Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Hàn Quốc mở rộng chế độ thời gian làm việc linh hoạt lên thành 6 tháng

#Tiêu điểm kinh tế l 2019-02-25

© YONHAP News

Chế độ giờ làm việc linh hoạt, giải pháp thay thế cho quy định tuần làm việc 52 giờ


Sau hai tháng tranh luận gay gắt, Ủy ban Kinh tế, xã hội và lao động trực tiếp dưới quyền Tổng thống đã đạt được thỏa thuận về vấn đề mở rộng chế độ thời gian làm việc linh hoạt, nhất trí kéo dài thời gian áp dụng từ 3 tháng hiện nay lên thành 6 tháng. “Chế độ thời gian làm việc linh hoạt” cho phép doanh nghiệp tăng thời gian làm việc của người lao động vào tuần nhiều việc, và giảm giờ làm khi nhàn rỗi, sao cho vẫn đảm bảo thời gian làm việc bình quân theo quy định của pháp luật. Trong mục Tiêu điểm kinh tế tuần này, nhà phân tích kinh tế Chung Chul-jin, làm rõ một số thay đổi sau khi chế độ thời gian làm việc linh hoạt được điều chỉnh. 


Chế độ tuần làm việc tối đa 52 giờ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 7 năm ngoái. Cụ thể, Chính phủ đã cắt giảm số giờ làm việc trong tuần xuống còn 40 giờ làm việc chính thức, và tối đa 12 giờ làm thêm. Quy định đã được áp dụng với các doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước có quy mô từ 300 nhân viên trở lên từ đầu tháng 7 năm 2018, và có hiệu lực với các doanh nghiệp vừa và nhỏ kể từ 2019 sau thời gian ân hạn. Tuy nhiên, xã hội Hàn Quốc vẫn chưa thực sự sẵn sàng cho chế độ giờ làm việc mới. Trong khi các nhà tuyển dụng phàn nàn về việc chi phí nhân công tăng, nhiều người lao động cũng không hài lòng vì muốn làm thêm giờ để tăng thu nhập. Từ đó, Chính phủ đã đề ra một giải pháp thay thế là chế độ thời gian làm việc linh hoạt, đối phó với các vấn đề phát sinh do chế độ tuần làm việc tối đa 52 giờ. 


Thỏa thuận đầu tiên đạt được thông qua đàm phán xã hội


Chính phủ đã từng quy định khung thời gian làm việc linh hoạt là từ 2 tuần cho tới 3 tháng. Tuy nhiên, giới chủ doanh nghiệp cho rằng mức trần này là quá ngắn, yêu cầu Chính phủ mở rộng mức trần. Ngược lại, công đoàn lao động đã kịch liệt phản đối yêu cầu này, cho rằng các doanh nghiệp có thể lợi dụng quy định này để tăng giờ làm việc khiến người lao động bị giảm thu nhập và đối mặt với các vấn đề sức khỏe. Để giải quyết mâu thuẫn, một Hội đồng tư vấn, với tên gọi Ủy ban Kinh tế, xã hội và lao động của Chính phủ đã được thành lập vào tháng 11 năm ngoái. Sau 9 vòng đàm phán căng thẳng, Hội đồng đa phương đã nhất trí phương án mở rộng mức trần thời gian làm việc linh hoạt từ 3 tháng lên thành 6 tháng. Cơ chế sửa đổi cho phép các doanh nghiệp duy trì hoạt động với cường độ cao trong vòng 6 tháng, và có thể lên kế hoạch làm việc theo tuần thay vì theo ngày. Đồng thời, thỏa thuận cũng đảm bảo thời gian nghỉ ngơi của người lao động tối thiểu là 11 giờ giữa hai ngày làm việc. Giới chủ cũng buộc phải đưa ra phương án đảm bảo tiền lương và báo cáo chi tiết lên Bộ Lao động, nếu không thực hiện sẽ bị xử phạt. Nhà phân tích Chung Chul-jin giải thích. 


