Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Đề xuất kéo dài độ tuổi nghỉ hưu

#Tiêu điểm kinh tế l 2019-06-10

© YONHAP News

Nguyên nhân tăng độ tuổi nghỉ hưu?


Xuất hiện với tư cách là khách mời trong một chương trình của Đài phát thanh và truyền hình Hàn Quốc (KBS) ngày 2/6, Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế kiêm Bộ trưởng Kế hoạch và tài chính Hong Nam-ki cho rằng đã tới lúc cần thảo luận xã hội về việc kéo dài độ tuổi nghỉ hưu, hiện đang là 60 tuổi, đồng thời khẳng định Chính phủ sẽ công bố đề xuất cụ thể trong tháng này. Giáo sư Choi Bae-geun khoa Kinh tế trường Đại học Konkuk, lý giải động thái của Chính phủ. 


Hàn Quốc đang chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu dân số. Dân số dưới 50 tuổi đang giảm, trong khi dân số trên 50 tuổi đang tăng. Số người trên 60 tuổi tăng trung bình 540.000 người mỗi năm, nhưng dân số từ 15 đến 49 tuổi dự kiến sẽ giảm trung bình 340.000 người/năm. Điều này có nghĩa là dân số trong độ tuổi lao động đang bị thu hẹp, còn số người nghỉ hưu đang tăng lên. Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn khi những người sinh từ năm 1955 đến 1964, thời kỳ bùng nổ dân số hậu chiến tranh, bước vào tuổi nghỉ hưu ngày càng tăng. Năm nay, những người sinh năm 1959 sẽ bước sang tuổi 60, tuổi nghỉ hưu theo luật định, và số người nghỉ hưu sẽ tiếp tục tăng trong các năm tới. Tỷ lệ sinh thấp và số người nghỉ hưu tăng đang tạo ra gánh nặng lớn cho xã hội.        

                           

Tùy chọn tốt nhất cho tuổi nghỉ hưu


Tại Hàn Quốc, số người trong độ tuổi lao động đã lần đầu tiên giảm vào hai năm trước, dự kiến sẽ giảm trung bình 200.000 người mỗi năm từ năm 2020 đến năm 2023, và sau năm 2025 sẽ giảm gấp đôi con số này. Đây là hệ quả của việc số người lao động đến tuổi nghỉ hưu tăng mạnh, trong khi số lượng trẻ em dưới 14 tuổi giảm mạnh. Bên cạnh đó, những người nghỉ hưu thường chi tiêu tằn tiện, cũng góp phần làm giảm tiêu dùng nội địa. Do đó, kéo dài độ tuổi nghỉ hưu dự kiến sẽ mang lại một số tác động tích cực cho xã hội. Ông Choi Bae-geun phân tích.


Nếu độ tuổi nghỉ hưu tăng, việc trả lương hưu cũng sẽ được lùi lại, giảm đáng kể gánh nặng tài chính cho Chính phủ trong việc chăm sóc người cao tuổi. Tăng tuổi nghỉ hưu cũng sẽ bù đắp cho sự thiếu hụt lao động. Nếu tình trạng số người cao tuổi ngày càng tăng không được hạn chế, thị trường tài chính sẽ chịu tác động tiêu cực. Người già thường quản lý tài sản theo cách an toàn, ổn định và giảm nhu cầu đối với chứng khoán, có thể làm suy yếu thị trường chứng khoán trong nước. Do đó, tăng tuổi làm việc sẽ giúp giảm bớt gánh nặng kinh tế và xã hội, đồng thời có thể giúp người lao động sống vui, sống khỏe hơn. Tôi cho rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu là một xu thế khó tránh khỏi.          


Xu thế tăng tuổi nghỉ hưu trên thế giới


Hiện nay, tại Hàn Quốc, cứ 100 người trong độ tuổi lao động đang phải hỗ trợ cho trung bình 20,4 người nghỉ hưu. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu từ 60 lên thành 65, tỷ lệ này sẽ hạ xuống còn 13,1, giảm đáng kể gánh nặng lên người lao động. Nếu tiếp tục gắn bó với công việc, người lao động cao tuổi sẽ có thêm thu nhập, chi tiêu nhiều hơn, và giúp gia tăng nguồn thu thuế. Với lý do đó, nhiều nước trên thế giới đã tăng tuổi nghỉ hưu. Giáo sư Choi Bae-geun khẳng định.   


