Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Nhật Bản “trả đũa kinh tế” với Hàn Quốc

#Tiêu điểm kinh tế l 2019-07-08

© YONHAP News

Nhật Bản “nổ phát súng đầu tiên” trả đũa Hàn Quốc. Tác động của việc siết chặt quy chế xuất khẩu của Nhật Bản?


Nhật Bản mới đây đã áp dụng biện pháp trả đũa kinh tế chống lại Hàn Quốc. Ngày 1/7, Bộ Kinh tế thương mại và công nghiệp Nhật Bản tuyên bố xóa bỏ ưu đãi về đơn giản hóa quy trình xuất khẩu sang Hàn Quốc đối với ba mặt hàng vật liệu quan trọng dùng trong sản xuất smartphone và màn hình, là nhựa nhiệt dẻo, chất cản màu và khí ăn mòn. Theo đó, từ ngày 4/7, các doanh nghiệp nước này muốn xuất khẩu các mặt hàng trên sang Hàn Quốc cần phải xin cấp phép từ Chính phủ Nhật. Chưa dừng lại ở đó, Tokyo cũng có kế hoạch đưa Seoul ra khỏi “Danh sách trắng” gồm 27 nước được chỉ định là đồng minh an ninh quốc gia của Nhật Bản, đến cuối tháng này. Ông Eom Chi-sung, Trưởng nhóm hợp tác quốc tế của Liên đoàn công nghiệp Hàn Quốc (FKI) đánh giá các động thái kiềm chế xuất khẩu của Nhật Bản, dự kiến sẽ giáng một đòn mạnh vào các nhà sản xuất chíp bán dẫn Hàn Quốc. 


Các nhà sản xuất chíp bán dẫn Hàn Quốc phụ thuộc lớn vào Nhật Bản đối với các nguyên liệu thiết yếu. Quy trình sản xuất chíp bán dẫn phải trải qua rất nhiều công đoạn. Bất kể sự gián đoạn nguyên liệu nào do hạn chế nhập khẩu của Nhật Bản, cũng có thể khiến quá trình sản xuất bị đình chỉ hoàn toàn. Tokyo tự hào sở hữu nguồn khí ăn mòn hydro florua có độ tinh khiết 100%, dùng trong sản xuất chip bán dẫn. Một số nước khác cũng sở hữu loại nguyên liệu này, nhưng có độ tinh khiết thấp hơn. Các doanh nghiệp trong nước rất khó tìm được các đối tác thay thế bởi các vật liệu của Nhật Bản vượt trội về chất lượng so với của các nước khác. 


Nguyên nhân đằng sau các biện pháp trả đũa của Nhật Bản


Hiện nay, Nhật Bản đang chiếm 70-90% nguồn cung toàn cầu về ba loại nguyên liệu công nghệ cao này. Với việc bãi bỏ quy chế ưu đãi, các doanh nghiệp Nhật Bản phải nộp các tài liệu cần thiết cho các cơ quan chức năng để xuất khẩu nguyên liệu. Quá trình phê duyệt thường kéo dài 90 ngày, và thậm chí có thể kéo dài hơn nếu Chính phủ Nhật điều chỉnh thời gian. Kịch bản tồi tệ nhất là các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ không thể sản xuất chíp bán dẫn do lượng nguyên liệu tồn kho cạn kiệt. Tokyo dường như đang nhắm đến ngành công nghiệp chíp bán dẫn, động lực tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc. Ông Eom Chi-sung lý giải nguyên nhân đằng sau các biện pháp trả đũa hiểm độc của Nhật Bản.


Trong nhiệm kỳ của phe cầm quyền hiện nay, xung đột ngoại giao giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đang gia tăng, đặc biệt là xung quanh vấn đề bồi thường cho người Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động trong thời chiến. Tokyo tỏ ra không hài lòng về thái độ của Seoul trong vấn đề lịch sử này. Bên cạnh đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang ra sức tận dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu để lôi kéo thêm sự ủng hộ từ phe bảo thủ trước cuộc bầu cử Thượng viện diễn ra vào ngày 21/7 tới đây.


Khả năng Nhật Bản mở rộng các biện pháp trả đũa


Tokyo lý giải cần có sự kiểm soát về xuất khẩu một cách phù hợp do quan hệ tin tưởng giữa hai nước đã bị tổn hại. Tuy nhiên, Thủ tướng Abe đã thừa nhận đây là một động thái trả đũa, đề cập đến phán quyết của Tòa án tối cao Hàn Quốc yêu cầu doanh nghiệp Nhật Bản đền bù cho những người Hàn Quốc bị ép làm nô lệ tình dục và lao động bị cưỡng bức thời chiến. Nhật Bản đã đề xuất thành lập một ủy ban trọng tài để giải quyết vấn đề lao động thời chiến vào tháng 5 vừa qua. Do Seoul từ chối phương án này, Tokyo đã ngay lập tức yêu cầu sự tham gia của các thành viên của một nước thứ ba vào Ủy ban và thời hạn chót để Hàn Quốc phúc đáp yêu cầu của Nhật Bản là ngày 18/7. Nếu Seoul tiếp tục giữ im lặng, Tokyo có thể mở rộng các biện pháp hạn chế xuất khẩu. Ông Eom Chi-sung phân tích.


