Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Tác động của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ đến nền kinh tế Hàn Quốc

#Tiêu điểm kinh tế l 2018-11-12

ⓒ YONHAP News

Triển vọng kinh tế Mỹ sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ?


Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ đã kết thúc vào tuần trước, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong chính sách ngoại giao và kinh tế của Mỹ. Theo đó, kết quả bầu cử dự kiến sẽ ảnh hưởng đáng kể đến những chính sách sắp tới của chính quyền Tổng thống Donald Trump, trong đó có vấn đề tranh chấp thương mại với Trung Quốc. Trong mục Tiêu điểm kinh tế tuần này, ông Kim Gwang-seok, Giáo sư chuyên ngành Quốc tế học hệ sau đại học, trường Đại học Hanyang, sẽ phân tích những hiệu ứng kinh tế từ kết quả của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ vừa qua. 


Sự chia rẽ trên chính trường Mỹ dự kiến sẽ càng được nới rộng sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua, khi đảng cầm quyền Cộng hòa tiếp tục nắm quyền kiểm soát Thượng viện, nhưng đảng đối lập Dân chủ đã giành được quyền kiểm soát Hạ viện. Trước đó, Chính phủ Tổng thống Donald Trump đã nắm giữ quyền kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện, nên việc áp đặt các chính sách mới là khá dễ dàng. Tuy nhiên, với kết quả bầu cử lần này, nhiều người đang đặt câu hỏi liệu Quốc hội Mỹ có dễ dàng thông qua các chính sách mới của Tổng thống hay không. Bất ổn trên chính trường Mỹ sẽ làm gia tăng nguy cơ bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu, và có thể khiến các chỉ số kinh tế vĩ mô như tỷ giá hối đoái và giá dầu, trở nên biến động hơn. Ngoài ra, Đảng Dân chủ cũng có thể kìm hãm các chính sách tài khóa mở rộng hiện nay do Chính quyền Tổng thống Trump thực hiện nhằm mục đích thúc đẩy nền kinh tế, và có thể dẫn tới sự suy yếu đà tăng trưởng kinh tế của Mỹ.      


Tác động của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ đến nền kinh tế Hàn Quốc?


Sau cuộc bầu cửa giữa nhiệm kỳ vừa qua, Đảng Dân chủ đã lần đầu tiên giành lại quyền kiểm soát Hạ viện Mỹ sau 8 năm. Do Hạ viện có quyền xem xét vấn đề sử dụng, thu chi ngân sách, nên các chính sách kinh tế của Chính quyền Tổng thống Trump chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Nếu Đảng cầm quyền không thể thực hiện đúng kế hoạch cắt giảm thuế hoặc mở rộng đầu tư cơ sở hạ tầng thông qua các chính sách tài khóa mở rộng, Mỹ có thể mất đi đà tăng trưởng kinh tế hiện nay. Trong khi đó, các chính sách đối ngoại của Washington sẽ không thay đổi, khi nội dung này không nằm trong thẩm quyền phê chuẩn của Quốc hội. Cụ thể, Mỹ có thể sẽ tiếp tục theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch thương mại. Do đó, theo một số chuyên gia, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ còn tiếp diễn. Trong hoàn cảnh như vậy, Hàn Quốc chắc chắn sẽ khó tránh khỏi thiệt hại từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Giáo sư Kim Gwang-seok phân tích.  


Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung kéo dài sẽ là vấn đề lớn đối với nền kinh tế Hàn Quốc, hiện đang phụ thuộc đáng kể vào hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thêm vào đó, nếu nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại do chính quyền Tổng thống Trump sẽ không thể áp đặt các chính sách tài khóa mở rộng và hỗ trợ kinh tế, xuất khẩu của Hàn Quốc sang Mỹ rất có thể sẽ gặp khó khăn hơn. Như tôi đã đề cập, sự bất định về chính sách kinh tế tại Mỹ sẽ làm gia tăng rủi ro trên thị trường tài chính toàn cầu, và điều này chắc chắn là tín hiệu không tốt đối với Hàn Quốc. 


Hiệu ứng tích cực từ kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ


Xuất khẩu của Hàn Quốc trong năm 2017 đã đạt 573,7 tỷ USD, trong đó, hàng xuất sang Trung Quốc lên tới 142,1 tỷ USD, chiếm 24,8% kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc. Do phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc, tình hình xuất khẩu của Hàn Quốc chắc chắn sẽ bị xấu đi khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung leo thang. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã cảnh báo nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm 1%, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc cũng sẽ giảm 0,5%. Tuy nhiên, việc Mỹ áp đặt hàng rào thuế quan với các sản phẩm của Trung Quốc cũng có thể mang lại lợi ích tích cực đối với xuất khẩu của Hàn Quốc, khi doanh số bán hàng của Hàn Quốc trên thị trường Mỹ có thể tăng lên do thị phần hàng hóa Trung Quốc sẽ giảm. Ông Kim Gwang-seok phân tích cụ thể hơn.


Sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể giảm tốc độ điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản. Trên thực tế, nếu FED tăng lãi suất cơ bản nhanh như trước đây, dòng vốn đầu tư nước ngoài có nguy cơ tháo chạy khỏi thị trường Hàn Quốc. Tuy nhiên, với kết quả bầu cử vừa qua, nguy cơ này là không cao, và bất ổn tại các nền kinh tế mới nổi cũng không quá nghiêm trọng như dự báo.     


Đối sách của Chính phủ cho tình hình hiện nay


Theo truyền thống, mỗi khi thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, thị trường chứng khoán Hàn Quốc cũng ảnh hưởng tích cực. Cụ thể, vào ngày 8/11, chỉ số thị trường chứng khoán Hàn Quốc (KOSPI) đã đạt đỉnh điểm ở mức 2.120 điểm, trước khi đóng cửa phiên giao dịch cùng ngày ở mức 2.092,63 điểm, tăng 0,67% so với một ngày trước đó. Rõ ràng, đây là kết quả tích cực do hiệu ứng của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ, khi mà các yếu tố bất ổn suy giảm và các mã cổ phiếu lớn trên thị trường chứng khoán New York (Mỹ) đã tăng 2%. Trên thực tế, sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ, tâm lý của các nhà đầu tư đã được ổn định trở lại, với xu hướng đồng đô la yếu trở lại và lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ ổn định. Nếu tốc độ tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ chậm lại, áp lực tăng lãi suất cơ bản lên Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) cũng sẽ giảm xuống và thị trường chứng khoán Hàn Quốc có thể tăng điểm trước khi kết thúc năm nay. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong những khả năng. Seoul cần theo dõi chặt chẽ các chính sách tiếp theo của Washington sau cuộc bầu cử. Giáo sư Kim Gwang-seok nhận định. 


Seoul cần theo dõi sát các bước đi của Washington đối với chính sách tài khóa mở rộng, đầu tư cơ sở hạ tầng, cũng như diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và vấn đề đàm phán với Bắc Triều Tiên. Nói cách khác, Hàn Quốc cần theo dõi sát sao mối quan hệ giữa Hạ viện Mỹ và Chính quyền Tổng thống Trump, cùng những biến động trong quá trình thay đổi cấu trúc quyền lực tại Mỹ. Ngoài ra, nếu xây dựng được các kế hoạch chủ động, với chiến lược rõ ràng, các doanh nghiệp Hàn Quốc có thể biến cuộc khủng hoảng thành cơ hội.

Lựa chọn của ban biên tập