Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Mùa hè và tiếng ve kêu trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2022-08-11

Âm điệu ngàn xưa

Mùa hè và tiếng ve kêu trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc

Tiếng ve mùa hạ

Có lẽ dạo này tiếng ve ngân râm ran đêm ngày đang làm cho không ít người mất ngủ. Ở Hàn Quốc, có một loài ve có tên gọi là Sseureurami. Tiếng kêu của loài ve này nghe tựa như là “Sseureum! Sseureum!” nên chúng được gọi là Sseureurami. Ve kêu ra rả suốt ngày suốt đêm là để tìm bạn tình. Trước khi phải sống ở trạng thái ấu trùng trong lòng đất tối tăm tới vài năm. Vậy mà khi trở thành ve, vòng đời của nó chỉ kéo dài từ hai đến ba tuần. Và trong khoảng thời gian ngắn ngủi này, chúng phải tìm đôi để giao phối và đẻ trứng. Người Hàn Quốc xưa như thấu hiểu và đồng cảm với nỗi niềm này của loài ve nên đã sáng tác khúc hát có tựa đề Ssareum (Ve sầu). Khúc hát có đoạn:

Ve! Ve! Ve! Cây cử, đình Jeongja ngả bóng

Ve ve ve, tiếng ve nghe văng vẳng bên tai

Ve ve ve, cả ngươi và ta đều tan chảy

Ve ve ve, vì sao lại khóc hả ve ơi

Có phải vì người thương ra đi nên ve sầu ve khóc


Những món ăn của người Hàn trong mùa hạ

Thứ Hai tuần sau (ngày 8/15) là tiết Malbok (Mạt phục), là ngày nóng cuối cùng trong ba ngày nóng nhất trong năm ở Hàn Quốc. 

Từ xa xưa, hàng năm cứ tới dịp này là người dân Hàn Quốc dành thời gian để nghỉ ngơi, cùng gia đình bạn bè đi tránh nóng ở bên những con suối và bắt cá nấu canh ăn để giải nhiệt. Ở cái thời đồ ăn thức uống còn quý hiếm thì một bát rượu gạo lên men Makgeolli với chút đạm cùng niềm hạnh phúc sum vầy là đã có thể giúp con người ta vực lại sức khỏe giữa chảo lửa hừng hực của mùa hè.

Trong dòng tạp ca Hwimori Japga của Hàn Quốc có một nhạc phẩm mang tên “Yukchilwol Heurinnal” (Ngày âm u tháng 6, tháng 7) với nhịp điệu nhanh chẳng khác nào như “bắn rap” thời hiện đại. Khúc tạp ca này kể về câu chuyện đi bắt cá của một người đàn ông. Khi nhìn thấy dưới suối có nhiều cá, người đàn ông chắc mẩm là nếu có trong tay dụng cụ thì sẽ bắt được cả lũ cá kia. Đúng lúc đó, một cậu bé làm thuê cho nhà khác dắt bò đi ngang qua, người đàn ông liền gọi cậu bé lại và liến thoắng rằng nếu ngươi cho ta mượn cái giỏ kia thì ta sẽ bắt hết lũ cá này, rồi ngươi mang giỏ cá về nhà cho vợ ta nói cô ấy nấu một nồi canh cá thật ngon. Nhưng làm kẻ ăn người ở cho người khác từ nhỏ, cậu bé đâu dễ ngoan ngoãn nhận lời kia chứ. Cậu bé liền tỏ thái độ rất ỡm ờ và cáo rằng mình đang bận. Có lẽ người đàn ông phải chia cho cậu bé chút đỉnh thì cậu ta mới ngoan ngoãn nhận lời. 


Mỳ lạnh sữa đậu nành Kongguksu là một trong những món ăn giải nhiệt mùa hè ở Hàn Quốc. Người ta ngâm nở đậu nành, luộc chín tới, xay mịn thành nước đậu và nêm thêm một chút xíu muối. Chỉ cần luộc chín mỳ là sẽ có ngay một bát mỳ lạnh sữa đậu nành vừa mát, vừa ngon và bổ dưỡng. Nghe nói thì quả là dễ, nhưng trên thực tế, quy trình ngâm luộc và xay nhuyễn đậu nành hoàn toàn không dễ một chút nào. Ngày xưa, người ta dùng cối đá bazan rất to và nặng, có tên gọi là Maetdol để xay đậu. Phải có hai người, một người múc đậu luộc và nước đổ vào lỗ cối, một người phải dùng sức nắm tay cầm của cối xoay tròn nhịp nhàng. Trước đây, một gia đình ở Hàn Quốc thường có ba, bốn thế hệ cùng chung sống, nên chúng ta có thể mường tượng được người phụ nữ phải vất vả thế nào mới có thể xay đủ nước đậu nành cho cả gia đình ăn một bữa Kongguksu. Người dân đảo Jeju có khúc dân ca “Gorae Goneun Sori” (Khúc hát quay cối xay đá) diễn tả nỗi nhọc nhằn của công việc này. Ở đảo Jeju, người ta gọi “cối xay đá Maetdol” là “Gorae” và “động tác quay cối xay đá” là “Go”.  Có lẽ vừa hát vừa làm thì các động tác sẽ phối hợp với nhau nhịp nhàng hơn, giúp người xay cũng đỡ mệt hơn. 


* Khúc hát Ssareum (Ve sầu) Chu Da-Hye 

* Khúc hát “Yukchilwol Heurinnal” (Ngày âm u tháng 6, tháng 7) Lee Hee-mun và ban nhạc jazz Prelude 

* Khúc dân ca “Gorae Goneun Sori” (Khúc hát quay cối xay đá) của đảo Jeju / bô lão Go Seong-ok và nhóm phụ họa

Lựa chọn của ban biên tập