Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Các di sản văn hóa truyền thống nổi tiếng của vùng Gangneung ở Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2023-06-08

Âm điệu ngàn xưa

Các di sản văn hóa truyền thống nổi tiếng của vùng Gangneung ở Hàn Quốc

Giới thiệu lễ hội Tết Đoan Ngọ ở vùng Gangneung

Dn: Thưa quý vị thưa các bạn, mùng 5/5 âm lịch, ngày Tết Đoan Ngọ thường rơi vào khoảng đầu tháng 6 dương lịch, nhưng năm nay là năm nhuận có hai tháng 2 âm lịch nên Tết Đoan Ngọ tới muộn hơn mọi năm và rơi vào ngày 22/6 dương lịch. Ở Hàn Quốc có nhiều phong tục truyền thống trong ngày Tết Đoan Ngọ vẫn còn được lưu truyền tới nay, trong đó có nghi thức lễ hội Tết Đoan Ngọ vùng Gangneung, tỉnh Gangwon gọi là “Gangneung Danoje” được Tổ chức Giáo dục khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại năm 2005. Tại lễ hội Tết Đoan Ngọ vùng Gangneung, người dân địa phương làm lễ cúng thần thủ hộ làng, gọi là Guksa seonangsin, vốn là Quốc sư Beomil (Phiếm Nhật) được tôn là thần núi của đèo Daegwallyeong. Trong dịp này người ta cũng tổ chức chiếu đồng Gut, múa mặt nạ Gamyeongeuk, các trò chơi dân gian Minsoknori và các hoạt động biểu diễn nghệ thuật náo nhiệt Nanjang. Trước Tết Đoan Ngọ một tháng, từ mùng 5/4 âm lịch, người dân đã bắt đầu ủ rượu để dâng cúng thần linh. Vào ngày Rằm tháng Tư, họ tới Daegwallyeong để rước thần thủ hộ làng Guksa seonangsin về đền Yeoseonang tại thành phố Gangneung và tổ chức chiếu đồng Gut liên tục trong 5 ngày mỗi dịp Tết Đoan Ngọ. Chiếu đồng này có sự tham gia của người dân các làng mạc xung quanh  đèo Daegwallyeong nên trong dịp này có nhiều trò chơi dân gian được tổ chức tại đây. Xưa kia, người tham gia đám rước thần thủ hộ làng thường thắp đuốc và vừa đi vừa hát khúc “Yeongsanhong” (Ánh sơn hồng). 


Yeongsanhong là tên một loài hoa thuộc chi đỗ quyên có màu đỏ. Có lẽ khúc hát “Ánh sơn hồng” được sáng tác bắt nguồn từ cảm hứng hình ảnh đoàn người cầm những ngọn đuốc rực cháy nối đuôi nhau xuống núi trong bóng đêm giống như những bông hoa đỗ quyên đỏ Yeongsanhong nở rộ trên núi. Tục rước thần Guksa seonangsin về đền Yeoseonang ở thành phố Gangneung đã diễn ra vào cuối tuần trước. Lễ hội Gangneung Danoje kéo dài trong vòng 33 ngày từ 24/5, và chính hội rơi vào khoảng từ ngày 18-25/6. 


Lâu đình Gyeongpodae (Đài Kính Phổ) và khúc dân ca Odokddegi

Ngoài lễ hội này, thành phố Gangneung còn sở hữu khá nhiều di sản văn hóa có giá trị, ví như Gyeongpodae (Đài Kính Phổ), lâu đình đẹp nhất trong 8 cảnh quan tuyệt mỹ được đề cập trong Gwandongpalgyeong (Quan Đông bát cảnh). Người đời truyền nhau rằng phải ngắm nhìn cảnh quan thiên nhiên từ bên trong lâu đình Gyeongpodae mới cảm nhận hết được giá trị tuyệt mỹ nơi đây. Từ Gyeongpodae có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh hồ nước Gyeongpo thơ mộng, nguồn cảm hứng thi ca của các học giả thời xưa ở Hàn Quốc. Trong số này có thể kể đến khúc thơ phổ nhạc “Shipinangan” (Thập nhị lan can, tức Lan can 12 trụ). Khúc hát có đoạn:


Lên lâu các hàng lan can tuyệt mỹ

Biển sắc xuân lơ lửng bên lâu đình Gyeongpodae

Sóng xanh sâu phẳng lặng vô cùng tận

Chim trắng sánh đôi chập chờn bay


Thành phố Gangneung không chỉ có nhiều cảnh đẹp mà còn có nhiều khúc hát nổi tiếng như khúc dân ca Odokddegi được người nông dân hát khi làm cỏ. Dân ca Odokddegi đã được bình chọn là di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Gangwon. Truyền rằng Odokddegi vốn là khúc hát được các Hwarang, tức lớp thanh niên trai tráng, văn võ song toàn thời Silla (thế kỷ VII-X) ở vùng Gangneung thường hát. Cũng có lời đồn rằng, xưa kia có một vị quan vì quá mê khúc dân ca Odokddegi do người nông dân hát nên đã mời họ vào phủ để hát cho mình nghe. Gimmaegi là công đoạn người nông dân làm cỏ vào mùa hè. Để quên đi cái nóng và sự mệt mỏi dưới chảo lửa giữa trưa hè, họ vừa làm cỏ nhịp nhàng cùng câu hát Odokddegi. 


* Khúc hát “Yeongsanhong” (Ánh sơn hồng) / nhóm nhc truyn thng Anaya 

Khúc thơ ph nh“Thập nhị lan can” /  Kim Yong-wu (hát), Shin Hee-jun (đàn ghi ta) 

* Khúc dân ca Odokddegi của vùng Gangneung / Kim Jin-seok, Lee Jin-gi và Kwon Yeong-ha

Lựa chọn của ban biên tập