Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Đồng won giảm giá mạnh so với đồng đô-la Mỹ

#Tiêu điểm kinh tế l 2019-05-27

© YONHAP News

Tỷ giá won-USD tăng vọt, đáng lo hơn đáng mừng


Lo lắng đang ngày càng tăng cao khi tỷ giá hối đoái won-USD đang gia tăng chóng mặt, dấu hiệu đáng báo động của một nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu. So với các đồng tiền lớn, đồng won đã mất giá nhiều nhất trong vòng 19 tháng, một tin tức không khả quan tiếp sau những con số kinh tế đáng thất vọng của quý I. Ông Kim Jeong-sik, Giáo sư khoa kinh tế trường Đại học Yonsei phân tích. 


Việc đồng won mất giá so với đồng đô-la Mỹ có cả mặt tích cực lẫn tiêu cực. Đây có thể là tín hiệu tốt đối với các nhà xuất khẩu Hàn Quốc bởi khả năng cạnh tranh về giá sản phẩm được tăng trên thị trường nước ngoài, từ đó cải thiện tình hình xuất khẩu. Tuy nhiên, mặt trái là hàng hóa nhập khẩu sẽ trở nên đắt đỏ hơn, có thể khiến giá cả, bao gồm cả giá dầu, leo thang. Việc đồng won chỉ giảm giá ở mức vừa phải là điều có thể chấp nhận được, nhưng sự sụt giảm lớn có thể dẫn tới tình trạng đầu cơ, khiến đồng won tiếp tục lao dốc, mất giá và các nhà đầu tư có thể rời khỏi thị trường Hàn Quốc. Một cuộc tháo chạy lớn có thể gây ra tình trạng thiếu hụt dự trữ ngoại hối. 


Yếu tố trong và ngoài nước khiến đồng won lao dốc


Đầu năm nay, đồng won chỉ dao động ở mức 1.110 won đến 1.120 won đổi 1 USD. Tuy nhiên, kể từ tháng 4, đồng won đã mất giá nhanh hơn dự kiến. Tỷ giá hối đoái won-USD đã vượt qua mốc 1.140 won/USD vào ngày 8/4 và đã tiếp tục vượt qua mức 1.180 won/USD vào ngày 9/5. Lần cuối tỷ giá hối đoái vượt qua mức này là ngày 16/1/2017. Đến ngày 15/5, tỷ giá tiếp tục leo thang lên mức 1.190 won/USD. Giáo sư Kim Jeong-sik đánh giá. 


Một trong những nguyên nhân khiến đồng won mất giá là mối lo ngại về suy thoái kinh tế, và điều này chắc chắn ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nội địa. Lo lắng lợi nhuận giảm sút có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi thị trường Hàn Quốc, và xu hướng giảm giá đồng won tiếp tục gia tăng. Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang khiến tình hình xuất khẩu của Hàn Quốc xấu đi. Chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch tại hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể đẩy nhanh suy thoái kinh tế tại Hàn Quốc, và thậm chí có thể khiến thị trường chứng khoán sụp đổ. 


Những yếu tố giúp tăng giá đồng won


Một yếu tố đặc biệt khác đó là tháng 4, tháng 5 là thời điểm các công ty lớn của Hàn Quốc trả cổ tức cho các cổ đông, bao gồm cả người nước ngoài, khiến nhu cầu đồng đô-la Mỹ tăng mạnh, bởi vì các cổ đông nước ngoài muốn được trả cổ tức bằng “đồng bạc xanh”. Tuy nhiên, Hàn Quốc vẫn sở hữu một số yếu tố có thể kiểm soát giá của đồng won. Ông Kim Jeong-sik lý giải.  


Dù đồng won bị mất giá mạnh thời gian gần đây, song Hàn Quốc vẫn còn nhiều nền tảng để đẩy giá đồng tiền tăng trở lại. Ví dụ, dự trữ ngoại hối của Hàn Quốc đang dao động trên 400 tỷ USD và cán cân thương mại vẫn thặng dư trong thời gian dài. Tỷ lệ thăng dư cán cân vãng lai so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP), một chỉ số đánh giá sức khỏe nền kinh tế, đã đạt mức 7% trong năm 2016 và dự kiến đạt 4% trong năm nay, một con số vẫn được coi là cao. Thặng dư vãng lai mạnh cho thấy uy tín quốc tế của Hàn Quốc vẫn cao.


Tốc độ tăng trưởng kinh tế đang suy giảm


Tính đến cuối tháng 4, Hàn Quốc đứng thứ 9 về dự trữ ngoại hối, và thặng dư vãng lai đạt 4,12 tỷ USD, tháng thứ 87 liên tiếp đạt thặng dư thương mại. Hàn Quốc cũng ký các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với nhiều nước như Trung Quốc, Thụy Sĩ, giúp đảm bảo an ninh tài chính. Các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS), một chỉ số đánh giá uy tín của Hàn Quốc, vẫn ở mức thấp. Dù có một số mặt tích cực, việc đồng won mất giá là dấu hiệu phản ánh các yếu tố nền tảng của nền kinh tế đang bị suy yếu. Chẳng hạn, Chính phủ Hàn Quốc tăng lương tối thiểu, giảm số giờ làm việc trong nỗ lực cải thiện phúc lợi xã hội, làm gia tăng gánh nặng chi phí cho các doanh nghiệp, kéo theo số lượng nhân công và đầu tư giảm. Những yếu tố này cũng làm giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc.


Tỷ giá hối đoái có tiếp tục tăng vọt?


Nền kinh tế Hàn Quốc trong quý I đã tăng trưởng âm 0,34% so với quý trước, mức giảm lớn nhất trong số 22 nước được phân tích của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng kinh tế thậm chí còn ảm đạm hơn. Cả OECD, Viện nghiên cứu phát triển Hàn Quốc (KDI) và Viện nghiên cứu tài chính Hàn Quốc (KIF) đều hạ dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc xuống mức 2,4%, giảm 0,2% so với con số dự đoán 2,6% đưa ra trước đó. Việc đồng won lao dốc gần đây là kết quả của xuất khẩu trì trệ, đầu tư bị thu hẹp và những chỉ số kinh tế xấu đi trong ba tháng đầu năm. Đây là tiếng chuông cảnh báo cho các ngành công nghiệp chủ chốt như năng lượng, hóa dầu, thép và hàng tiêu dùng. Sự quan tâm hiện đang đổ dồn vào việc xu hướng đồng won suy yếu sẽ tiếp tục kéo dài bao lâu. Giáo sư Kim Jeong-sik nhận định.


Tỷ giá hối đoái đang dao động quanh mức 1.190 won đổi 1 USD. Tuy nhiên, tương lai của thị trường ngoại hối sẽ phụ thuộc vào diễn biến của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Hàn Quốc, có thể khiến đồng won tiếp tục mất giá. Tuy nhiên, nếu Washington và Bắc Kinh đạt được một thỏa hiệp tại Hội nghị thượng đỉnh 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) dự kiến diễn ra vào cuối tháng 6 tại Nhật Bản, những bất ổn kinh tế toàn cầu sẽ giảm đáng kể và thị trường ngoại hối Hàn Quốc sẽ ổn định trở lại.


Mặc dù vậy, mọi thứ vẫn chưa có gì là chắc chắn. Chính phủ cần chủ động nỗ lực ổn định thị trường, xây dựng đối sách để giải quyết tình trạng suy thoái kinh tế.

Lựa chọn của ban biên tập