Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

KCS – nhà sản xuất chip tiền điện tử tăng cường tính bảo mật

#Doanh nghiệp tiên phong trong kinh tế Hàn Quốc l 2019-06-24

ⓒ KCS

Trưng bày chíp mã hóa tích hợp với camera IP tại IFSEC 2019


Hôm nay, chúng tôi sẽ giới thiệu về công ty Hệ thống máy tính Hàn Quốc (KCS), một doanh nghiệp triển vọng đã trưng bày công nghệ ưu việt tại Hội nghị Triển lãm an ninh và phòng cháy quốc tế (IFSEC) 2019 ở Luân Đôn (Anh). Phó Giám đốc thường trực Kim Han-jik giới thiệu về doanh nghiệp.


Tại Hội nghị Triển lãm an ninh và phòng cháy quốc tế (IFSEC) diễn ra trong 3 ngày, từ 18/6 đến 20/6, KCS đã giới thiệu một camera IP, tức là camera có kết nối mạng internet, kết hợp với một bộ chuyển đổi truyền thông mã hóa (crypto) sử dụng các chíp mã hóa tích hợp được định danh là KEV7. Chúng tôi đã tiến hành trình diễn tính năng bảo mật chống truy cập trái phép (hack) vào các camera IP cho các doanh nghiệp nước ngoài, giúp họ hiểu công nghệ sử dụng chíp mã hóa hình ảnh từ camera IP. Chúng tôi phải mất ba năm để phát triển chíp mã hóa và một năm để phát triển chíp bảo mật tích hợp với camera IP theo thời gian thực đầu tiên trên thế giới. Nhiều công ty đã phát hành các giải pháp tương tự bằng cách sử dụng phần mềm, nhưng có hạn chế là làm giảm tốc độ hiển thị, gây ra hiện tượng rớt khung hình. Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi đã thực hiện phát triển chíp mã hóa phần cứng. 


Chíp mã hóa KEV7 mạnh mẽ, tiết kiệm năng lượng


Dù là lần đầu tiên tham dự triển lãm IFSEC, một trong ba triển lãm an ninh lớn nhất thế giới, KCS đã thu hút nhiều sự chú ý từ các chuyên gia bảo mật quốc tế, mà trung tâm là sản phẩm camera IP nhúng với chíp mã hóa, giúp mã hóa hình ảnh theo thời gian thực mà không bị mất khung hình. Phó Giám đốc Kim Han-jik giải thích chi tiết hơn về chíp mã hóa KEV7.  


KEV7 là một chip vi điều khiển (MCU: Microcontroller Unit) với công nghệ ASIC (Appplicaiton-specific intergrated circuit), một công nghệ thiết kế sản xuất chíp (IC) cho ứng dụng cụ thể. Mỗi vi điều khiển có một khối xử lý trung tâm và bộ nhớ tích hợp trong một chíp. Với các ứng dụng mạng internet vạn vật (IoT) đa dạng, các chíp phải có kích thước nhỏ, tiêu tốn ít điện năng. Đó là lý do chúng tôi đã phát triển con chíp nhỏ nhưng hiệu năng cao này. Chíp của chúng tôi chứa một mô-đun mã hóa hiệu suất cao, một bộ tạo số ngẫu nhiên từ các quá trình vật lý, sử dụng một công nghệ được gọi là “chức năng không thể bị phát hiện” (PUF: Physical Unclonable Function), nhằm ngăn chặn việc sao chép dữ liệu. Chíp phần cứng này hỗ trợ nhiều dạng giao diện tương tác khác nhau.


ⓒ KCS

Thí điểm dự án bảo mật trong nửa cuối năm nay


Thị trường thiết bị bảo mật hình ảnh toàn cầu dự kiến sẽ lên tới 63 tỷ USD vào năm 2021. Việc tấn công trái phép (hack) các camera IP sẽ làm tăng nguy cơ rò rỉ thông tin cá nhân, thậm chí đe dọa an ninh quốc gia. Để ngăn chặn việc này, các quốc gia đang chuyển hướng sang sử dụng các chíp mã hóa vào camera IP. Một số nhà sản xuất nước ngoài cũng đã phát triển loại chíp tương tự, nhưng giá thành bị đội lên khi thay đổi đối tượng kết nối. Hơn thế, chíp của KCS còn có thể nhúng vào nhiều sản phẩm khác nhau, một bước đột phá chưa từng có. 

