Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Hai đại gia hàng không Hàn Quốc đối mặt với khủng hoảng

#Tiêu điểm kinh tế l 2019-04-22

© YONHAP News

Ngành công nghiệp hàng không Hàn Quốc khủng hoảng, hãng Asiana Airlines bị rao bán


Ngành công nghiệp hàng không Hàn Quốc đang lung lay, khi hai hãng hàng không lớn nhất là Korean Air và Asiana Airlines đang trải qua giai đoạn biến động lớn. Cụ thể, ngày 8/4, ông Cho Yang-ho, Chủ tịch tập đoàn Hanjin, công ty mẹ của hãng hàng không Korean Air đã đột ngột qua đời. Tiếp đến ngày 15/4, Tập đoàn Kumho Asiana, công ty mẹ của hãng Asiana Airlines, đã quyết định rao bán hãng hàng không này để vượt qua cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về thanh khoản. Hai tập đoàn trên dường như khó tránh khỏi việc tái cấu trúc. Ông Lee In-chul, Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế Chamjoeun đánh giá về bối cảnh tồi tệ của hai hãng hàng không. 


Do cuộc khủng hoảng tài chính, Tập đoàn Kumho Asiana đã quyết định rao bán hãng hàng không Asiana Airlines, hiện đang chiếm 60% doanh thu hàng năm của tập đoàn này. Cổ đông lớn nhất của Asiana Airlines là Công ty công nghiệp Kumho, trong khi cổ đông lớn nhất của công ty này lại là Công ty vận tải Kumho Buslines. Khi còn lãnh đạo tập đoàn, Chủ tịch Park Sam-koo đã kiểm soát toàn bộ tập đoàn thông qua Kumho Buslines. Hãng Asiana Airlines có 6 công ty con, trong đó có hai hãng hàng không giá rẻ Air Busan và Air Seoul. Ngân hàng phát triển Hàn Quốc (KDB), chủ nợ chính của tập đoàn này, đã hoan nghênh động thái trên, khẳng định chỉ có thể đưa ra hỗ trợ tài chính khi Tập đoàn Kumho chấp nhận bán hãng Asiana Airlines và các công ty con. 


Khủng hoảng từ mở rộng quy mô quá mức, “rủi ro chủ sở hữu”


Người sáng lập tập đoàn Kumho Park In-cheon đã thành lập Công ty vận tải Kumho Buslines năm 1946 với hai chiếc taxi cũ. Doanh nghiệp lấy trọng tâm là vận tải này đã tham gia ngành công nghiệp hàng không vào những năm 1980, thời Tổng thống Chun Doo-hwan và được coi là một trong hai đơn vị vận tải lớn nhất Hàn Quốc. Vời thời kỳ đỉnh cao, tập đoàn Kumho xếp thứ 7 trong các doanh nghiệp lớn nhất nước. Vậy tại sao tập đoàn này lại quyết định bán đi đứa con cưng Asiana Airlines? Ông Lee In-chul phân tích.


Vấn đề nảy sinh kể từ khi Chủ tịch Park Sam-koo xúc tiến mua lại Công ty xây dựng Daewoo vào năm 2006 và Công ty hậu cần Daehan vào năm 2008, với giá đấu thầu lần lượt là 6.000 tỷ won (5,4 tỷ USD) và 4.000 tỷ won (3,6 tỷ USD theo tỷ giá hiện nay). Tập đoàn này đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoàng tài chính toàn cầu năm 2009, khiến quyền điều hành rơi vào tay chủ nợ là Ngân hàng phát triển Hàn Quốc (KDB). Ông Park trở lại nắm quyền thông qua việc mua lại Công ty công nghiệp Kumho vào năm 2015. Tuy nhiên, tình hình đã đi quá xa khi Tập đoàn nỗ lực mua lại Công ty xăm lốp Kumho Tires trị giá 1.000 tỷ won (880 triệu USD), dẫn đến phải huy động cả các công ty con, bao gồm cả hãng hàng không Asiana Airlines. Việc mua quá mức đã dẫn đến cuộc khủng hoảng thanh khoản. Họa vô đơn chí. Năm ngoái, đã từng xảy ra vụ thiếu suất ăn trên nhiều chuyến bay của Asiana Airlines, khiến một số chuyến bay quốc tế của hãng bị chậm chuyến. Tiếp đến năm nay, kết luận tiêu cực của kiểm toán về điều kiện tài chính đã làm dấy lên mối lo ngại về thanh khoản của hãng. Tất cả những yếu tố bất lợi trên đã đưa Kumho Asiana đứng bên bờ vực sụp đổ.


