Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Hàn Quốc ra mắt mạng 5G thương mại đầu tiên trên thế giới

#Tiêu điểm kinh tế l 2019-04-15

© YONHAP News

Thay đổi kỷ nguyên mạng 5G


Vào 11 giờ đêm ngày 3/4 (theo giờ địa phương), Hàn Quốc đã ra mắt mạng viễn thông di động thế hệ thứ 5 (5G) thương mại đầu tiên trên thế giới. Năm ngày sau, tức ngày 8/4, Chính phủ Hàn Quốc đã tổ chức buổi lễ đánh dấu việc thương mại hóa mạng viễn thông 5G đầu tiên trên thế giới. Tại đây, Chính phủ đã công bố "Chiến lược 5G+ vì tăng trưởng đổi mới”, với mục tiêu trở thành người tiên phong trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trên thực tế, chỉ vài tiếng sau khi Hàn Quốc thương mại hóa mạng 5G, nhà mạng Verizon (Mỹ) cũng đã giới thiệu dịch vụ tương tự, khiến khá nhiều tranh cãi nổ ra xung quanh danh hiệu cung cấp dịch vụ 5G thương mại đầu tiên trên thế giới là ai. Vốn dĩ Hàn Quốc đã có kế hoạch thương mại hóa mạng 5G từ ngày 28/3, nhưng đã bị trì hoãn do một số vấn đề liên quan. Trên thực tế, Hàn Quốc đã thiết lập “Diễn đàn 5G” từ năm 2013 để chuẩn bị cho các dịch vụ thương mại 5G. Kể từ đó, Seoul đã phát triển các công nghệ, dịch vụ liên quan, đóng vai trò đầu tàu trong việc phát triển các tiêu chuẩn 5G cho tới năm 2017, cung cấp dịch vụ 5G thí điểm tại Olympic mùa đông PyeongChang 2018, và đã sẵn sàng bước vào kỷ nguyên của mạng 5G. Giáo sư Park Hee-joon từ Khoa kỹ thuật thông tin và công nghiệp, trường Đại học Yonsei phân tích nhiệm vụ và thách thức với Hàn Quốc trong kỷ nguyên mạng 5G.


Nếu như trong kỷ nguyên mạng 4G, các điện thoại và thiết bị được ra mắt khi nền tảng mạng này đã phát triển, thì với 5G, dịch vụ được ra đời nhằm phục vụ các ngành công nghiệp của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như xe tự lái, nhà máy thông minh, thành phố thông minh. Cụ thể, xe tự lái có thể ra mắt trong vòng 3, 4 năm tới. Mạng 5G cũng cho phép các doanh nghiệp cung cấp dữ liệu lớn với tốc độ đường truyền nhanh, độ trễ nhỏ hơn, giúp các doanh nghiệp viễn thông có thể cung cấp cho khách hàng những trải nghiệm như tăng cường thực tế ảo (AR) hay thực tế ảo (VR), trí tuệ nhân tạo (AI) hoặc công nghệ tài chính (Fintech) trong tương lai gần. 


Hàn Quốc đi sau nhiều nước về dịch vụ và thiết bị 5G


So với mạng 4G, công nghệ 5G cho phép xử lý dữ liệu gấp 100 lần với tốc độ nhanh hơn gấp 20 lần, cùng độ trễ chỉ bằng 1%. Với mạng 5G, các nhà máy thông minh có thể tăng năng suất, hiệu quả sản xuất, trong khi bác sĩ có thể theo dõi sức khỏe bệnh người bệnh theo thời gian thực, ở mọi lúc, mọi nơi. Hiệu ứng lan truyền của mạng 5G sẽ lan tỏa trong nhiều ngành công nghiệp. Một nhà nghiên cứu thị trường toàn cầu dự đoán kỷ nguyên mạng 5G có thể tạo ra hiệu ứng kinh tế lên tới 12.300 tỷ USD cho đến năm 2035. Rõ ràng, Hàn Quốc cũng mong muốn đảm bảo một thị phần đáng kể trên thị trường này. Tuy nhiên, Seoul đang đối mặt với nhiều chỉ trích, và được cho là đang đi sau nhiều đối thủ cạnh tranh trên thị trường mạng 5G về kế hoạch sử dụng. Giáo sư Park Hee-joon lý giải. 


