã hội phong kiến ở Hàn Quốc xưa kia được thể hiện qua âm nhạc

#Âm điệu ngàn xưa l 2022-06-30

Âm điệu ngàn xưa

Giai tầng trong xã hội phong kiến ở Hàn Quốc xưa kia được thể hiện qua âm nhạc

Đôi nét về dòng thơ cổ phổ nhạc Sijosi

Thơ cổ Sijosi là thể thơ được gieo vần theo quy tắc, được kế tục và lưu truyền khá nhiều ở Hàn Quốc. Nếu là người Hàn Quốc, có lẽ ai cũng sẽ nhớ các áng thơ cổ Sijo được học trong giờ học quốc ngữ thời tiểu học, như “Cửa sổ đằng Đông trời hửng sáng. Chim sơn ca truyền cành hót líu lo” hay câu “Núi Thái Sơn có cao đến mấy thì cũng là nằm dưới bầu trời”. Ít ai biết được rằng Sijosi vốn là ca từ thuộc dòng thơ phổ nhạc, được sáng tác theo nhịp điệu và khuôn khổ nhất định. Thơ cổ phổ nhạc Sijosi được hát theo hai phong cách là Gagok và Sijo. Gagok là các ca khúc được hát khi có cả dàn nhạc đệm như đàn tranh 12 dây Gayageum, đàn tranh 6 dây Geomungo, sáo trúc ngang lớn Daegeum, đàn nhị Haegeum, sáo trúc dọc Piri, trống phong yêu Janggu. Trong khi đó, Sijo lại mang tính quần chúng, người nghệ sĩ vừa hát vừa dùng bàn tay vỗ vào đầu gối để tạo nhịp, nếu có điều kiện thì chỉ cần trống phong yêu Janggu hoặc một vài nhạc khí ống tấu đệm như sáo trúc ngang lớn Daegeum hoặc sáo trúc dọc Piri. Một nhạc phẩm thơ phổ nhạc dòng Wusijo mang tên Woljeongmyeong (Nguyệt Chính Minh). Khúc ca có đoạn:


Đêm trăng sáng neo thuyền trên mặt nước

Thấy trời đêm nằm trọn dưới đáy sông

Vầng trăng khuya phủ trắng khắp bầu trời

Tiên Đông ơi! Vớt trăng ta chơi nhé!


Thơ phổ nhạc Sijochang thường được hát theo lối Gyemyeongjo. Chỉ có một số khúc đặc biệt được hát pha lẫn với lối hát Wujo nên được gọi là Wusijo. Thơ cổ Sijosi vốn được sáng tác theo quy tắc ba khổ (khổ đầu, khổ giữa, khổ cuối), 6 câu và trên dưới 45 âm tiết. Mỗi khổ có hai câu, mỗi câu có hai từ gồm 3 hoặc 4 âm tiết, thế nên cả áng thơ sẽ có khoảng trên dưới 45 âm tiết. Nhưng sáng tới thời hậu Joseon, người dân thường cũng tham gia sáng tác thơ cổ Sijo. Có thể do có nhiều tâm sự muốn được chia sẻ, nên số âm tiết trong thơ cổ Sijo thời kỳ này cũng dần dần tăng lên và lối thơ cổ Sijo nhiều chữ này được gọi là Saseolsijo. Đây là một trong những minh chứng về ảnh hưởng của thơ cổ Sijo trong xã hội phong kiến Hàn Quốc xưa. Nhờ đó mà đã có thơ cổ Sijosi được hát theo lối dân ca Minyo. Đó chính là khúc dân ca Noraegarak của vùng Gyeonggi. Khúc hát có đoạn:


Thân này hóa hạc, nâng người trên đôi cánh

Nghìn vạn dặm bay đi, tới nơi không biệt ly

Nếu nơi đó có ly biệt, ta sẽ đưa người bay tiếp nghìn vạn dặm


Âm nhạc và các giai tầng trong xã hội phong kiến ở Hàn Quốc

Triều đại Joseon (thế kỷ XIV-XIX) ở Hàn Quốc là thời kỳ phân biệt giai cấp rất rõ rệt giữa người dân thường và giới quý tộc trung lưu trong xã hội. Ngay cả thể loại âm nhạc dành cho mỗi giai tầng cũng có sự khác biệt không nhỏ. Âm nhạc dành cho những người có học thức như thơ phổ nhạc Sijo được gọi là Norae (bài hát). Trong khi đó, những khúc hát dành cho bách tính, tầng lớp thấp kém trong xã hội, như hát kể chuyện Pansori hay dân ca Minyo thì chỉ được coi là Sori (âm thanh) hoặc Japga (tạp ca). Điều này cũng có nghĩa rằng Noraegarak là thơ phổ nhạc Sijo được hát theo khuôn khổ dân ca Minyo. Khúc hát Woljeongmyeong (Nguyệt Chính Minh) có phần lời là áng thơ Ogamdo (Ô Khám Đồ) của nhà thơ Yi Sang (1910-1937), trên nhịp điệu của khúc Wusijo Woljeongmyeong. Ogamdo là tác phẩm khó hiểu nhất trong các tác phẩm của Yi Sang, một nhà văn có tài năng bẩm sinh trong thời bán đảo Hàn Quốc bị đế quốc Nhật Bản chiếm đóng. Trong những năm 1930, Ogamdo đã được đăng tải liên số trên nhật báo Jungang Joseon nhưng sau này bị ngừng đăng do phản ánh của độc giả. Tác phẩm có đoạn:


13 đứa trẻ giống nhau chạy thục mạng

Trong 13 đứa trẻ có đứa đáng sợ và đứa sợ sệt

Một đứa trẻ là đứa đáng sợ cũng tốt

Hai đứa trẻ đáng sợ cũng tốt.


  • Nhạc phẩm thơ phổ nhạc Woljeongmyeong (Nguyệt Chính Minh) dòng Wusijo / Kim Wol-ha
  • Khúc hát Noraegarak / Lee Hee-wan
  • Khúc Woljeongmyeong (Nguyệt Chính Minh) / thơ Ogamdo (Ô Khám Đồ) của nhà thơ Yi Sang, Hwang Jin-ah ngâm thơ và đánh trống phong yêu Janggu, Ji Min-ah hát

Lựa chọn của ban biên tập