Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Bức tranh kinh tế Hàn Quốc năm 2018 và triển vọng năm 2019

#Tiêu điểm kinh tế l 2018-12-24

© YONHAP News

Một năm “báo động đỏ” với nền kinh tế


Sau cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 5 năm ngoái, kinh tế Hàn Quốc đã có nhiều khởi sắc và kết thúc năm 2017 với tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 3,1%. Tuy nhiên, bước sang năm 2018, kinh tế Hàn Quốc phải đối mặt với nhiều thách thức, ở cả trong và ngoài nước, như chế độ giờ làm việc tối đa 52 giờ/tuần hay cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung leo thang. Trong buổi phát sóng hôm nay, chúng ta sẽ cùng điểm lại bức tranh toàn cảnh nền kinh tế Hàn Quốc trong một năm qua, đồng thời đánh giá triển vọng kinh tế trong năm tới. Trước hết, Giáo sư Sung Tae-yun, từ Khoa kinh tế trường Đại học Yonsei, phân tích những vấn đề kinh tế nổi bật trong năm 2018.


Nhìn tổng thể, nền kinh tế Hàn Quốc năm nay đã tăng trưởng chậm lại. Trong nước, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp suy yếu, chi phí nhân công tăng. Bên ngoài, tình hình kinh tế thế giới cũng có nhiều biến động, như căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang, đã khiến tình hình trở nên ảm đạm hơn. Mặc dù Chính phủ đã nỗ lực đưa ra các chính sách tài khóa chủ động, nhưng thực trạng đầu tư ở các doanh nghiệp vẫn trì trệ, trong khi xuất khẩu lại phụ thuộc quá lớn vào một số ngành mũi nhọn như chíp bán dẫn. Đặc biệt, nhiều người lo ngại sự bùng nổ của ngành công nghiệp bán dẫn đang đi đến hồi kết. Trong khi các ngành công nghiệp chủ lực đang mất dần khả năng cạnh tranh, Seoul vẫn chưa tìm ra ngành công nghiệp triển vọng thay thế. Có thể nói, nền kinh tế Hàn Quốc đang ở trong giai đoạn khó khăn, được phản ánh bởi các chỉ số kinh tế đang ngày càng xấu đi. 


Thực trạng kinh tế không mấy sáng sủa


Các tổ chức đánh giá kinh tế lớn ở cả trong và ngoài nước đều đã hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc trong năm 2018. Cụ thể, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo mức tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc năm nay là 2,8%, thấp hơn 0,1% so với dự báo của Chính phủ. Chưa hết, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) và Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) thậm chí dự báo tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc chỉ là 2,7%. Những động thái này đã phản ánh rõ rệt những yếu tố rủi ro trong và ngoài nước. Ông Kim Gwang-seok, Giáo sư chuyên ngành Quốc tế học hệ sau đại học, trường Đại học Hanyang phân tích. 


Các tổ chức kinh tế lớn như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã bày tỏ lo lắng về tình hình việc làm ảm đạm tại Hàn Quốc. Theo đó, nếu tình trạng này tiếp tục xấu đi, thu nhập và tiêu dùng sẽ giảm, kéo theo đó là đầu tư của các doanh nghiệp cũng giảm. Trên thực tế, tâm lý đầu tư giảm là một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất của nền kinh tế Hàn Quốc kể từ năm ngoái. Đầu tư doanh nghiệp đóng vai trò cực kỳ quan trọng, được xem là động lực của nền kinh tế, mà nếu mất đi, nền kinh tế sẽ đối mặt với nguy cơ suy thoái.


Thách thức từ chế độ tuần làm việc tối đa 52 giờ và tăng lương tối thiểu


Giáo sư Kim Gwang-seok nhận định, cú sốc việc làm nghiêm trọng là một trong những chỉ số đáng chú ý nhất phản ánh tình trạng trì trệ của nền kinh tế. Theo báo cáo kinh tế của Chính phủ công bố ngày 17/12, năm 2018 chỉ tăng khoảng 100.000 việc làm, mức thấp nhất trong vòng 9 năm, kể từ 2009, tức là sau cuộc khủng khoảng tài chính thế giới. Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn khi Chính phủ ban hành chính sách chế độ giờ làm việc tối đa 52 giờ/tuần và quyết định tăng lương tối thiểu. Giáo sư Sung Tae-yun đánh giá.


