Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Hàn Quốc đối mặt với tình trạng “vách đá nhân khẩu” nghiêm trọng

#Tiêu điểm kinh tế l 2019-07-01

© YONHAP News

Dự báo dân số các tỉnh, thành sẽ giảm trong vòng 30 năm tới


Thống kê gần đây cho thấy tình trạng “vách đá nhân khẩu”, tức là tỷ lệ sinh thấp và dân số già hóa, đang dần trở thành hiện thực tại Hàn Quốc. Theo dự báo của Cục thống kê quốc gia Hàn Quốc công bố ngày 27/6, dân số trong độ tuổi lao động của Hàn Quốc được cho là sẽ giảm đi gần 12 triệu người trong khoảng từ năm 2017 đến năm 2047. Cùng thời điểm, số người từ 65 tuổi trở lên ở 8 tỉnh, thành phố lớn sẽ chiếm hơn 40% dân số tại địa phương. Ông Lee Sam-sik, Giám đốc Viện nghiên cứu lão hóa xã hội thuộc trường Đại học Hanyang, đánh giá về tình trạng tỷ lệ sinh thấp và dân số già hóa nhanh tại Hàn Quốc. 


Dân số tại Busan, thành phố lớn thứ hai Hàn Quốc đã bắt đầu giảm từ năm 1996. Thủ đô Seoul cũng bắt đầu chứng kiến dân số giảm từ năm 2010, còn thành phố Daegu là từ năm 2012 và thành phố Daejeon là từ năm 2015. Theo Cục thống kê quốc gia Hàn Quốc, dân số ở tỉnh Nam và Bắc Jeolla, thành phố Ulsan, tỉnh Bắc Gyeongsang đã bắt đầu giảm từ năm 2017, trong khi tỉnh Nam Gyeongsang bắt đầu giảm từ năm nay. Nói cách khác, tình trạng dân số giảm xảy ra ở các thành phố lớn đang lan sang các địa phương khác. Chỉ có Sejong, thành phố hành chính mới thành lập với nhiều trụ sở các cơ quan của Chính phủ sẽ chứng kiến sự sụt giảm dân số muộn nhất. Theo đó, trong vòng 14 năm tới tính từ năm nay, số người chết sẽ cao hơn số trẻ sơ sinh chào đời ở tất cả các tỉnh, thành phố, ngoại trừ Sejong.


Yếu tố phức tạp của tình trạng suy giảm dân số. Cuộc sống của dân số trong độ tuổi lao động và gánh nặng tuổi già


Ngày nay, giới trẻ đang ngày càng khó cởi bỏ nút thắt trong vấn đề hôn sự và sinh con. Trước khi kết hôn, họ cần tìm được một công việc ổn định, đảm bảo thu nhập ổn định, và chỗ ở lâu dài. Nhưng không may là thị trường việc làm vẫn trì trệ. Cho dù tìm được việc, nhiều người cũng chỉ làm các công việc thời vụ, và thậm chí dù có một công việc lâu dài thì nhiều người cũng không thể mua nổi nhà, hay thuê nhà dài hạn, do giá nhà ở tăng vọt. Do đó, rất nhiều bạn trẻ trì hoãn việc kết hôn, thậm chí là từ bỏ ý định đó, dẫn tới tình trạng tỷ lệ sinh thấp. Bên cạnh đó, nhiều cặp vợ chồng không muốn có con do chi phí giáo dục cao, và nhiều bà mẹ cũng phải vật lộn trong việc tìm kiếm trung tâm chăm sóc trẻ đáng tin cậy. Với các lý do như vậy, nhiều cặp vợ chồng chỉ muốn sinh một con. Dân số trong độ tuổi lao động giảm đã và đang tạo ra gánh nặng đáng kể cho nền kinh tế, xã hội. Ông Lee Sam-sik nêu rõ.


Chính phủ đảm bảo các nguồn ngân sách an sinh xã hội thiết yếu từ dân số trong độ tuổi lao động, những người phải đóng thuế, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế. Tỷ lệ già hóa tăng và dân số giảm chắc chắn sẽ tạo gánh nặng lớn cho dân số trong độ tuổi lao động. Phúc lợi cho người già cũng có thể bị giảm. Điều này có nghĩa là cả người già và người trẻ đều phải đối mặt với cuộc sống ngày càng xấu đi.


