Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Hiệu ứng kinh tế của Lễ hội du lịch, mua sắm Korea Sale FESTA 2018

#Tiêu điểm kinh tế l 2018-10-08

ⓒ YONHAP News

Một số biện pháp kích cầu của Korea Sale FESTA 2018


Korea Sale FESTA 2018, lễ hội du lịch, mua sắm quy mô lớn nhất tại Hàn Quốc, đã diễn ra trong 10 ngày từ ngày 28/9 đến ngày 7/10. Lễ hội này xuất phát từ ý tưởng tổ chức “Ngày thứ Sáu đen tối” (Black Friday) của Mỹ hay “Ngày lễ Độc thân” Guanggun Jie ở Trung Quốc phiên bản Hàn Quốc. Thông qua Korea Sale FESTA, Chính phủ muốn quảng bá hình ảnh du lịch Hàn Quốc, đồng thời kích thích thị trường tiêu dùng nội địa. Sự kiện mua sắm, du lịch này diễn ra lần đầu vào năm 2016 và kéo dài tới 33 ngày với sự tham gia của 210 doanh nghiệp bán lẻ. Theo Viện nghiên cứu kinh tế công nghiệp và thương mại Hàn Quốc (KIET), Korea Sale FESTA 2016 đã giúp chỉ số tiêu dùng tăng 0,27 điểm và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng thêm 0,13%. Trong khi đó, khoảng 400 nhà bán lẻ đã quy tụ về Korea Sale FESTA 2017, nhưng doanh thu ghi nhận chỉ đạt mức tăng trưởng 5%. Lễ hội năm nay được tổ chức trong thời gian ngắn hơn, với các đặc trưng là “sự chọn lọc” và “tập trung”. Trong mục Tiêu điểm kinh tế tuần này, Giáo sư Seo Yong-gu từ khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh, trường Đại học Sookmyung, sẽ phân tích về hiệu ứng kinh tế của Lễ hội mua sắm này. Trước hết, ông Seo Yong-gu đánh giá về Lễ hội Korea Sale FESTA 2018.


Korea Sale FESTA 2018 đánh dấu cột mốc ba năm tuổi. Tuy được rút ngắn xuống còn 10 ngày, nhưng sự kiện năm nay đã quy tụ được những doanh nghiệp hàng đầu như Công ty điện tử Samsung và Công ty điện tử LG, với các chương trình giảm giá từ 25% đến 50%. Tại các trung tâm mua sắm của công ty Hyundai, các thương hiệu quốc tế như Adidas và Nike, thậm chí đã giảm giá tới 80%. Công ty ô tô Hyundai đã giảm giá từ 7% đến 20% đối với nhiều dòng sản phẩm của mình. Ngoài ra, sự kiện năm nay có quy mô lớn hơn, với sự tham gia của 440 doanh nghiệp, tổ chức các chương trình dành cho công ty vừa và nhỏ, các thị trường đầu mối truyền thống. 


Kết quả ấn tượng từ ngày Độc thân, ngày mua sắm của Trung Quốc


Ngoài giải thích của Giáo sư Seo Yong-gu, Lễ hội FESTA 2018 đặc biệt đã lựa chọn 20 doanh nghiệp đưa ra mức giá hấp dẫn với các mặt hàng được yêu thích. Kết quả là doanh số bán hàng trong hai ngày đầu tiên trong FESTA năm nay đã tăng 12% so với của năm ngoái. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng Korea Sale FESTA chưa tạo dựng được một nền tảng vững chắc. Đặc biệt, khoảng cách giữa Korea Sale FESTA và lễ mua sắm Ngày độc thân Guanggun Jie ở Trung Quốc vẫn là quá lớn. Giáo sư Seo Yong-gu cho biết.  


Sự kiện Guanggun Jie của Trung Quốc tổ chức vào ngày 11/11, còn gọi là “Ngày độc thân”. Năm 2009, gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc đã quảng bá ngày này như một sự kiện mua sắm đặc biệt, khuyến khích những người độc thân ăn mừng cuộc sống tự do của họ thông qua việc mua sắm. Vào năm 2017, khoảng 400 triệu người đã tham gia mua sắm trực tuyến chỉ trong ngày 11/11, với doanh thu lên tới 28.000 tỷ won (24,8 tỷ USD), tức là lớn hơn doanh thu tổng cộng của sự kiện Korea Sale FESTA tại Hàn Quốc và Black Friday của Mỹ. Chiến lược tiếp thị kịp thời và hiệu ứng từ sự tăng trưởng của Tập đoàn Alibaba, cộng với quy mô khổng lồ của thị trường Trung Quốc, đã góp phần tạo nên những con số đáng kinh ngạc này.


