Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

FED đóng băng lãi suất cơ bản và tín hiệu giảm lãi suất trong tương lai

#Tiêu điểm kinh tế l 2019-06-24

ⓒ YONHAP News

FED đóng băng lãi suất, không nhắc đến cụm từ “kiên nhẫn” trong thông báo


Ngày 19/6 (theo giờ địa phương), Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã quyết định đóng băng lãi suất cơ bản, nhưng đồng thời để ngỏ về khả năng cắt giảm lãi suất trong tương lai, một sự thay đổi đáng kể về lập trường chính sách tiền tệ của cơ quan này. Giám đốc Viện nghiên cứu toàn cầu Kim Dae-ho nhận định về xu hướng nới lỏng tiền tệ của FED.


FED đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 2,25 – 2,5%/năm, một động thái đã được dự báo rộng rãi từ trước. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý hơn cả là việc cơ quan này đã không nhắc đến cụm từ “kiên nhẫn” trong tuyên bố của mình. Trước đây, FED thường nói đến cụm từ này để ám chỉ rằng sẽ không vội vàng điều chỉnh, mà tiếp tục đóng băng mức lãi suất. Theo Sở giao dịch chứng khoán New York, động thái của Cục dự trữ liên bang Mỹ có thể được hiểu là một tín hiệu cho thấy cơ quan này sẽ hạ lãi suất nếu cần thiết.


Động thái chuyển hướng chính sách của Mỹ


Trong cuộc họp Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC) tuần trước, FED đã có lập trường ôn hòa hơn về chính sách tiền tệ, thể hiện cụ thể qua việc sử dụng cụm từ “hành động phù hợp để duy trì sự mở rộng”, thay vì cụm từ “kiên nhẫn”. Rõ ràng, Cục dự trữ liên bang Mỹ đã sẵn sàng từ bỏ chính sách đóng băng lãi suất như hiện nay và thực hiện cắt giảm lãi suất. Ông Kim Dae-ho phân tích.


Mỹ đã liên tục tăng lãi suất trong 4 năm để kiềm chế lạm phát do chính sách nới lỏng tiền tệ sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại việc tăng lãi suất liên tục có thể khiến nền kinh tế tăng trưởng chậm lại. Hệ quả là Tổng thống Donald Trump đã gây áp lực với FED để giảm lãi suất. Trên thực tế, nền kinh tế Mỹ vốn tăng trưởng khá tốt, đang có dấu hiệu sụt giảm từ cuối năm ngoái, một phần là bởi ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Như một động thái ưu tiên nhằm đối phó với suy thoái kinh tế có thể xảy ra, Mỹ có vẻ đã sẵn sàng thay đổi chính sách thắt chặt tiền tệ đã được thực hiện trong suốt 5 năm qua.


Khả năng BOK cắt giảm lãi suất cơ bản


Đằng sau sự thay đổi lập trường của FED là những bất ổn kinh tế gia tăng từ xung đột thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc. Doanh số bán lẻ của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tháng 4 đã giảm 0,2% so với tháng trước đó, cho thấy người tiêu dùng Mỹ đang bắt đầu thắt chặt hầu bao. Sản lượng công nghiệp của Mỹ trong tháng 4 cũng giảm 0,5% so với tháng trước, và mức giảm 2,6% trong sản xuất động cơ và phụ tùng đã làm trầm trọng thêm sự chững lại của ngành chế tạo. Rõ ràng, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Mỹ. Kỳ vọng về lãi suất của các nhà hoạch định chính sách của Cục dự trữ liên bang Mỹ cho thấy cơ quan này đang nghiêng về phương án hạ lãi suất. 

