Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Mỹ và Trung Quốc tạm ngừng các biện pháp trả đũa thương mại trong vòng 90 ngày

#Tiêu điểm kinh tế l 2018-12-10

© YONHAP News

Mỹ-Trung tạm ngừng trả đũa thương mại trong vòng 90 ngày


Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí tạm ngừng các biện pháp trả đũa kinh tế lẫn nhau trong vòng 90 ngày. Động thái này được xem như là một chiếc phao cứu sinh cho nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, căng thẳng vẫn chưa thực sự chấm dứt và kết quả đàm phán sẽ được hé lộ trong vòng 3 tháng tới.Trong mục Tiêu điểm kinh tế tuần này, Tiến sĩ Shim Soon-hyung, từ Viện nghiên cứu kinh tế LG, sẽ phân tích về bối cảnh cũng như tác động của thỏa thuận vừa qua giữa Mỹ và Trung Quốc.


Trong cuộc họp bên lề Hội nghị thượng đỉnh 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) tại thủ đô Buenos Aires, Argentina vào ngày 1/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí tạm dừng các biện pháp áp thuế bổ sung trong vòng 90 ngày. Trước đó, Tổng thống Trump từng tuyên bố sẽ tăng thuế từ 10% lên thành 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc kể từ ngày 1/1/2019. Để đáp trả, Trung Quốc đã lên kế hoạch đánh thuế 110 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ. Tuy nhiên, sau cuộc gặp tại Argentina, Mỹ đã nhất trí sẽ tạm thời ngừng việc áp thuế với Trung Quốc, để đổi lại việc Bắc Kinh sẽ mở cửa nhiều hơn cho xe ô tô và nông sản từ Mỹ, mở ra một giai đoạn đình chiến tạm thời trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang leo thang.    


Giảm bớt rủi ro từ bên ngoài đối với nền kinh tế Hàn Quốc


Vào tháng 7 và tháng 8 năm nay, Mỹ đã áp thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 50 tỷ USD. Đến tháng 9, Washington tiếp tục áp mức thuế 10% đối với 200 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc. Để đáp trả, Bắc Kinh cũng đã nâng thuế từ 5% lên 25% đối với 110 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, bước vào một chiến thương mại toàn diện giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Chưa dừng lại ở đó, Mỹ đã lên kế hoạch tăng mức thuế từ 10% lên 25% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc từ tháng 1 năm tới. Trên thực tế, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý III chỉ đạt 6,5%, giảm tới 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, phản ánh ảnh hưởng rõ rệt của cuộc chiến thương mại với Mỹ. Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ cũng có dấu hiệu chững lại khi doanh thu trong ngành công nghiệp ô tô và nhà đất sụt giảm. May mắn thay, hai nước đã nhất trí tạm ngừng các biện pháp trả đũa kinh tế. Điều này chắc chắn có lợi cho Hàn Quốc. Tiến sĩ Shim Soon-hyung phân tích.


Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung là một trong những rủi ro kinh tế bên ngoài lớn đối với nền kinh tế Hàn Quốc, nên lệnh “đình chiến” tạm thời sẽ làm giảm nguy cơ này. Tôi cho rằng Hàn Quốc đã nỗ lực đa dạng hóa điểm đến xuất khẩu để có thể sống sót trước nguy cơ cuộc chiến thương mại vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Tuy nhiên, một số ý kiến vẫn tỏ ra bi quan, hoài nghi và viện dẫn rằng: lo ngại về căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đã khiến các chỉ số chứng khoán lớn trên sàn giao dịch New York (Mỹ) sụt giảm mạnh vào ngày 4/12. Rất khó dự đoán liệu cuộc chiến này đã kết thúc hay đây mới chỉ là giai đoạn hòa hoãn tạm thời. Bởi vậy, bất chấp kết quả đàm phán Mỹ-Trung, các doanh nghiệp Hàn Quốc vẫn cần phải theo dõi chặt chẽ tình hình và đưa ra các đối sách phù hợp để vượt qua giai đoạn khó khăn.


Trò chơi quyền lực 90 ngày giữa Washington và Bắc Kinh


Quyết định đình chiến có ý nghĩa lớn đối với xuất khẩu của Hàn Quốc, đặc biệt là với ngành công nghiệp bán dẫn, điện tử và ô tô. Trung Quốc hiện đang chiếm tới hơn 40% lượng chíp bán dẫn xuất khẩu của Hàn Quốc, trong khi các doanh nghiệp điện tử Hàn Quốc cũng dựa nhiều vào các lô hàng xuất sang Trung Quốc. Ngành công nghiệp ô tô Hàn Quốc cũng chịu thiệt hại khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại. Trước quyết định đình chiến của hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung, chỉ số chứng khoán Hàn Quốc KOSPI ngày 3/12 đã tăng 1,67% so với một ngày trước đó. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định: còn quá sớm để có thể lạc quan về kết quả đàm phán thương mại giữa Washington và Bắc Kinh. Ông Shim Soon-hyung lý giải.


