Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Vài nét văn hóa duy tâm trong quan niệm cổ truyền ở Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2022-12-01

Âm điệu ngàn xưa

Vài nét văn hóa duy tâm trong quan niệm cổ truyền ở Hàn Quốc

Quan niệm hóm hỉnh và gần gũi về yêu tinh Dokkaebi

Doggaebi được dịch sang chữ Hán là “Độc cước quỷ”. Tuy có chữ “quỷ”, tức “ma quỷ” nhưng nó có nghĩa khác với ý nghĩa “hồn ma” chỉ vong hồn người chết. Dokkaebi không phải là loài ác quỷ nhưng cũng không giúp ích cho con người. Do đó, rất khó để có thể giải thích một cách chính xác về Dokkaebi cho người dân của quốc gia khác. Gần đây, còn có cả bộ phim truyền hình mang tên Dokkaebi ăn khách trong và ngoài nước nên có một luồng tranh cãi nên dịch Dokkaebi như thế nào và ở Việt Nam được phổ biến với cách dịch là “yêu tinh”. 

Truyền rằng yêu tinh Dokkaebi là sự biến hình của những vật thể tồn tại lâu đời trong tự nhiên hoặc những đồ vật được con người dùng lâu năm. Những thứ hay biến thành yêu tinh Dokkaebi có thể kể đến như cái chổi quét nhà hay cái que cời bếp củi. Dokkaebi thường xuất hiện với các dấu hiệu như ma trơi, tiếng bát đĩa rơi vỡ và đôi khi còn xuất hiện trong diện mạo của người có ngoại hình đặc biệt. Đặc tính của Dokkaebi là nghịch ngợm và thích vật nhau thế nên nhiều người đi đêm một mình mà gặp phải yêu tinh Dokkaebi là cứ phải vật nhau với chúng thâu đêm suốt sáng. Người đời truyền nhau rằng khi vật nhau với Dokkaebi phải dùng chân trái ngáng nó thì mới hòng thắng được. Vì quan niệm rằng yêu tinh Dokkaebi có sức mạnh siêu nhiên nên người Hàn Quốc cũng làm lễ cúng Dokkaebi. Ví như người làng chài thì nấu thạch kiều mạch Memilmuk rắc khắp nơi và cầu khấn Dokkaebi phù hộ để đánh bắt được tôm cá. Các lò rèn nung lửa thường xuyên cũng dâng lễ cúng Dokkaebi.

Truyền rằng, không may gặp phải Dokkaebi thì vướng họa lớn nhưng nếu cho nó vay tiền thì hàng đêm nó đem tiền đến trả nợ mà không nhớ là đã trả thế nên người cho Dokkaebi vay tiền thì chả mấy mà trở nên giàu có. Dokkaebi là một hiện tượng siêu nhiên khó hiểu nhưng có thể là họa cũng có thể là phúc đối với con người tùy vào hành động của người đó.


Hình ảnh linh vật và ma quỷ trong văn hóa Hàn Quốc

Trong quan niệm của người Hàn Quốc, sư tử cũng được coi là một hiện tượng giống như yêu tinh Dokkaebi. Hàn Quốc không có địa hình phù hợp với môi trường sinh sống của sư tử, vậy mà trong các điệu múa mặt nạ của các vùng đa phần đều xuất hiện điệu múa mặt nạ sư tử Sajatal, có lẽ là có nguồn gốc từ các nước phía Tây Trung Quốc. Học giả Choi Chi-won sinh năm 857, sống dưới thời Silla thống nhất đã để lại bút tích sau khi xem múa sư tử rằng:


Vượt sa mạc xa xôi vạn dặm tới

Bộ lông rách bám đầy bụi trần

Lắc đầu vẫy đuôi thuần nhân đức

Tài năng xuất chúng sao vẫn sánh với muôn loài thú vật khác


Sư tử là chúa tể của muôn loài vật, nhưng thời xưa do chưa một lần được nhìn thấy sư tử nên người Hàn Quốc coi sư tử như một loài linh vật giống như rồng và phượng hoàng. Họ nhảy điệu múa sư tử Sajachum để mong sức mạnh siêu nhiên của sư tử xua đuổi tà ma quỷ dữ. 

Khi xem các bộ phim của phương Tây thì thấy ma quỷ ở đó đều là ác quỷ và làm hại con người. Còn ma quỷ trong các truyện cổ xưa của Hàn Quốc chỉ là những hồn ma chết oan uổng tức tưởi, hiện về và mong muốn được minh oan cho cái chết của mình. Thế nên khi tổ chức chiếu đồng, sau khi cúng vái và đưa tiễn các vị thần, ông đồng bà đồng cũng làm lễ Dwitjeon mời gọi các vong hồn chết oan tới cúng vái giải oan và tiễn họ về nơi chín suối. Trong lễ cúng tế, người Hàn Quốc thường đọc các bài kinh như kinh cầu nguyện Chukwongyeong, kinh an gia Antaekgyeong hay kinh đuổi tà ma Pagyeong. Lời bài ca Pagyeong là những câu xua đuổi các loại tà ma, từ ma nữ, ma nam, ma quả phụ, ma quả phu, ma chết đói do hạn hán cho đến ma chết đuối do lũ lụt... Nói là xua đuổi nhưng thực ra là mời họ đánh chén no say rồi quay về với thế giới của mình chứ không để họ phải lang bạt nơi trần thế. Trên thực tế, không biết là có ma hay không, nhưng lối duy tâm của người xưa phản ánh quan niệm rằng mọi sự tồn tại trên thế gian đều mang một giá trị nhất định. 


* Khúc hát Dokkaebichum (Vũ điệu Dokkaebi) / nhóm nhạc truyền thống MuRR 

* Khúc nhạc đệm cho điệu múa sư tử Bukcheong Sajanoreum / Dong Seon-bon và nhóm phụ họa 

* Khúc hát Pagyeong / Kim Yoo-ri

Lựa chọn của ban biên tập