Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Hàn Quốc lần đầu phóng tàu thăm dò Mặt trăng

2022-08-06

Tin tức

ⓒYONHAP News

Vào lúc 7 giờ 8 phút tối ngày 4/8 (giờ địa phương), tức lúc 8 giờ 8 phút sáng ngày 5/8 (giờ Hàn Quốc), tàu thăm dò Mặt trăng đầu tiên của Hàn Quốc mang tên “Danuri” (Korea Pathfinder Lunar Orbiter - KPLO) đã được phóng từ Trạm lực lượng không gian Cape Canaveral, bang Florida (Mỹ) bằng tên lửa đẩy Falcon 9 của hãng SpaceX (Mỹ), bắt đầu hành trình hơn 4 tháng hướng tới Mặt trăng.

   

Vụ phóng

Vào ngày 5/7 vừa qua, tàu Danuri được vận chuyển bằng đường hàng không trong một container chống rung đặc biệt, vượt qua biển Thái Bình Dương, tới Trạm lực lượng không gian Cape Canaveral trong ngày 7/7. Sau đó, tàu được kiểm tra trạng thái, tiến hành các công tác chuẩn bị phóng, như thử nghiệm liên lạc viễn thông, nạp nhiên liệu, kết nối với tên lửa đẩy.

40 phút sau khi phóng, ở độ cao cách Trái đất 1.656 km, tàu đã tách khỏi tên lửa đẩy thành công, kích hoạt chương trình tự động của máy tính, tiến vào quỹ đạo mục tiêu. Lúc 9 giờ 40 phút (giờ Hàn Quốc), tàu liên lạc thành công với trạm mặt đất.

Nếu tàu Danuri thành công tiến vào quỹ đạo Mặt trăng vào cuối năm nay thì Hàn Quốc sẽ trở thành quốc gia thứ 7 trên thế giới phóng thành công tàu thăm dò Mặt trăng, nối tiếp Nga, Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, Trung Quốc và Ấn Độ.

   

Tàu Danuri

Tên gọi "Danuri", được ghép bởi từ "Dal" nghĩa là "Mặt trăng" và từ "Nuri" nghĩa là "tận hưởng, thưởng thức" trong tiếng Hàn, mang ý nghĩa cầu chúc chiếc tàu sẽ thưởng thức hết tất cả mọi điều trên Mặt trăng rồi quay trở lại Trái đất. Tên gọi này được lựa chọn thông qua cuộc thi đặt tên cho tàu thăm dò Mặt trăng. 

Phần thân của tàu Danuri được Viện nghiên cứu hàng không vũ trụ Hàn Quốc phát triển. 5 hệ thống thực thi nhiệm vụ của tàu do các viện nghiên cứu và trường đại học trong nước đồng phát triển. Tàu còn bao gồm một hệ thống được phát triển bởi Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA).

Phần thân tàu được lắp máy tính, các hệ thống điều khiển, trang thiết bị liên lạc viễn thông để hỗ trợ tàu hoàn thành nhiệm vụ một cách thuận lợi. 5 hệ thống được phát triển bằng công nghệ trong nước gồm camera độ phân giải cao, camera phân cực góc rộng, thiết bị đo từ trường, quang phổ kế tia gamma, mạng internet vũ trụ. Trong đó, tàu Danuri được thử nghiệm mạng internet vũ trụ dùng để thăm dò không gian sâu đầu tiên trên thế giới. Camera phân cực góc rộng được dùng để lập bản đồ phân cực toàn bộ bề mặt Mặt trăng lần đầu tiên trên thế giới. Quang phổ kế tia gamma có nhiệm vụ đo quang phổ tia gamma phát ra từ bề mặt Mặt trăng, từ khu vực năng lượng thấp tới khu vực năng lượng cao, dùng để theo dõi địa chất, sự thay đổi của Mặt trăng, và khảo sát tài nguyên. Hệ thống do NASA phát triển lắp trên tàu là “shadow camera”, sử dụng camera có độ phân giải khoảng 1,7m, dự kiến sẽ có thể ghi hình lại vùng tối vĩnh viễn ở Nam Cực và Bắc Cực của Mặt trăng với độ chính xác cao. Tháng 5 năm ngoái, Hàn Quốc tham gia vào “Hiệp định Artemis”, một thỏa thuận quy định nguyên tắc về hợp tác quốc tế trong việc thăm dò vũ trụ vì mục đích hòa bình do Mỹ khởi xướng. Việc lắp đặt shadow camera cho tàu Danuri được căn cứ theo nội dung này.

 

Dự án tàu thăm dò Mặt trăng Hàn Quốc

Hàn Quốc kết thúc nghiên cứu khả thi về dự án tàu thăm dò Mặt trăng vào năm 2013-2014. Dự án này được xúc tiến năm 2016, là một phần trong “Kế hoạch phát triển, thăm dò Mặt trăng giai đoạn 1”, được thông qua tại Ủy ban Vũ trụ quốc gia vào cùng năm. Tuy nhiên, kế hoạch dự án đã bị thay đổi 4 lần, do chậm trễ khâu thiết kế, tăng trọng lượng tàu thăm dò, thay đổi đường di chuyển tới Mặt trăng.

Sau vụ phóng thành công tên lửa đẩy tự phát triển “Nuri” vào ngày 21/6 vừa qua, lần này Hàn Quốc tiếp tục đưa tàu thăm dò Mặt trăng lên vũ trụ. Các thành tựu trên càng giúp củng cố hơn nữa vị thế cường quốc phát triển vũ trụ của Hàn Quốc.

Lựa chọn của ban biên tập