Cả Washington và Bắc Kinh đều cắt cử những quan chức thương mại có ảnh hưởng nhất để tham gia các phiên đàm phán quan trọng. Với nội dung đề cập đến nhiều vấn đề nhạy cảm, kết quả đàm phán sẽ tạo ra hiệu ứng dây chuyền lớn. Do đó, đôi bên sẽ không khoan nhượng khi động chạm đến lợi ích quốc gia, bất chấp quá trình đàm phán có thể diễn biến khá ôn hòa theo một cách có tính toán. Hiện nay, Mỹ và Trung Quốc đang tiến hành các phiên đàm phán sơ bộ.


Nguy cơ xung đột nổ ra trước khi thời hạn đàm phán kết thúc


Trong vòng 90 ngày, Mỹ và Trung Quốc sẽ tập trung giải quyết các vấn đề như chuyển giao công nghệ bắt buộc, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, hàng rào phi thuế quan và an ninh mạng. Với việc chỉ định những nhà đàm phán theo đường lối cứng rắn, một cuộc đấu trí nảy lửa trên bàn đàm phán rất có thể sẽ nổ ra. Bởi thế, Washington và Bắc Kinh khó lòng đi đến một sự nhất trí chỉ trong vòng 90 ngày. Tiến sĩ Shim Soon-hyung phân tích.


Các cuộc đàm phán thương mại sẽ kết thúc vào ngày 1/3 năm tới, nhưng xung đột có thể nổ ra trước đó. Hầu hết các chuyên gia đều có chung nhận định là Trung Quốc sẽ không thay đổi chính sách hiện thời. Có thể Bắc Kinh khá thụ động trước các yêu cầu từ Washington liên quan đến việc cải cách chính sách của Trung Quốc, như ngầm hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa hay phân biệt đối xử với các công ty nước ngoài. Tuy nhiên, nhìn từ chiến lược “Made in China 2025” của Trung Quốc, Washington khó có thể trông đợi vào sự nhượng bộ của Bắc Kinh, đặc biệt là vấn đề liên quan đến việc thay đổi cấu trúc kinh tế của Trung Quốc.


Đối sách cần thiết của Hàn Quốc trong giai đoạn 90 ngày này là gì?


Không chỉ là vấn đề mất cân bằng thương mại, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung còn vì vị thế công nghệ của hai trước. Washington rất cảnh giác với chiến lược đầy tham vọng “Made in China 2025” của Bắc Kinh, hướng đến việc nội địa hóa các công nghệ gốc và công nghệ vật liệu cho tới năm 2025. Trên thực tế, Mỹ đã áp thuế 25% đối với một số lượng lớn các mặt hàng công nghệ cao của Trung Quốc trị giá lên tới 50 tỷ USD. Đặc biệt, ngày 1/12 vừa qua, bà Mạch Vãn Chu (Meng Wanzhou) Giám đốc tài chính của Tập đoàn viễn thông toàn cầu Trung Quốc Huawei, và cũng con gái của Chủ tịch tập đoàn Huawei, đã bị bắt giữ tại Canada theo yêu cầu từ Mỹ. Trong bối cảnh này, ông Shim Soon-hyung khuyến cáo.


Trung Quốc chắc chắn sẽ vẫn nỗ lực thúc đẩy thị trường nội địa. Hiện nay, Hàn Quốc xuất khẩu một lượng lớn hàng hóa trung gian sang Trung Quốc và chúng có thể trở thành đối tượng áp thuế của Mỹ. Do đó, đây là thời điểm Hàn Quốc cần tăng cường xuất khẩu sang Trung Quốc, đồng thời khám phá các thị trường nước này mạnh mẽ hơn nữa. Từ chỗ có được chỗ đứng, các doanh nghiệp này cần theo sát tình hình, cân nhắc phương án chuyển địa điểm sản xuất, hoặc tích cực khám phá thị trường Trung Quốc.


Kinh tế Hàn Quốc đã phải chịu một cú trời giáng từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, khi hai thị trường này chiếm tới hơn 40% kim ngạch xuất khẩu của Seoul. Hàn Quốc cần nỗ lực đa dạng hóa điểm đến xuất khẩu, cải cách kinh tế toàn diện, để củng cố nền tảng vững chắc, thoát khỏi tình cảnh quá quá phụ thuộc vào hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Lựa chọn của ban biên tập