Sau khi đã tăng 16,4% trong năm nay, mức lương tối thiểu sẽ tiếp tục tăng 10,9% trong năm 2019, tức là sẽ tăng gần 30% chỉ trong vòng hai năm. Rõ ràng là điều này đã gây tổn thất nghiêm trọng cho một số ngành công nghiệp. Thêm vào đó, chế độ tuần làm việc đối đa 52 giờ cũng sẽ là gánh nặng lớn cho các doanh nghiệp, vì nếu vi phạm, các doanh nghiệp sẽ bị phạt rất nặng. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp có thể sẽ chọn việc tự động hóa cơ sở sản xuất thay vì bỏ chi phí tuyển dụng thêm nhân công. Điều này chắc chắn sẽ khiến tình trạng việc làm trở nên tồi tệ hơn. Có thể nói, cùng với những chỉ số kinh tế không mấy khả quan khác, tình trạng việc làm của năm nay là tồi tệ nhất trong lịch sử.


Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung


Theo quy định mới, các doanh nghiệp có từ 300 nhân viên trở lên sẽ phải giảm số giờ làm tối đa xuống còn 52 giờ/tuần kể từ tháng 7 năm nay. Với mục tiêu cải thiện đời sống người lao động, cân bằng giữa công việc và cuộc sống, quy định mới này được coi là tiến bộ lớn trong xã hội Hàn Quốc, nơi vốn coi việc làm thêm giờ là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, quy định này cũng tạo ra cả hiệu ứng tích cực và tiêu cực. Về mặt tích cực, người lao động có thể rời văn phòng sớm hơn và không phải làm thêm giờ. Thế nhưng đối với chủ sử dụng lao động, thời gian làm việc ngắn hơn trong thời kỳ kinh tế khó khăn chỉ gây ra thêm gánh nặng. Cùng với đó, việc mức lương tối thiểu tăng mạnh tới 16,4% đã buộc các doanh nghiệp nhỏ và các hộ kinh doanh phải sa thải nhân công hay thậm chí phải đóng cửa. Bên ngoài, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung nổ ra đã như đổ thêm dầu vào lửa. Ông Sung Tae-yun phân tích.


Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chắc chắn là một tin xấu đối với nền kinh tế, trong bối cảnh Trung Quốc đang chiếm tới 27% kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc. Đặc biệt, với việc Trung Quốc là thị trường xuất khẩu hàng hóa trung gian số một của Hàn Quốc, nếu xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ bị đình trệ, các lô hàng xuất khẩu của Hàn Quốc cũng sẽ chịu tổn thất nặng nề. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh vẫn chưa có dấu hiệu sớm chấm dứt, nên rủi ro trên thực tế vẫn đang rình rập nền kinh tế Hàn Quốc. 


Một năm bùng nổ của ngành công nghiệp chíp bán dẫn


Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bắt đầu nổ ra vào tháng 3, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký quyết định đánh thuế 25% đối với 50 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc. Để đáp trả, Bắc Kinh đã ngay lập tức đánh thuế với ba tỷ USD hàng hóa của Mỹ. Hai bên đã tổ chức ba vòng đàm phán thương mại vào tháng 5 và tháng 6, nhưng không đạt được bất cứ thỏa hiệp nào. Đến tháng 7, Mỹ và Trung Quốc tiếp tục thực hiện thêm các đòn “ăn miếng trả miếng”. Các động thái này đã ngay lập tức ảnh hưởng tới Hàn Quốc, nước xuất khẩu thứ 7 trên thế giới, đặc biệt là trong các lĩnh vực như bán dẫn, ô tô và màn hình hiển thị. Tuy gặp nhiều khó khăn, xuất khẩu của Hàn Quốc vẫn tăng trưởng mạnh mẽ. Theo Ngân hàng trung ương Hàn Quốc, xuất khẩu của Hàn Quốc trong tháng 10 đã đạt thặng dư kỷ lục là 9,19 tỷ USD, tức là tháng thứ 80 liên tiếp kể từ tháng 3 năm 2012, khi Hàn Quốc đạt thặng dư xuất khẩu. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu tháng 10 đã đạt con số kỷ lục là 57,24 tỷ USD, trong đó ngành công nghiệp chíp bán dẫn vẫn đóng vai trò đầu tàu. Giáo sư Kim Gwang-seok phân tích.


Đây rõ ràng là một tin tốt lành khi xuất khẩu chíp bán dẫn chiếm tới 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc. Nhiều người đã ví von rằng ngành công nghiệp bán dẫn chính là sức mạnh của kinh tế Hàn Quốc. Lợi nhuận quý III của Công ty Điện tử Samsung là hơn 15 tỷ USD. Trong cùng thời gian, nhà sản xuất chíp số hai Hàn Quốc là SK Hynix, đã đạt được mức tăng trưởng kỷ lục theo quý về lợi nhuận. Mặc dù một số ngân hàng đầu tư toàn cầu dự đoán giai đoạn bùng nổ trong ngành công nghiệp bán dẫn đã gần đi đến hồi kết, nhưng riêng ngành công nghiệp chíp nhớ vẫn sẽ tăng trưởng, khiến các doanh nghiệp Hàn Quốc bớt lo lắng phần nào.