Các thành viên của Ủy ban thị trường mở liên bang của FED đã công bố dự báo của từng thành viên về mức lãi suất cơ bản trên biểu đồ, còn gọi là đường dấu chấm. Theo đó, chỉ có một thành viên duy nhất dự báo tăng lãi suất, 8 thành viên dự báo đóng băng lãi suất, 7 thành viên dự báo hai lần cắt giảm lãi suất và một thành viên dự báo một lần cắt giảm lãi suất trong năm nay. FED có thể hạ tỷ lệ lãi suất sớm nhất vào tháng 7, trừ phi Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa hiệp tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) tại Nhật Bản vào cuối tuần này. Đặc biệt, việc cắt giảm lãi suất của Mỹ dự kiến sẽ ảnh hưởng đến quyết định lãi suất của Hàn Quốc. Giám đốc Kim Dae-ho phân tích. 


Mỹ đã đề xuất một sự đảo ngược về chính sách, từ tăng lãi suất sang cắt giảm lãi suất, mặc dù việc giảm lãi suất vẫn chưa được thực hiện. Trước đó, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) đã tăng lãi suất cơ bản để phù hợp với mức lãi suất của Mỹ. Nhưng hiện tại, BOK không còn lý do để tăng lãi suất. Hơn thế, nhiều nhà phân tích thậm chí đang kêu gọi hạ lãi suất, viện dẫn lý do tăng trưởng kinh tế đang chậm lại. Chưa hết, lãi suất trái phiếu kho bạc và trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường tài chính trong nước cũng đang thấp hơn lãi suất cơ bản. Do đó, hoàn toàn có khả năng BOK sẽ cắt giảm lãi suất với tốc độ thậm chí còn nhanh hơn của FED.


Cắt giảm lãi suất có giúp thúc đẩy nền kinh tế Hàn Quốc?


Các quyết định lãi suất của BOK chịu ảnh hưởng lớn từ quyết định lãi suất của FED. Những ý kiến phản đối việc cắt giảm lãi suất cho rằng động thái này có thể làm gia tăng khoảng cách lãi suất giữa Hàn Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, tuyên bố này có thể bị “việt vị” nếu Mỹ cắt giảm lãi suất. Ngoài ra, các chuyên gia đang nhấn mạnh đến nhu cầu kích thích nền kinh tế thông qua lãi suất, đặc biệt là trước tác động tiêu cực của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Các quốc gia như Úc và Ấn Độ đã đi trước một bước khi hạ lãi suất cơ bản. Rõ ràng, với những phát biểu gần đây, Thống đốc BOK đã bớt đi phần nào quan điểm “diều hâu” ủng hộ tăng lãi suất. Cắt giảm lãi suất là một trong những chính sách có thể của Chính phủ để khôi phục nền kinh tế. Chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, và đang đệ trình kế hoạch ngân sách bổ sung 7.000 tỷ won (6 tỷ USD). Trong bối cảnh hiện nay, hạ lãi suất có thể giúp thúc đẩy nền kinh tế Hàn Quốc. Ông Kim Dae-ho đánh giá.


Các doanh nghiệp có hai nguồn tài chính chủ yếu là vốn ròng của các cổ đông và các khoản vay. Tất nhiên, các doanh nghiệp phải trả lãi cho các khoản vay. Nếu BOK hạ lãi suất, doanh nghiệp sẽ phải trả lãi ít hơn. Chỉ riêng khoản tiền này sẽ giúp cải thiện bảng cân đối kế toán của họ, mặc dù điều kiện của các doanh nghiệp không đổi. Lãi suất thấp hơn cũng có thể khiến doanh nghiệp vay thêm tiền từ các tổ chức tài chính, tiếp thêm sức mạnh cho nền kinh tế. Điều này chắc chắn sẽ có tác động tích cực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vốn đang chậm lại. 


Hàn Quốc cần cân nhắc nhiều yếu tố khác nhau khi điều chỉnh lãi suất. Chẳng hạn, giảm lãi suất có thể làm tăng nguy cơ tăng nợ hộ gia đình hiện đang vượt quá 1.500.000 tỷ won (khoảng 1.300 tỷ USD). Trong bối cảnh hiện nay, kết quả đàm phán thương mại Mỹ-Trung có thể quyết định hướng điều chỉnh lãi suất của BOK. 

Lựa chọn của ban biên tập