Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Doanh nghiệp Hàn Quốc tiến thoái lưỡng nan trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

#Tiêu điểm kinh tế l 2019-06-17

© YONHAP News

Sức ép từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung


Một số doanh nghiệp Hàn Quốc đang bị cuốn vào cuộc chiến thương mại đang ngày một leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc. Khi Washington áp đặt lệnh trừng phạt đối với Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất Trung Quốc, thì Bắc Kinh, cũng không chịu khoanh tay đứng nhìn, đe dọa sẽ đáp trả. Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang đặt các công ty Hàn Quốc vào tình thế hết sức khó xử. Ông Cho Yong-chan, Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế Mỹ-Trung, phân tích.


Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh khốc liệt để trở thành người lãnh đạo về mạng di động 5G. Mục tiêu cuối cùng của Mỹ đằng sau cuộc chiến công nghệ này là đẩy Huawei ra khỏi thị trường mạng 5G. Do đó, Mỹ có khả năng sẽ đưa các doanh nghiệp từ chối tham gia chiến dịch chống Huawei vào danh sách đen. Trong một diễn đàn an ninh tổ chức tại Seoul ngày 7/6, Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Harry Harris nêu rõ Mỹ lo lắng về vấn đề an ninh cho hệ thống 5G tại Hàn Quốc, nhưng cũng lạc quan rằng hai nước, với tư cách là đồng minh và đối tác sẽ cùng nhau giải quyết những vấn đề này. Xung đột thương mại Mỹ-Trung không chỉ là vấn đề mất cân bằng thương mại, mà còn là cuộc chiến tranh giành vị thế đứng đầu về kinh tế, công nghệ và an ninh quốc gia nói chung. Khởi đầu từ tranh chấp thương mại, xung đột đang mở rộng thành cuộc chiến giành ngôi vị bá chủ thế giới. Bị cuốn vào cuộc chiến này, các doanh nghiệp Hàn Quốc đang bị buộc phải lựa chọn Mỹ hoặc Trung Quốc.


Doanh nghiệp Hàn Quốc trước nguy cơ bị Bắc Kinh liệt vào danh sách đen


Ngày 15/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh cấm các công ty Mỹ làm ăn với các doanh nghiệp viễn thông nước ngoài được cho là có thể gây rủi ro cho an ninh quốc gia. Ngay ngày hôm sau, Bộ Thương mại Mỹ đã liệt Huawei và gần 70 chi nhánh của hãng này vào danh sách thực thể bị hạn chế quyền truy cập vào các nhà cung cấp ở Mỹ. Tiếp đó, Washington kêu gọi các đồng minh như Liên minh châu Âu (EU), Canada và Úc từ bỏ các thiết bị Huawei cho các dịch vụ 5G. Mỹ cũng đang gây sức ép để Hàn Quốc cùng tham gia vào liên minh chống Huawei. 

Theo nguồn tin trong ngành, 30-40 chi nhánh của 4 tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc đang hoạt động sản xuất tại Trung Quốc. Công ty Điện tử Samsung đang sản xuất chíp nhớ NAND Flash ở tỉnh Tây An (Trung Quốc), và SK Hynix vận hành một nhà máy sản xuất bộ nhớ DRAM ở Vô Tích. Hai công ty này mỗi năm cung cấp cho Huawei lượng chíp bán dẫn trị giá tới 4,5 tỷ USD. Đối với SK Hynix, gần một nửa doanh số đến từ Trung Quốc. Công ty Điện tử LG cũng đang vận hành dây chuyền sản xuất ở 8 khu vực của Trung Quốc, như Nam Kinh. Đặc biệt, LG Display còn có kế hoạch sản xuất quy mô công nghiệp các màn hình hiển thị OLED tại Quảng Châu trong nửa cuối năm nay. Do đó, các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Trung Quốc có thể đối mặt với lệnh cấm vận của Bắc Kinh nếu tham gia vào liên minh của Mỹ chống Huawei. Giám đốc Cho Yong-chan cảnh báo.


Trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, các doanh nghiệp lo ngại Bắc Kinh có thể áp đặt lệnh trừng phạt đối với các nhà máy của họ ở Trung Quốc. Trong quá khứ, doanh nghiệp Hàn Quốc đã phải hứng chịu các biện pháp trả đũa kinh tế của Bắc Kinh khi Seoul triển khai tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm trung cao THADD của Mỹ trên bán đảo Hàn Quốc. Ví dụ rõ nhất là vụ Trung Quốc đã xử phạt chuỗi bán lẻ Lotte Mart của Hàn Quốc viện lý do nguy cơ hỏa hoạn và an toàn vệ sinh. Vào tháng 3 năm 2017, 87 trên 99 cửa hàng tạp hóa của Lotte Mart tại Trung Quốc đã bị đình chỉ kinh doanh. Nhà máy sản xuất sô-cô-la của Tập đoàn thực phẩm Lotte Thượng Hải liên doanh với nhà sản xuất sô-cô-la nổi tiếng của Mỹ Hershey cũng được lệnh ngừng hoạt động. Nếu Bắc Kinh áp đặt các biện pháp trừng phạt với các nhà máy bán dẫn của Hàn Quốc về vấn đề vệ sinh môi trường, thì rất khó để thoát khỏi tình cảnh tương tự.  


