Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Nguồn gốc của khúc dân ca Arirang vùng Jeongseon ở Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2022-07-21

Âm điệu ngàn xưa

Nguồn gốc của khúc dân ca Arirang vùng Jeongseon ở Hàn Quốc

Tâm tình người học giả gửi gắm trong ca từ khúc hát Arirang vùng Jeongseon

 “Jeongseon Arirang” (Arirang vùng Jeongseon) là khúc dân ca Arirang lâu đời nhất của Hàn Quốc, hàm chứa câu chuyện của những trung thần vương triều Goryeo (thế kỷ X-XIV). Hàn Quốc thời xưa quan niệm rằng trung thần không được phụng sự cho hai vua, đây chính là khí khái và trí đức của giới học giả. Khi vương triều Goryeo thất thế, vương triều Joseon ra đời, các trung thần vương triều Goryeo dù không khuất phục, nhưng vì không thể chết nên đã chọn cuộc sống ẩn dật tránh xa thế sự. Trong số này đã có người tìm đến vùng Jeongseon, một khu vực rừng sâu núi thẳm ở tỉnh Gangwon. Cho đến ngày nay, Jeongseon vẫn còn là một vùng quê hẻo lánh nên có lẽ dưới thời Goryeo cũng sẽ chẳng mấy ai đặt chân tới đây. Một mình cô quạnh nơi rừng sâu núi thẳm với nắm rau rừng ăn qua bữa là cuộc sống mà người học giả này tự lựa chọn. Nhưng nỗi nhớ quê hương bản quán và gia đình luôn đau đáu và dằn vặt tâm can ông. Ông đành gửi nỗi nhớ vào thơ, ngâm thơ để trải lòng. Áng thơ này được người dân thường trong xã hội thời đó biết tới và sau này trở thành khúc dân ca “Jeongseon Arirang”. Ca từ của khúc hát là lời thổ lộ tâm trạng cô đơn, buồn thảm đến não nùng. Trong đó có đoạn:

Tuyết rơi, mưa trút hay mưa ngâu đằng đẵng

Mây đen bao phủ Vạn Thọ sơn.


Đi tìm câu chuyện tình yêu xưa trong câu hát Arirang

Lời bài hát này hàm chứa câu chuyện liên quan đến nguồn gốc của dân ca “Jeongseon Arari”. Khúc dân ca “Jeongseon Arari” là câu chuyện tình yêu của đôi trai gái sống ở hai bên bờ sông Auraji, nơi hai dòng chảy gặp nhau trước khi đổ ra sông lớn. Truyền rằng thuở đó, có đôi nam nữ ở hai bên bờ sông thầm thương trộm nhớ nhau. Họ đã hẹn gặp nhau, nhưng không may, đêm đó mưa to như trút nước, nước sông dâng cao chảy siết làm trôi mất con đò qua sông. Đôi nam nữ chỉ biết đứng hai bên bờ sông cuồn cuộn nước, não lòng hát câu ca này trong sự nuối tiếc khôn nguôi. Cho dù khúc dân ca Arirang vùng Jeongseon có nguồn gốc thế nào đi chăng nữa thì người dân nơi đây vẫn luôn sống cùng câu hát này. Khi đốn củi, lúc hái rau rừng hay đốt nương làm rẫy, người bên sườn núi nọ, kẻ ở sườn núi kia nhưng họ vẫn cất cao tiếng hát đối đáp nhau. Đây cũng là cách mà người nông dân thuở đó đánh tiếng cho nhau để báo rằng mình không bị thú dữ làm hại. Khúc hát Arari xưa kia giờ đây được gọi là khúc dân ca Arirang vùng Jeongseon - “Jeongseon Arirang”. Khúc dân ca “Jeongseon Arirang” có nguồn gốc từ khúc hát Arari khác với khúc dân ca “Jeongseon Arirang” do các nghệ sĩ âm nhạc truyền thống của vùng Gyeonggi vẫn hay hát. Đây vốn là khúc hát Arari có nhịp điệu nhanh, ca từ mang tính trào phúng được các danh ca của tỉnh Gyeonggi trau chuốt lại. Tháng 2 năm 2018, Thế vận hội mùa đông lần thứ 23 đã được tổ chức tại huyện Pyeongchang, tỉnh Gangwon, nơi không xa với vùng Jeongseon. Giám đốc âm nhạc của lễ bế mạc Olympic PyeongChang là nhạc sĩ Yang Bang-eon, người đã phát hành đĩa nhạc “Echoes for Pyeongchang” gồm các khúc hát được biến tấu dựa trên nguyên tác Arirang vùng Jeongseon. Các nghệ sĩ tham gia trong đĩa nhạc này đến từ nhiều dòng âm nhạc và đều rất nổi tiếng. 


  • Khúc dân ca Arirang của vùng Jeongseon / Kim Byeong-gi, Park Gyeong-won 
  • Khúc Jeongseon Arirang theo lối hát dân ca của vùng Gyeonggi mang phong cách rock / Song So-hee và nhóm nhạc Mặt trăng thứ hai
  • Khúc ca dân Arirang vùng Jeongseon / Yang Bang-eon (piano), Ha Hyeon-woo (ca sĩ nhạc rock)

Lựa chọn của ban biên tập