Các nước Bắc Âu đã và đang tăng dần tuổi nghỉ hưu, xét đến việc tăng đột ngột tuổi hưu có thể là một cú sốc cho xã hội. Hai nước Mỹ và Anh không quy định tuổi nghỉ hưu chuẩn, khi đã bãi bỏ quy định này vào những năm 1980 để xóa bỏ tình trạng phân biệt đối xử với người già, và trao thêm quyền tự chủ về tuyển dụng và sa thải cho các doanh nghiệp. Nước Đức đã kéo dài tuổi nghỉ hưu từ 65 lên thành 67. 


Tác động tiêu cực của việc tăng tuổi nghỉ hưu


Trường hợp của Nhật Bản cũng có thể là bài học cho Hàn Quốc, bởi nước này cũng đối mặt với tình trạng tỷ lệ sinh thấp và dân số già hóa. Năm 2013, Nhật Bản đã tăng tuổi nghỉ hưu lên thành 65 nếu người lao động mong muốn. Chính phủ Nhật đã đưa ra 3 lựa chọn cho các doanh nghiệp, đó là tăng tuổi nghỉ hưu, bãi bỏ quy định này hoặc tái sử dụng lao động là người cao tuổi theo hợp đồng. Tuy nhiên, dù theo phương án nào, Nhật Bản cũng quy định tuổi nghỉ hưu tối đa là 65, và áp dụng hệ thống đỉnh lương (wage peak system), tức là khi gần đến tuổi nghỉ hưu, người lao động sẽ phải giảm lương, giảm số giờ làm. Mặc dù vậy, vẫn cần có sự đồng thuận trong xã hội, bởi các chính sách này thường gây ra xung đột giữa các thế hệ. Giáo sư Choi Bae-geun phân tích về tác động tiêu cực của việc tăng tuổi nghỉ hưu. 


Nếu tăng tuổi nghỉ hưu, người già sẽ bắt đầu nhận lương hưu muộn hơn so với trước. Trường hợp họ tiếp tục làm việc cho đến lúc nghỉ hưu thì mọi chuyện sẽ ổn thỏa. Tuy nhiên, nếu không tìm được việc làm khi chưa đến tuổi hưu, người già sẽ không có nguồn thu nhập và khó có thể vui vẻ vì điều này. Ngoài ra, trả lương hưu muộn hơn cũng làm giảm số tiền họ nhận được, do thời gian bị rút ngắn. Xung đột chắc chắn sẽ nảy sinh nếu Chính phủ không đưa ra các đối sách bổ sung ổn thỏa.   


Nên từng bước điều chỉnh tuổi nghỉ hưu


Như trường hợp của Pháp và Nga, quyết định tăng tuổi nghỉ hưu đã gây ra phản ứng mạnh mẽ trong dân chúng. Đáng lo ngại hơn cả là xung đột thế hệ. Trong bối cảnh thị trường việc làm ngày càng khó khăn, tuổi nghỉ hưu tăng lên sẽ khiến các doanh nghiệp không tuyển thêm nhân viên mới, khoét sâu vào xung đột việc làm giữa người già và người trẻ. Về phần mình, các doanh nghiệp cũng gặp gánh nặng tiền lương đối với bộ phận lao động lâu năm. Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc cũng chỉ mới điều chỉnh tuổi nghỉ hưu lên thành 60 chưa tới ba năm, nên nhiều nhà phân tích cho rằng còn quá sớm để thay đổi. Đồng tình với quan điểm này, Giáo sư Choi Bae-geun cho rằng Chính phủ cần có sự thay đổi từng bước một. 


Sẽ là tốt hơn nếu Chính phủ tăng tuổi nghỉ hưu từng bước một, như 6 tháng hay một năm, hoặc hai năm một lần, thay vì tăng ngay từ 60 lên thành 65, để tránh một cú sốc quá lớn và giảm bớt gánh nặng cho các doanh nghiệp. Về phần mình, những người được phép làm việc lâu hơn sẽ cần chấp nhận thực tế là thu nhập và số giờ làm việc của họ sẽ bị giảm đi khi gần đến tuổi hưu trong trường hợp tăng tuổi nghỉ hưu. Với các vấn đề tranh cãi khác, Chính phủ cũng cần xem xét việc tạo ra một thị trường lao động linh hoạt, thay đổi cấu trúc lương dựa trên năng lực và hiệu suất công việc.   


Vấn đề tuổi nghỉ hưu cần được thực hiện song song với các vấn đề phúc lợi xã hội và tình trạng thất nghiệp. Chính phủ nên tổ chức nhiều cuộc thảo luận về các vấn đề này, chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi chính thức thực hiện để giảm xung đột giữa các thế hệ.

Lựa chọn của ban biên tập