Theo một báo cáo gần đây của Hiệp hội công nghiệp và viễn thông di động (CTIA) tại Mỹ, năm ngoái Hàn Quốc đứng đầu thế giới về khả năng cạnh tranh và mức độ sẵn sàng triển khai mạng 5G. Song sang năm nay, Hàn Quốc lại được cho là đang đi sau Mỹ và Trung Quốc. Báo cáo nêu rõ Seoul đang đi sau các đối thủ cạnh tranh về xe tự lái, rô-bốt và máy bay mini không người lái (drone) sử dụng mạng 5G. Hàn Quốc đã quá tập trung vào thương mại hóa mạng 5G một cách nhanh chóng mà chưa chuẩn bị sẵn sàng cho ứng dụng mạng này vào các ngành công nghiệp. Trong khi đó, Mỹ và Trung Quốc đã phát triển mạng 5G như một nền tảng của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với các ứng dụng như trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), phương tiện tự lái, y tế hay công nghiệp hàng không vũ trụ. Đặc biệt, Hàn Quốc đang chiếm tỷ trọng không mấy đáng kể về thiết bị 5G, tụt hậu khá xa so với Trung Quốc. Dù Hàn Quốc là nước đầu tiên thương mại hóa mạng 5G, nhưng kế hoạch sử dụng mạng 5G mới thực sự là điều người ta mong muốn. Cái danh “đầu tiên trên thế giới” có thể sẽ kết thúc như ngọn đèn trước gió, chỉ lóe sáng rồi vụt tắt.


Chính phủ công bố “chiến lược 5G+ vì tăng trưởng đổi mới”


Dù có lợi thế cạnh tranh về điện thoại thông minh, chíp bán dẫn và viễn thông, Hàn Quốc vẫn đang đi sau Mỹ, Nhật Bản về nội dung dịch vụ 5G, và đi sau châu Âu, Trung Quốc về thiết bị 5G. So với Công ty Điện tử Samsung, Tập đoàn Huawei của Trung Quốc hay Nokia của Phần Lan đang nắm giữ nhiều bằng sáng chế về mạng 5G hơn. Hàn Quốc cũng đang đối mặt với các vấn đề như thiếu các trạm phát sóng và độ trễ trong truyền dữ liệu. Như một phần nỗ lực tăng cường ngành công nghiệp 5G, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố chiến lược quốc gia nhằm phát triển mạng 5G và các ngành công nghiệp liên quan. Ông Park Hee-joon giải thích.


Trong buổi lễ ngày 8/4 với sự tham dự của Tổng thống Moon Jae-in, Chính phủ đã công bố “Chiến lược 5G+ vì tăng trưởng đổi mới”. Theo đó, Hàn Quốc sẽ phát triển 5 ngành dịch vụ chủ chốt và 10 ngành công nghiệp mới nổi với mục tiêu đảm bảo 15% thị phần 5G toàn cầu, tạo ra 600.000 việc làm, đạt 73 tỷ USD xuất khẩu và tạo ra một thị trường trị giá 160 tỷ USD cho đến năm 2026. Để kích thích đầu tư tư nhân, Chính phủ sẽ giảm thuế 2, 3% cho các doanh nghiệp viễn thông đầu tư vào 5G trên toàn quốc cho đến năm sau. Chính phủ sẽ xây dựng 13 cơ sở thí điểm dịch vụ 5G mới, đại điều chỉnh các kế hoạch định giá 5G và tăng gấp đôi số lượng dải tần 5G cho đến năm 2026. Chính phủ cũng sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lớn và các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển các công nghệ nguồn, tạo điều kiện để họ khám phá thị trường nước ngoài. Đây là một phần kế hoạch toàn diện của Chính phủ nhằm đưa Hàn Quốc trở thành người đi tiên phong về mạng 5G. 


Mục tiêu xây dựng mạng 5G đầu tiên, tốt nhất thế giới


Dự kiến, Chính phủ và bộ phận tư nhân sẽ chi 27 tỷ USD để xây dựng hệ thống mạng 5G trên toàn quốc cho đến năm 2022. 5 dịch vụ chủ chốt cho mạng 5G bao gồm nhà máy thông minh, xe tự lái, điện thoại thông minh, rô-bốt và máy bay mini không người lái. Mặc dù vậy, kế hoạch đầy tham vọng này sẽ đòi hỏi rất nhiều nỗ lực. Ông Park Hee-joon nhận định.


Hàn Quốc cần phải cung cấp dịch vụ chất lượng, và quan trọng hơn là giành được sự công nhận từ khách hàng. Nhiều vấn đề sẽ nảy sinh trong giai đoạn triển khai mạng 5G. Bên cạnh đó, nhiều quy chế hiện đang cản trở các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ mới như xe tự lái hay dịch vụ y tế từ xa. Do đó, Chính phủ cần sửa đổi hoặc loại bỏ các quy định này để khuyến khích các doanh nghiệp, thúc đẩy thị trường 5G và nền kinh tế.


Hàn Quốc một lần nữa đã chứng tỏ vị thế của một cường quốc công nghệ thông tin. Tuy nhiên, cuộc chơi mới chỉ bắt đầu, và chúng ta cần ghi nhớ bài học rằng: danh hiệu tốt nhất quan trọng hơn danh hiệu đầu tiên.

Lựa chọn của ban biên tập