Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Tranh luận xung quanh phương án mở rộng “chế độ giờ làm việc linh hoạt” của Chính phủ

#Tiêu điểm kinh tế l 2018-12-03

© YONHAP News

Phương án mở rộng chế độ giờ làm việc linh hoạt?

Kế hoạch mở rộng chế độ thời gian làm việc linh hoạt của Chính phủ đang trở thành chủ đề nóng bỏng trong xã hội Hàn Quốc. Chính phủ đã đề xuất mở rộng phương án “thời gian làm việc linh hoạt” nhằm giảm thiểu tác dụng phụ của chế độ làm việc tối đa 52 giờ/tuần bắt đầu có hiệu lực từ tháng 7 vừa qua. Trong khi đó, Liên đoàn lao động lại kịch liệt phản đối phương án sửa đổi của Chính phủ, đẩy cuộc tranh luận về vấn đề này leo thang. Trong mục Tiêu điểm kinh tế tuần này, ông Choi Bae-geun, Giáo sư khoa Kinh tế thuộc trường Đại học Konkuk, sẽ phân tích về những tranh luận xung quanh kế hoạch mở rộng hệ thống thời gian làm việc linh hoạt.


Chế độ thời gian làm việc linh hoạt nghĩa là cả người sử dụng lao động lẫn người lao động có thể tăng hoặc giảm số giờ làm việc của người lao động, sao cho vẫn đảm bảo số giờ làm việc nằm trong quy định của pháp luật. Với cơ chế này, công ty có thể tăng giờ làm việc trong mùa cao điểm và giảm số giờ làm khi nhàn rỗi, miễn là trung bình nhân viên không phải làm việc quá 52 giờ/tuần. Theo quy định hiện hành, thời gian tối đa cho chế độ thời gian làm việc linh hoạt là ba tháng. Tuy nhiên, trước khiếu nại từ chủ các doanh nghiệp, Chính phủ có kế hoạch mở rộng mức trần này lên thành 6 tháng hoặc 1 năm.


Bối cảnh các doanh nghiệp yêu cầu mở rộng chế độ giờ làm việc linh hoạt

Theo Luật tiêu chuẩn lao động sửa đổi, kể từ ngày 1/7, các cơ quan hành chính công và các doanh nghiệp có từ 300 nhân viên trở lên sẽ phải áp dụng hệ thống giờ làm việc mới, quy định số giờ làm việc tối đa giảm từ 68 giờ/tuần xuống 52 giờ/tuần. Tuy nhiên, chính sách này đã vấp phải nhiều chỉ trích cho rằng, nó chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế đối với một số công việc nhất định, đòi hỏi tiến độ làm việc liên tục. Từ đó, chế độ thời gian làm việc linh hoạt đã ra đời. Tuy nhiên, điểm tranh luận mấu chốt hiện nay chính là nhiều doanh nghiệp cho rằng khoảng thời gian ba tháng là quá ngắn và yêu cầu Chính phủ mở rộng mức trần này. Ông Choi Bae-geun giải thích.


Nhiều doanh nghiệp hiện nay đang kiếm lời chủ yếu dựa vào nguồn nhân công giá rẻ, làm việc nhiều giờ. Do đó, họ sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh này nếu áp dụng hệ thống giờ làm việc tối đa ngắn hơn, hoặc mức trần của chế độ thời gian làm việc linh hoạt chỉ là ba tháng. Đặc biệt, nếu thực hiện theo các quy định hiện hành một cách nghiêm ngặt, nhiều doanh nghiệp có thể sẽ phải đóng cửa. Đây là một trong những khó khăn mà giới doanh nghiệp đã chỉ rõ. Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng yêu cầu cho phép nhân viên tăng thời gian làm việc ở mùa cao điểm và nghỉ bù vào thời gian rảnh rỗi khác. Về cơ bản, theo các doanh nghiệp, việc thực thi chế độ thời gian làm việc linh hoạt cần phải căn cứ vào đặc thù của từng ngành nghề.


Nguyên nhân cộng đồng lao động kịch liệt phản đối phương án của Chính phủ?

Trong bối cảnh hệ thống giờ làm việc tối đa 52 giờ/tuần còn nhiều bất cập, chưa xem xét tới đặc thù của từng ngành nghề, và những thay đổi cơ cấu trên thị trường việc làm, các doanh nghiệp đang kêu gọi mở rộng khung thời gian áp dụng chế độ thời gian làm việc linh hoạt. Trên thực tế, các chỉ số kinh tế quan trọng đang có dấu hiệu xấu đi và tình hình việc làm thậm chí còn tồi tệ hơn. Trước kiến nghị của các doanh nghiệp, hôm 5/11, Chính phủ đã nhất trí phương án mở rộng mức trần của chế độ thời gian làm việc linh hoạt lên thành một năm. Tuy nhiên, phương án này đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng người lao động. Giáo sư Choi Bae-geun lý giải.