Thương mại hóa dịch vụ di động 5G đầu tiên trên thế giới


Với sự khởi sắc của ngành công nghiệp bán dẫn, Hàn Quốc đã năm thứ hai liên tiếp có quy mô giao dịch thương mại vượt qua con số 1.000 tỷ USD. Đặc biệt, xuất khẩu của 2018 đã đạt 600 tỷ USD, gấp ba lần so với con số 200 tỷ USD mà Hàn Quốc đạt được 14 năm trước. Một tín hiệu đáng mừng khác cho nền kinh tế Hàn Quốc, đó là rạng sáng ngày 1/12, ba nhà mạng di động lớn nhất Hàn Quốc đã chính thức thử nghiệm dịch vụ di động thế hệ thứ năm (5G), báo hiệu một kỷ nguyên mới của mạng di động tốc độ cao. Giáo sư Kim Gwang-seok giải thích. 


Sự chuyển đổi từ mạng di động thế hệ thứ tư (4G) sang mạng thế hệ thứ năm (5G) báo hiệu một kỷ nguyên hoàn toàn mới. Mạng 5G dự kiến sẽ mang tới tốc độ đường truyền nhanh hơn từ 20 đến 70 lần so với công nghệ 4G hiện nay. Các nội dung thực tế ảo (VR) hay tăng cường thực tế ảo (AR) sẽ dễ dàng đến với người tiêu dùng. Với công nghệ 5G, xe tự lái có thể lăn bánh trên đường và máy bay mini 4 cánh không người lái (drone) có thể bay lượn trên bầu trời. Không khó để hình dung ra các dịch vụ, ngành công nghiệp dựa trên mạng 5G sẽ ra đời, tương tự các lĩnh vực ra đời sau khi mạng internet xuất hiện.


Rủi ro địa chính trị suy giảm, cơ hội tạo ra “cao cấp Hàn Quốc”


Với việc ra mắt thành công mạng 5G thương mại đầu tiên trên thế giới, Hàn Quốc đã sẵn sàng cho vai trò đầu tàu trong ngành công nghiệp này. Kỳ vọng càng dâng cao khi Chính phủ đang nỗ lực đàm phán với miền Bắc để thiết lập một bầu không khí hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc. Ông Kim Gwang-seok nhận định.


Bất chấp những rủi ro địa chính trị trên bán đảo Hàn Quốc, Hàn Quốc vẫn có xếp hạng tín nhiệm cao, xếp thứ 6, 7 hoặc 8 trên thế giới. Thế nên, nếu rủi ro địa chính trị liên quan đến Bắc Triều Tiên được loại bỏ, xếp hạng tín nhiệm của Hàn Quốc sẽ tăng lên vị trí thứ tư, thứ ba hay thậm chí thứ hai. Khi đó, Seoul có thể thu hút được thêm nhiều vốn đầu tư nước ngoài. Với hy vọng dâng cao, khu công nghiệp liên Triều Gaesung có thể sẽ hoạt động trở lại và một khu công nghiệp tương tự thứ hai, thứ ba cũng có thể được xây dựng. Các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng có thể tham gia vào các dự án xây dựng mạng lưới viễn thông, cơ sở hạ tầng của miền Bắc, trong khi các tour du lịch thăm miền Bắc cũng có thể được mở. Nói tóm lại, mối quan hệ liên Triều được cải thiện chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới. 


Thách thức trong năm 2019


Các Hội nghị thượng đỉnh liên Triều và Mỹ-Triều năm 2018 đã tạo ra bầu không khí đối thoại. Trên thực tế, Hàn Quốc đã bị sa lầy vào cái bẫy tăng trưởng thấp và thị trường tiêu dùng trong nước bị bão hòa. Tuy nhiên, nếu hai miền Nam-Bắc bắt tay hợp tác, Seoul có thể tìm ra những động cơ tăng trưởng mới. Tất nhiên, điều tiên quyết là Bình Nhưỡng phải nghiêm chỉnh thực hiện cam kết phi hạt nhân hóa, để cộng đồng quốc tế có thể gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt. Vấn đề cấp bách đối với nền kinh tế Hàn Quốc là vượt qua một số rủi ro trước mắt. Giáo sư Kim Gwang-seok giải thích thêm.