Vấn đề thuế thừa kế, bảo vệ quyền điều hành của Korean Air


Kumho Asiana đang đứng trước khoản nợ thanh khoản lên tới 1.000 tỷ won (880 triệu USD) đáo hạn trong năm nay, và công ty con Asiana Airlines đang phải đi tìm chủ sở hữu mới. Không chỉ Asiana Airlines, hãng hàng không lớn nhất Hàn Quốc Korean Air cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn trong quá trình chuyển giao quyền điều hành từ cố Chủ tịch Cho Yang-ho của Công ty mẹ Hanjin KAL cho con trai Cho Won-tae, Chủ tịch của hãng Korea Air. Tuy nhiên, để nắm quyền điều hành, ông Cho Won-tae phải đóng thuế thừa kế, mà dường như quá trình này là không hề dễ dàng. Giám đốc Lee In-chul lý giải. 


Tiền thuế thừa kế ước tính sẽ rơi từ vào 170 tỷ đến 200 tỷ won (150 triệu đến 180 triệu USD), và sẽ không dễ để người kế nhiệm đời thứ ba của Tập đoàn Hanjin KAL có thể huy động được số tiền khổng lồ này. Để củng cố quyền quản lý, ông Cho Won-tae thậm chí cần mua thêm cổ phần bổ sung vào phần được thừa kế. Những thách thức khác bao gồm sự đối đầu với cổ đông lớn thứ hai của Công ty Hanjin KAL, là Quỹ Cải thiện quản trị doanh nghiệp Hàn Quốc (KCGI). Hanjin KAL là công ty cổ phần của Tập đoàn Hanjin, bao gồm hãng hàng không Korean Air, Jin Air, công ty xây dựng Hanjin và một số công ty con khác. Khi mất, cố Chủ tịch Cho Yang-ho, đang nắm giữ tới 17,84% cổ phần của Hanjin KAL, trong khi con trai Cho Won-tae sở hữu 2,34% cổ phần và hai người con gái là Cho Hyun-ah và Cho Hyun-min chỉ nắm lần lượt là 2,31% và 2,3% cổ phần. Như vậy, cả gia đình họ Cho sở hữu chưa tới 29% cổ phần của Hanjin KAL. Do quy định tái bổ nhiệm đòi hỏi sự chấp thuận của hai phần ba cổ đông, nên ông Cho Won-tae cần phải nắm giữ tối thiểu 34% cổ phần. Như vậy, cho dù kế thừa toàn bộ cổ phần từ cha, ông Cho vẫn phải mua thêm tối thiểu 5% cổ phần. 


Quyền quản lý bị lung lay do chủ sở hữu doanh nghiệp


Nếu phải bán cổ phiếu để trả tiền thuế thừa kế khổng lồ trên, ông Cho rất khó đảm bảo cổ phần tối thiểu, để bảo vệ quyền quản lý Công ty Hanjin KAL. Cả Korean Air và Asiana Airlines đều đang đối mặt với cuộc khủng hoảng của riêng mình, nguyên nhân là bởi “rủi ro chủ sở hữu”, một loại rủi ro bắt nguồn tự việc nhà đầu tư mất lòng tin vào chủ sở hữu doanh nghiệp. Ông Lee In-chul giải thích.


Với trường hợp của hãng Korean Air, những tranh cãi gay gắt về gia đình chủ sở hữu bắt nguồn từ hành vi lạm dụng quyền lực, đối xử tệ bạc với cấp dưới. Quỹ hưu bổng quốc gia, cơ quan trả lương hưu cho người dân, và là đơn vị nắm giữ hơn 11% cổ phần của Korean Air, cho rằng việc lạm quyền với cấp dưới của gia đình chủ sở hữu đã phá hoại giá trị của Korean Air và vi phạm quyền của nhà đầu tư. Do đó, Quỹ này đã quyết định chủ động thực hiện quyền của một cổ đông lớn và chính động thái này đã khiến nhà họ Cho mất quyền quản lý của công ty. Trong khi đó, tình huống khó khăn của Tập đoàn Kumho Asiana cho thấy một công ty có thể bị rơi vào khủng hoảng bởi các quyết định thiếu cẩn trọng, thái quá của chủ sở hữu. Đây là lời nhắc nhở rõ ràng rằng cấu trúc quản trị trong các doanh nghiệp Hàn Quốc đã lỗi thời và mô hình quản lý gia đình độc quyền có thể làm tăng rủi ro chủ sở hữu sẽ không còn hiệu quả.


Mặc dù vậy, những thay đổi lớn đối với hai hãng hàng không lớn nhất Hàn Quốc được coi là một tín hiệu tích cực trong ngành công nghiệp này. Trên góc độ kinh doanh, hai hãng hàng không này đều là công ty đang hoạt động khá tốt. Minh chứng là cả hai hãng hàng không trên đều có doanh thu tăng trưởng trong vòng 5 năm qua. Trong bối cảnh nhu cầu du lịch và hàng không tăng cao, thị trường hàng không toàn cầu dự kiến sẽ tăng trung bình 3,6%/năm trong 20 năm tới, một sự tăng trưởng rất đáng kể, hai hãng hàng không cần học hỏi từ những khó khăn, biến chúng thành cơ hội tăng cường khả năng cạnh tranh, làm minh bạch cấu trúc quản trị doanh nghiệp.

Lựa chọn của ban biên tập