Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Nghệ thuật dân gian trong đời sống trên đảo Jeju

#Âm điệu ngàn xưa l 2023-05-18

Âm điệu ngàn xưa

Nghệ thuật dân gian trong đời sống trên đảo Jeju

Các khúc ca lao động của đảo Jeju

Hòn đảo Jeju nằm ở phía Nam Hàn Quốc nổi tiếng là có nhiều gió, nhiều đá, và nhiều phụ nữ nên còn có tên gọi là “Samdado” (Tam đa đảo). Giờ đây, nhờ mạng lưới giao thông thuận tiện và phong cảnh tự nhiên mỹ miều, đảo Jeju đã trở thành điểm tham quan lý tưởng của du khách trong và ngoài nước. Xưa kia, do ở xa đất liền nên điều kiện sinh sống trên đảo không được tốt lắm, có nhiều đá mà lại còn là đá bazan thủng lỗ chỗ. Trong đất cũng lẫn nhiều đá bazan nên sau cơn mưa, nước mưa cũng trôi hết, không đọng lại được. Không có điều kiện canh tác lúa, người dân đảo Jeju chủ yếu trồng hoa màu. Tới đảo Jeju, chúng ta có thể thấy hàng rào đá bazan bao quanh các thửa ruộng. Đất ruộng nhiều đá nên muốn canh tác thì người ta phải đào đá ở ruộng ra, rồi xếp quanh ruộng thành rào đá. Hàng rào đá này có tác dụng ngăn ngừa hiện tượng trôi đất, tạo ranh giới để phân biệt với ruộng nhà người khác và còn có tác dụng cản gió. Gió trên đảo Jeju rất mạnh nên khi gieo hạt giống, người dân trên đảo thường cho ngựa và bò giẫm ruộng để hạt giống bám vào đất không bị gió cuốn đi. Những lúc này, họ thường ngân nga khúc dân ca “Bat Bapneun Sori” (Khúc hát giẫm ruộng). 


Ngoài nhiều đá và nhiều gió, đảo Jeju còn có nhiều phụ nữ, không phải là do tỷ lệ sinh con gái ở đây cao hơn con trai mà là do cánh đàn ông trên đảo chết sớm. Ở đảo Jeju, cánh đàn ông thường làm nghề đánh bắt cá ngoài khơi. Xưa kia, tàu cá thì nhỏ, biển cả thì dữ dội bao la, vô số đàn ông có ngày đi mà không có ngày trở lại. Thế nên mọi công việc trong gia đình và cả việc đồng áng đều do người phụ nữ một vai gánh vác. Nhiều người còn làm cả nghề thợ lặn Haenyeo (Hải nữ) nữa. Được biết, người phụ nữ trên đảo Jeju bận đến nỗi không có thời gian nấu canh tương đỗ Doenjang ăn mà chỉ pha tương vào nước lạnh rồi chan cơm nguội ăn. Bản thân thì chỉ ăn qua loa lót dạ nhưng họ luôn mong muốn chăm chút cho cha mẹ và chồng con ăn uống tới nơi tới chốn. Người dân đảo Jeju có khúc dân ca “Gorae Goneun Sori” (Khúc hát quay cối xay đá). Ở đảo Jeju, người ta gọi “cối xay đá Maetdol” là “Gorae” và “động tác quay cối xay đá” là “Go”. Xưa kia người phụ nữ trên đảo thường ngân nga khúc dân ca “Gorae Goneun Sori” khi dùng cối xay đá để xay xát thóc gạo. Ngay sau đây, chúng ta sẽ lắng nghe bô lão Koh Seong-ok và nhóm phụ họa trình diễn khúc hát này nhé. 


Cảnh đẹp tiêu biểu của đảo Jeju trong câu ca tiếng hát truyền thống

Có lẽ chính những khúc dân ca mà người phụ nữ trên đảo Jeju ngân nga hát khi lao động đã giúp họ vượt qua mọi nhọc nhằn vất vả trong cuộc sống. Trong các khúc hát của đảo Jeju, có thể kể đến khúc hát “Yeongjusipgyeong” (Doanh Châu thập cảnh). “Yeongju” (Doanh Châu) vốn là tên gọi trước đây của đảo Jeju. Người Trung Quốc xưa kia tin rằng các thần tiên sống ở ba ngọn núi là núi Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu. Lấy cảm hứng từ đó, dân tộc Hàn ngày xưa gọi núi Halla ở đảo Jeju là núi Doanh Châu. 

Nhạc phẩm “Yeongjusipgyeong” trên khuôn nhạc múa hát lên đồng Gutsori là khúc hát ca ngợi 10 thắng cảnh tươi đẹp của đảo Jeju như cảnh Mặt trời mọc trên đỉnh núi Seongsan, cảnh Mặt trời lặn trên ngọn Sara, thác nước Jeongbang vào mùa hè, màu quýt chín vàng ruộm dưới trăng thanh mùa thu, hay ao Baekrok trên núi Halla phủ trắng tuyết khi đông về, đàn ngựa nô đùa trên đồng cỏ, cảnh chùa trong hang núi Sanbang. 


* Khúc dân ca “Bat Bapneun Sori” (Khúc hát giẫm ruộng) / bô lão Koh Tae-pyeong và Hyeon Gap-bong của đảo Jeju 

* Khúc dân ca “Gorae Goneun Sori” (Khúc hát quay cối xay đá) / bô lão Koh Seong-ok và nhóm phụ họa 

* Khúc hát 10 cảnh đẹp nổi tiếng ở đảo Jeju “Yeongjusipgyeong” (Doanh Châu thập cảnh) / Kim Ju-ok và nhóm phụ họa

Lựa chọn của ban biên tập