KCS thành lập năm 1974, tách ra từ Tập đoàn máy tính Hàn Quốc và được coi là một trung tâm đào tạo công nghệ thông tin, góp phần xúc tiến mảng phát triển công nghệ thông tin trong lĩnh vực tài chính. Đây cũng là doanh nghiệp đầu tiên của Hàn Quốc sản xuất thành công thiết bị đầu cuối, mở ra kỷ nguyên thanh toán kỹ thuật số. KCS được biết đến với hệ thống máy chủ toàn thời gian (nonstop), ứng dụng cho các hệ thống đọc thẻ tín dụng phải hoạt động liên tục 24/24 giờ. KCS hiện đang chiếm tới 70% thị phần hệ thống phê duyệt thẻ tín dụng nội địa. Dù là doanh nghiệp nhỏ, nhưng KCS được xếp hạng tín dụng cấp A0. Với nền tảng công nghệ, KCS đã tham gia vào các dự án mã hóa trọng điểm, như dự án hợp tác với Tổng công ty điện lực Hàn Quốc (KEPCO) về bảo mật hệ thống phân phối điện từ năm 2012. Ông Kim Han-jik cho biết.


Chúng tôi tập trung vào các công tơ điện, ga và đồng hồ nước. Tổng công ty điện lực Hàn Quốc đang xem xét việc dùng các chíp bảo mật cho các công tơ điện của 22 triệu hộ gia đình, và phối hợp với công ty chúng tôi, dự kiến bắt đầu triển khai từ năm nay đến năm sau. Chúng tôi nhận định, bảo mật đang ngày càng quan trọng đối với các phương tiện chạy điện và sẽ được ứng dụng rộng rãi trong những năm tới. Với sự mở rộng của xe điện, thị trường cho các bộ sạc pin cũng đang phát triển. Sạc cho xe điện đòi hỏi mức độ bảo mật cao, và chúng tôi đang làm việc với KEPCO để phát triển bộ sạc tích hợp chíp mã hóa. Chúng tôi lên kế hoạch triển khai một dự án thí điểm sớm nhất là vào nửa cuối năm nay. 


Ước mơ thúc đẩy Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với một con chíp


Chíp mã điện tử do KCS phát triển có kích thước chỉ 6 mm. Khởi đầu từ việc tích hợp chíp này vào các camera IP, KCS đang nỗ lực kết hợp các chíp vào xe tự lái và nhà máy thông minh. Phó Giám đốc Kim Han-jik khẳng định.


Trong kỷ nguyên của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các trang thiết bị của nhà máy thông minh hay hộ gia đình sẽ đều kết nối internet. Tất nhiên, siêu kết nối sẽ mang lại nhiều sự tiện lợi, nhưng cũng làm gia tăng các vấn đề về bảo mật. Những chiếc xe tự lái sẽ đối mặt với các rủi ro an ninh. Các phương tiện này sẽ thu thập và sử dụng thông tin từ các cảm biến cũng như từ các xe khác để điều khiển. Tuy nhiên, nếu những chiếc xe này bị tấn công mạng, tin tặc có thể chiếm quyền điều khiển chúng, và tài xế có thể gặp nguy hiểm. Chúng tôi đang nghiên cứu các giải pháp chíp bảo mật để ngăn chặn các nguy cơ như vậy.


Trong kỷ nguyên của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các thiết bị như điện thoại thông minh, xe cấp cứu, xe tự lái hay thiết bị y tế đều có thể kết nối mạng internet. Hội tụ công nghệ sẽ xóa mờ ranh giới của các ngành công nghiệp. Với tầm nhìn lớn lao và khát khao mang lại sự thay đổi đáng kể cho cuộc sống con người, KCS đang phát triển nhiều giải pháp chíp mã hóa, tăng cường tính bảo mật công nghệ thông tin.

Lựa chọn của ban biên tập