Nhật Bản có thể đưa ra các biện pháp trả đũa tiếp theo nếu hai nước không đạt được thỏa hiệp. Nếu tình hình bị kéo dài, Nhật Bản thậm chí có thể áp đặt thuế nhập khẩu đối với hàng tiêu dùng Hàn Quốc, như Mỹ áp đặt thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc. Tokyo cũng có thể khai thác các hàng rào phi thuế quan như kéo dài thủ tục thông quan và siết chặt việc kiểm tra đối với các sản phẩm của Seoul. Tôi cho rằng, Nhật Bản sẽ tìm cách gây ra nhiều thiệt hại đối với Hàn Quốc và giảm thiểu thiệt hại cho nước mình. Chẳng hạn, Nhật Bản có thể giới hạn số lượng visa ngắn hạn hay visa cho lao động Hàn Quốc làm việc tại đây. 


Chính phủ cần nỗ lực đàm phán với Nhật Bản


Trước động thái trả đũa của Nhật Bản, Chính phủ Hàn Quốc đã bắt đầu hành động. Ngày 4/7, Phủ Tổng thống đã nêu rõ những hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản là vi phạm luật pháp quốc tế và gọi đó là hành động trả đũa kinh tế. Chính phủ cho biết sẽ tích cực áp dụng các biện pháp ngoại giao, bao gồm cả việc khiếu nại lên Tổ chức thương mại thế giới (WTO), và giải thích cho cộng đồng quốc tế về các biện pháp không chính đáng của Nhật Bản. Tuy nhiên, nếu tranh chấp hiện nay leo thang thành một cuộc chiến thương mại toàn diện, cả doanh nghiệp Hàn Quốc và Nhật Bản đều sẽ bị thiệt hại. Trưởng nhóm Eom Chi-sung đánh giá. 


Trong một cuộc chiến thương mại, như thực tế đã chứng minh, sẽ chẳng có bên nào có lợi, và kết cục sẽ là đôi bên cùng chịu thiệt hại. Câu hỏi đặt ra chỉ là bên nào sẽ bị thiệt hại nặng hơn hoặc bên nào có thể chịu đựng lâu hơn. Đó sẽ là một cuộc chiến cực kỳ lãng phí và không đáng được chờ đợi. Hàn Quốc và Nhật Bản dường như đang lao vào một cuộc chiến về tự tôn dân tộc. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn đối với Hàn Quốc là tránh đẩy mối quan hệ song phương trở nên tồi tệ hơn. Chính phủ cần nhanh chóng bắt tay vào đàm phán với Nhật Bản và tìm ra lời giải cho vấn đề hiện nay. Người ta thường nhắc tới “luật 30%” của các doanh nghiệp Mỹ. Tức là nếu một doanh nghiệp phụ thuộc trên 30% vật liệu từ một nguồn nhất định, có nghĩa là không thể kiểm soát được rủi ro. Đối với Hàn Quốc, tỷ lệ nguồn nguyên liệu bán dẫn nội địa hiện chưa đến 50%. Do đó, các nhà sản xuất chíp bán dẫn trong nước không thể quản lý rủi ro. Họ cần nỗ lực nhiều hơn để tăng tỷ lệ linh kiện nội địa. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng không thể tự giải quyết vấn đề một mình. Chính phủ cần hợp tác với doanh nghiệp thông qua các biện pháp hỗ trợ, như ưu đãi về thuế cho các dự án nghiên cứu và phát triển.


Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch đầu tư 5.000 tỷ won (4,5 tỷ USD) trong vòng 6 năm kể từ năm tới, cho việc nghiên cứu và phát triển vật liệu cấu thành và linh kiện bán dẫn. Đương nhiên, Hàn Quốc sẽ khó có thể bắt kịp Nhật Bản về công nghệ này trong một sớm một chiều. Mặc dù vậy, ngay bây giờ, Seoul cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng để phát triển ngành công nghiệp vật liệu của riêng mình. Đặc biệt, Chính phủ cần sớm tiến hành đàm phán với Nhật Bản để hạ nhiệt xung đột thương mại song phương.

Lựa chọn của ban biên tập