Các nhóm có lợi ích khác nhau thường tổ chức các cuộc đàm phán để thu hẹp khoảng cách quan điểm, song hiếm trường hợp đàm phán đạt được kết quả đáng kể. Tuy nhiên, trong lần này, Ủy ban Kinh tế, xã hội và lao động trực tiếp dưới quyền Tổng thống đã thành công trong việc thu hẹp khoảng cách giữa các nhóm, và đi đến một thỏa thuận, một ví dụ hiếm hoi và rất đáng chú ý về việc thúc đẩy đối thoại và thỏa hiệp giữa các nhóm khác nhau. Thỏa thuận lần này mở ra hy vọng về mô hình giải quyết các vấn đề tranh chấp lợi ích giữa các nhóm, chẳng hạn việc cải cách Quỹ hưu bổng quốc gia thông qua thảo luận xã hội. 


Hạn chế của khung thời gian làm việc linh hoạt 6 tháng


Trên thực tế, các bên đã không đạt được thỏa thuận trong phiên đàm phán thứ 8. Tuy nhiên, Hội đồng cố vấn đã kiên trì giữ đà đối thoại. Kết quả là các bên đã có sự nhượng bộ và đạt được một thỏa thuận tích cực vào phút cuối. Mặc dù vậy, thỏa thuận lần này không phải không có điểm hạn chế. Ông Chung Chul-jin phân tích.


Theo công đoàn, mở rộng khung thời gian lên 6 tháng có thể dẫn đến tình huống người lao động có số giờ làm việc kéo dài hơn 60 tiếng/tuần trong 3 tháng liên tiếp, vượt quá tiêu chuẩn làm việc ngoài giờ của Hàn Quốc là 60 giờ/tuần trong 12 tuần liên tiếp. Điều này đi ngược lại mục đích áp dụng chế độ tuần làm việc tối đa 52 giờ là hạn chế tình trạng làm việc quá sức. Mặc dù quy định ghi rõ các doanh nghiệp phải cung cấp phương án chi tiết đảm bảo tiền lương, nhưng các biện pháp này khá mơ hồ vì Chính phủ không thể trực tiếp can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. 


Mục tiêu cải thiện điều kiện việc làm và chất lượng cuộc sống của người dân


Câu hỏi đặt ra là các doanh nghiệp sẽ thiết lập cơ chế tiền lương như thế nào để đảm bảo chế độ cho người lao động. Chính phủ đã mở rộng thời gian ân hạn cho các doanh nghiệp đến 31/3, thay vì 1/1 như kế hoạch ban đầu. Tuy nhiên, việc ngay lập tức đưa ra một chính sách toàn diện là cực kỳ thách thức, trong bối cảnh đảng cầm quyền và các đảng đối lập có quan điểm khác nhau về chế độ giờ làm việc linh hoạt. Nghiêm trọng hơn nữa, bất đồng giữa các đảng có thể làm tê liệt hoạt động của Quốc hội. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là việc mở rộng khung chế độ thời gian làm việc linh hoạt không nên đi chệch khỏi mục đích của cơ chế tuần làm việc 52 giờ. Nhà phân tích Chung Chul-jin đánh giá. 


Chế độ thời gian làm việc linh hoạt đang nổi lên như một vấn đề xã hội lớn, che mờ ý nghĩa tốt đẹp của quy định tuần làm việc tối đa 52 giờ. Chính phủ giới thiệu chế độ tuần làm việc 52 giờ nhằm cải thiện môi trường lao động khắc nghiệt, tạo điều kiện cho người lao động nghỉ ngơi, thư giãn bên gia đình. Tuy nhiên, dư luận lại đang quá tập trung vào phương án thay thế, khiến tình cảnh chẳng khác nào việc “đặt ngựa sau xe”. Trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và xã hội chưa sẵn sàng cho một sự thay đổi lớn, chế độ thời gian làm việc linh hoạt là một phương án mềm, đảm bảo tiến trình chuyển đổi suôn sẻ. Tuy nhiên, mục tiêu trên hết là cải thiện điều kiện việc làm và chất lượng cuộc sống của người dân. 


Hàn Quốc nổi tiếng với thời gian làm việc kéo dài, lên tới 2052 giờ/năm, xếp thứ hai về số giờ làm việc trong các nước của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OCED), chỉ sau Mehico. Rút ngắn thời gian làm việc là một chính sách tốt đẹp, và chế độ thời gian làm việc linh hoạt là một giải pháp khả thi đảm bảo quá trình chuyển đổi hiệu quả, suôn sẻ.

Lựa chọn của ban biên tập