Tôi cho rằng các yếu tố tiêu cực là nhiều hơn so với tích cực. Bên ngoài, các rủi ro có thể kể đến như tình trạng bất ổn gia tăng ở các nền kinh tế mới nổi; vấn đề khủng hoảng nợ của các nước với chủ nợ là Trung Quốc, còn gọi là rủi ro “tê giác xám”; Liên minh châu Âu suy yếu sau khi Anh chính thức rút khỏi khối này (Brexit) vào tháng 3 năm tới; cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung; hay Mỹ liên tục tăng lãi suất cơ bản. Trong nước, Hàn Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng như tình trạng tuyển dụng trì trệ, tỷ lệ sinh thấp và dân số già hóa nhanh chóng. Nói tóm lại, nền kinh tế Hàn Quốc chắc chắn sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong năm 2019. 


Cơ hội cho tái cấu trúc, đổi mới toàn diện ngành công nghiệp, nâng cao khả năng cạnh tranh


Trước viễn cảnh ảm đạm của nền kinh tế, Chính phủ dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế của năm 2019 là 2,8%, trong khi các tổ chức tài chính lớn trong và ngoài nước thậm chí chỉ đưa ra con số 2,6%. Mặc dù 2019 dự kiến sẽ là một năm khó khăn đối với nền kinh tế Hàn Quốc, nhưng Giáo sư Sung Tae-yun cho rằng đây cũng là cơ hội để Hàn Quốc cải cách, tái cơ cấu toàn diện nền kinh tế. 


Sự thật là các đối sách quá vội vàng của Chính phủ đã giáng đòn mạnh vào nền kinh tế Hàn Quốc, vốn đang gặp khó khăn. Do đó, Chính phủ cần tìm ra các đối sách phù hợp hơn, tìm ra các ngành công nghiệp mới, giàu tiềm năng để đưa nền kinh tế đi lên. Nhìn từ quá khứ, Hàn Quốc đã trải qua rất nhiều thăng trầm, đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng, suy thoái kinh tế và đã xuất sắc vượt qua khó khăn thông qua việc tái cơ cấu các ngành công nghiệp, nuôi dưỡng các động lực tăng trưởng mới. Vì vậy, Chính phủ cần đưa ra các chính sách khả thi hơn và các doanh nghiệp cũng cần song hành, chủ động đổi mới. Đặc biệt, khi xây dựng các chính sách mới, Chính phủ cần xem xét đầy đủ các điều kiện thực tiễn khách quan. Về phần mình, các doanh nghiệp, cá nhân cũng cần hạn chế rủi ro, tiếp tục tái cơ cấu, phát triển các mặt hàng mới, sáng tạo. 


Từ khóa mô tả nền kinh tế Hàn Quốc trong năm 2019 là “vượt rào” (crossroad). Nếu Chính phủ đưa ra được định hướng phù hợp, nền kinh tế sẽ tiến về phía trước. Theo chiều hướng ngược lại, nền kinh tế có nguy cơ rơi vào vòng xoáy suy thoái. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu được dự báo bước vào thời kỳ suy thoái trong năm tới, hầu hết các ngành công nghiệp tại Hàn Quốc dự kiến sẽ phải đối mặt với sự sụt giảm trên toàn thế giới. Tuy nhiên, vẫn có nhiều tín hiệu lạc quan. Hàn Quốc đã bước vào kỷ nguyên 5G và các ngành công nghiệp mới có thể xuất hiện khi những rủi ro của tình trạng “giảm giá Hàn Quốc” suy biến. Các chính sách tài khóa mở rộng của Chính phủ dự kiến sẽ mang lại một số hiệu quả, trong khi làn sóng văn hóa Hàn Quốc Hallyu mở rộng, cũng như sự lan tỏa văn hóa, giải trí K-pop ở nước ngoài, sẽ đóng vai trò tích cực đối với nền kinh tế Hàn Quốc. Nếu tận dụng tốt các cơ hội này, Seoul có thể vượt qua những khó khăn trước mắt. Trên thực tế, nền kinh tế Hàn Quốc thường có bước tăng trưởng mạnh mẽ khi đối mặt với khó khăn. Chỉ cần Hàn Quốc dũng cảm đương đầu với thách thức, nỗ lực mở ra con đường mới với sức mạnh tinh thần to lớn, năm 2019 hoàn toàn có thể trở thành một bệ phóng để nền kinh tế Hàn Quốc cất cánh.

Lựa chọn của ban biên tập