Lợi ích tích cực từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung


Theo tờ thời báo New York, Chính phủ Trung Quốc gần đây đã triệu tập các công ty công nghệ thông tin toàn cầu, cảnh báo về hậu quả thảm khốc nếu họ tham gia vào liên minh với Mỹ về hạn chế thương mại đối với Trung Quốc và tập đoàn Huawei. Mỹ và Trung Quốc hiện đang là hai đối tác thương mại lớn nhất với Hàn Quốc, chiếm hơn 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc trong năm ngoái. Tháng trước, Trung Quốc là thị trường chiếm 78% xuất khẩu chíp bán dẫn của Hàn Quốc. Tuy nhiên, chiến dịch chống lại Huawei không hoàn toàn là tin xấu đối với tập đoàn Samsung. Ông Cho Yong-chan phân tích. 


Năm ngoái, Huawei đứng số một thế giới về thị phần thiết bị mạng 5G toàn cầu, tiếp theo là Ericsson, Nokia và Samsung. Thế nhưng, trong quý I năm nay, Công ty Điện tử Samsung đã đứng đầu về thiết bị 5G và điện thoại thông minh. Theo một cách nào đó, Huawei đã phải nhường vị trí dẫn đầu cho Samsung, và tập đoàn công nghệ Hàn Quốc đang được hưởng lợi từ chiến dịch chống lại gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc. Xuất khẩu của Hàn Quốc sang Mỹ trong quý I cũng tăng trưởng 20,5%, trong khi các chuyến hàng Trung Quốc xuất sang Mỹ đã giảm tới 24,7% do việc hạn chế nhập khẩu. Từ tháng 7 năm ngoái, Washington đã ba lần áp thuế tối đa 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, giúp xuất khẩu của một số nước như Hàn Quốc, Việt Nam và Đài Loan sang Mỹ tăng trưởng. Trong năm ngoái, các sản phẩm Hàn Quốc chiếm 3,4% thị phần tại Mỹ, và con số này đã tăng lên thành 4,1% trong năm nay.


Phản ứng cẩn trọng và chiến lược


Tập đoàn Samsung đặt mục tiêu giành được 20% thị phần thiết bị viễn thông 5G toàn cầu vào năm 2020, và hy vọng tăng doanh số bán điện thoại di động. Doanh số bán điện thoại của Huawei đã lên tới 205 triệu chiếc vào năm ngoái, và các nhà sản xuất điện thoại có thể gia tăng thị phần nếu công ty Trung Quốc đối mặt với lệnh trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt kéo dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến toàn ngành. Nhu cầu đối với các thiết bị công nghệ sẽ dẫn tới giảm giá chíp bán dẫn, đồng thời việc loại bỏ thiết bị 5G của Huawei sẽ làm chậm quá trình xây dựng mạng 5G. Kịch bản tốt nhất là hai nước đạt được một thỏa hiệp tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) ở Nhật Bản vào cuối tháng này. Tuy nhiên, Hàn Quốc sẽ phải chuẩn bị cho nhiều kịch bản khác nhau. Giám đốc Cho Yong-chan đánh giá. 


Một số người cho rằng Hàn Quốc cần phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng tôi cho rằng điều quan trọng đối với Seoul là không tạo ra kẻ thù vì lợi ích quốc gia của chính họ. Để gần gũi hơn với Mỹ đồng thời duy trì mối quan hệ đối tác với Trung Quốc, Hàn Quốc cần thúc đẩy liên lạc Chính phủ, các ngành công nghiệp, giới hàn lâm, và tận dụng sự hợp tác. Doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị kế hoạch B cho kịch bản tồi tệ nhất. Theo hãng tin Bloomberg (Mỹ), cuộc chiến thương mại toàn diện giữa Washington và Bắc Kinh có thể gây thiệt hại 600 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu. Hàn Quốc sẽ chịu thiệt hại nặng nề khi đang phụ thuộc lớn vào hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Giữa cuộc chiến bá quyền, Hàn Quốc cần duy trì sự cân bằng một cách cẩn trọng, chiến lược.

Lựa chọn của ban biên tập