Tác động kinh tế tiêu cực của tình trạng dân số già hóa


Dân số Hàn Quốc trong độ tuổi lao động (từ 15 đến 64 tuổi), bắt đầu giảm kể từ năm 2017. Tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động hiện đang là 73%, dự kiến sẽ giảm xuống 45% hoặc chưa tới 50% vào năm 2067. Trong khi đó, số người từ 65 tuổi trở lên được dự báo sẽ vượt qua 10 triệu người vào năm 2025, và sẽ chiếm tới 46,5% dân số vào năm 2067. Dân số trong độ tuổi lao động giảm đồng nghĩa với việc người lao động phải gánh vác trách nhiệm xã hội lớn hơn đối với người già và trẻ em, tức đối tượng phụ thuộc. Năm 2017, cứ 100 người trong độ tuổi lao động hỗ trợ trung bình cho 36,7 người phụ thuộc. Nhưng con số này sẽ lên tới 120,2 người vào năm 2067. Hàn Quốc đang tiến gần hơn đến “vách đá nhân khẩu”, cùng nỗi lo xáo trộn nền kinh tế quốc gia. Giám đốc Lee Sam-sik phân tích.


Hiện nay, những người trẻ tuổi đang trải qua giai đoạn khó khăn để tìm được một công việc tốt. Tuy nhiên, trong 10 đến 15 năm tới, số việc làm dự kiến sẽ nhiều hơn số người tìm việc, do số người trong độ tuổi lao động giảm, gây ra sự xáo trộn lớn trên thị trường lao động. Dân số cao tuổi có xu hướng tiêu dùng ít hơn do thu nhập giảm đi. Việc giảm số người trong độ tuổi lao động, những người sẵn sàng móc hầu bao chi tiêu, sẽ dẫn tới sự sụt giảm trong tiêu dùng nói chung. Điều này sẽ dẫn đến các doanh nghiệp co hẹp sản xuất, cắt giảm dịch vụ, khiến nền kinh tế mất đi động lực tăng trưởng.


Tạo điều kiện cho người trẻ kết hôn, sinh đẻ


Nếu tình trạng này tiếp diễn, Hàn Quốc sẽ đối mặt với cái vòng luẩn quẩn: tỷ lệ sinh thấp, dân số giảm, nhu cầu tiêu dùng trong nước trì trệ, kinh tế bị thu hẹp và tỷ lệ sinh giảm. Trong kịch bản tồi tệ này, tiêu dùng và đầu tư sẽ giảm, dẫn đến số việc làm ít hơn, năng suất lao động thấp hơn. Các doanh nghiệp sẽ lựa chọn di chuyển các cơ sở sản xuất ra nước ngoài, đẩy nhanh quá trình suy thoái công nghiệp. Người dân phải đóng thuế cao hơn để bù đắp chi phí phúc lợi, trong khi lĩnh vực giáo dục và bất động sản sẽ phải chuyển dịch cư cấu, hệ quả của vấn đề “vách đá nhân khẩu”. Nhìn chung, nền kinh tế Hàn Quốc được dự báo sẽ mất đi động lực tăng trưởng. Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ được khuyến khích đưa ra một kế hoạch khả thi, trực tiếp đánh vào thế hệ trẻ. Giám đốc Lee Sam-sik khuyến cáo. 


Đây thực sự là một vấn đề khó khăn. Hiện nay, các doanh nghiệp không muốn tuyển những người trẻ tuổi, đặc biệt là sau khi Chính phủ công bố chính sách tuần làm việc tối đa 52 giờ và tăng mạnh lương tối thiểu. Cần phải giải quyết vấn đề thất nghiệp của thanh niên và việc làm tạm thời sao cho phù hợp với quan niệm của thế hệ trẻ. Nếu thị trường lao động thích ứng với nhiều yếu tố khác nhau như đảm bảo việc làm, việc làm tạm thời cho người trẻ theo cách phù hợp, sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực để tăng lỷ lệ sinh, như trường hợp của Thụy Điển và Nhật Bản.


Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch công bố kế hoạch chi tiết để giải quyết vấn đề tỷ lệ sinh thấp và dân số già hóa nhanh chóng. Dư luận hy vọng kế hoạch này sẽ bao gồm các biện pháp thực tế, toàn diện, hạn chế các bất ổn kinh tế lâu dài, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thế hệ trẻ.

Lựa chọn của ban biên tập