Theo Luật hiện hành, thời gian áp dụng chế độ thời gian làm việc linh hoạt dài nhất là ba tháng, và số giờ lao động vượt khung trong khoảng thời gian này sẽ được hưởng theo chế độ làm thêm giờ. Tuy nhiên, nếu kéo dài mức trần từ ba tháng lên thành một năm, các chủ sử dụng lao động sẽ không phải trả tiền làm thêm giờ, khi yêu cầu nhân viên làm việc vượt khung quy định trong thời gian 4 hoặc 5 tháng, miễn là đảm bảo số giờ làm việc trung bình trong cả năm vẫn là 52 giờ/tuần. Điều này đồng nghĩa với việc người lao động sẽ không được nhận thêm tiền công dù phải làm việc liên tục nhiều giờ trong thời gian dài.


Những mô hình tương tự đáng chú ý ở nước ngoài

Theo Liên đoàn lao động Hàn Quốc, chế độ thời gian làm việc linh hoạt mở rộng có thể khiến thu nhập của người lao động giảm 7% và người lao động đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng sức khỏe khi khối lượng công việc lớn hơn. Trên thực tế, quy định số giờ làm việc tối đa 52 giờ/tuần là nhằm mục đích ngăn chặn tình trạng làm việc quá sức và tai nạn lao động, đồng thời khuyến khích mọi người dành nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi và cho gia đình. Do đó, việc mở rộng mức trần của chế độ thời gian làm việc linh hoạt sẽ đi ngược lại mục đích này. Khi tranh luận xung quanh vấn đề này vẫn chưa đến hồi kết, dư luận đang hướng đến các mô hình tương tự tại các nước khác. Ông Choi Bae-geun phân tích.


Hệ thống giờ làm việc tại Đức rất đáng để xem xét. Người lao động ở Đức có tài khoản thời gian làm việc giống như tài khoản ngân hàng. Khi họ làm thêm giờ, thời gian làm việc được lưu trên tài khoản của họ. Thời gian tiết kiệm được quy đổi thành ngày nghỉ hoặc tiền lương. Tôi nghĩ Chính phủ không cần áp dụng một cách cứng nhắc chế độ thời gian làm việc linh hoạt đối với các doanh nghiệp, mà người lao động và giới chủ có thể tự thỏa thuận về chế độ làm việc linh hoạt và mức đãi ngộ phù hợp với việc làm thêm giờ.


Điểm cốt lõi là tìm ra tiếng nói chung giữa người lao động chủ sử dụng lao động

Ngoài Đức, nước Anh cũng áp dụng chế độ làm việc linh hoạt 48 giờ/tuần, với khung thời gian tối đa là 17 tuần. Ngoài ra, nhân viên và giới chủ được phép tự thỏa thuận các điều khoản ngoại lệ. Tại Pháp, chế độ giờ làm việc linh hoạt có thể mở rộng tối đa đến một năm thông qua thỏa thuận tích lũy, song thời gian làm việc trung bình trong vòng 12 tuần vẫn phải đảm bảo quy định 46 giờ/tuần. Có thể nói, mặc dù cho phép mở rộng mức trần của chế độ giờ làm việc linh hoạt, nhưng các nước đều đặt ra giới hạn nhất định về giờ làm việc tối đa, và cho phép người lao động và chủ sử dụng lao động linh hoạt xử lý thông qua hợp đồng lao động. Hàn Quốc cũng cần học hỏi các mô hình tương tự để tìm ra phương án tối ưu. Giáo sư Choi Bae-geun nhận định.


Điều cốt lõi là đưa ra mức đãi ngộ phù hợp khi nhân viên làm thêm giờ. Trong nhiều trường hợp, người lao động thậm chí muốn làm thêm giờ. Họ cần được tạo điều kiện chọn số giờ làm việc theo hợp đồng lao động. Ngược lại, chủ sử dụng lao động cũng cần đưa ra mức đãi ngộ hợp lý thông qua số ngày nghỉ bù hay tiền công cho thời gian làm thêm giờ. Nói tóm lại, người lao động và chủ sử dụng lao động chắc chắn có thể đạt được thỏa hiệp về vấn đề này.


Ngày 22/11, Hàn Quốc đã ra mắt Ủy ban kinh tế, xã hội và lao động, một cơ quan đối thoại xã hội, nhằm thảo luận về các vấn đề nóng bỏng hiện nay như chế độ thời gian làm việc linh hoạt, hay các giải pháp cải cách tình trạng việc làm ở các ngành. Dư luận đang chờ đợi xem cơ quan này sẽ đưa ra giải pháp nào về chế độ thời gian làm việc linh hoạt.

Lựa chọn của ban biên tập