Nguyên nhân đằng sau hiệu quả hạn chế của Korea Sale FESTA?


Doanh thu của sự kiện Guanggun Jie lần đầu tiên đã đạt 7 triệu USD, một con số kỷ lục đối với sự kiện được coi là Black Friday của Trung Quốc này. Năm ngoái, sự kiện này đã đạt doanh thu lên tới khoảng 24,8 tỷ USD, tăng 40% so với năm trước đó. Trong khi đó, ngày lễ Black Friday của Mỹ cũng đạt doanh thu khổng lồ, với doanh số bán hàng tại các trang web mua sắm trực tuyến như Amazone trong cùng năm đã đạt 14 tỷ USD. Trong bối cảnh đó, tổng doanh thu của 100 nhà phân phối tại sự kiện FESTA 2017 diễn ra trong 33 ngày từ ngày 28/9 đến ngày 31/10, chỉ đạt gần 11.000 tỷ won (9,7 tỷ USD). Vậy đâu là nguyên nhân đằng sau sự khác biệt quá lớn về doanh số giữa sự kiện FESTA của Hàn Quốc so với sự kiện “Ngày thứ Sáu đen tối” của Mỹ và “Ngày độc thân” của Trung Quốc? Ông Seo Yong-gu phân tích cụ thể hơn.


Là một sự kiện do Chính phủ khởi xướngKorea Sale FESTA không được các doanh nghiệp thực sự chủ động khi tham gia. Ngoài ra, hàng hóa tại các siêu thị và trung tâm mua sắm tại Hàn Quốc vốn đã được bán với mức giá ưu đãi. Do đó, chỉ một số doanh nghiệp bán lẻ mới có thể giảm giá tới hơn 50% tại sự kiện mua sắm này. Trong khi đó, các cửa hàng bách hóa có tính chất cho thuê mặt bằng, không có sản phẩm riêng của mình hay tồn kho, hoặc có bán thì cũng không thể giảm giá tới 50%. Bên cạnh đó, các cửa hàng bách hóa tại Hàn Quốc cũng tổ chức các sự kiện bán hàng riêng của họ theo mùa, 4 lần trong năm. Nói tóm lại, nguyên nhân đầu tiên khiến Korea Sale FESTA không tạo ra tăng trưởng đáng kể là bởi không tìm được các doanh nghiệp bán lẻ trong nước đủ khả năng cung cấp các chương trình giảm giá quy mô lớn, và nguyên nhân tiếp theo là sự tham gia thiếu tích cực của các doanh nghiệp chế tạo.


Một số giải pháp để nâng tầm Korea Sale FESTA


Bên cạnh đó, thời gian tổ chức sự kiện cũng được cho là có vấn đề. Cụ thể, trong khi các sự kiện mua sắm ở các nước đều diễn ra vào dịp cuối năm, thì lễ hội Korea Sale FESTA của Hàn Quốc lại được tổ chức vào cuối tháng 9, đầu tháng 10, thời điểm quá gần hoặc thậm chí trùng với dịp nghỉ lễ Tết trung thu Chuseok truyền thống tại Hàn Quốc, khiến người tiêu dùng cảm thấy quá nhiều gánh nặng tài chính và dè dặt hơn trong việc mua sắm. Do đó, sự kiện này không thực sự đạt được hiệu quả như mong muốn. Giáo sư Seo Yong-gu đề xuất một số đối sách bổ sung. 


Tính liên tục đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên nền tảng vững chắc của một thương hiệu. Đó là lý do tại sao sự kiện này đã được đổi tên thành Korea Sale FESTA, thay vì ăn theo tên gọi Black Friday Hàn Quốc. Tuy nhiên, thời điểm tổ chức sự kiện được cho là có vấn đề. Nhiều ý kiến cho rằng, tổ chức vào tháng Giêng hay tháng 2, thời điểm nghỉ Tết nguyên đán, có lẽ là hợp lý hơn. Với quan điểm đó, nếu các doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò đầu tàu, người tiêu dùng trong nước có thể trông đợi nhiều hơn vào một sự kiện được tổ chức với quy mô như ngày Black Friday của Mỹ trong 10 năm tới.

Lựa chọn của ban biên tập