Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Seoul đưa vấn đề hạn chế xuất khẩu của Tokyo ra phiên họp của Đại hội đồng WTO

#Tiêu điểm kinh tế l 2019-07-22

© YONHAP News

Đưa vấn đề siết chặt quy chế xuất khẩu của Nhật Bản ra phiên họp của Đại hội đồng WTO


Sau khi siết chặt quy định xuất khẩu vật liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất chíp bán dẫn và màn hình sang Hàn Quốc, Nhật Bản đã cảnh báo có thể sẽ tiếp tục mở rộng các hạn chế xuất khẩu. Trong nỗ lực buộc Tokyo rút các quy định xuất khẩu triệt để này, Seoul quyết định đưa vấn đề trên vào nghị sự của phiên họp Đại hội đồng Tổ chức thương mại thế giới (WTO), dự kiến diễn ra vào ngày 23 - 24/7 tại Geneva, Thụy Sĩ. Tảng băng quan hệ Hàn-Nhật vẫn chưa có dấu hiệu tan chảy, và căng thẳng thương mại giữa hai nước thậm chí đang gia tăng. 


Hàn Quốc và Nhật Bản đều là thành viên của WTO, tổ chức chịu trách nhiệm xác định trật tự thương mại toàn cầu. Vấn đề thương mại giữa hai nước sẽ được đưa ra thảo luận tại phiên họp Đại hội đồng WTO, cơ quan quyền lực cao nhất chỉ sau Hội nghị Bộ trưởng tổ chức hai năm/lần. Với sự tham gia của 164 nước thành viên, cuộc họp này có ý nghĩa lớn, là cơ hội để cộng đồng quốc tế thảo luận nghiêm túc về các hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản. Chính phủ Hàn Quốc sẽ tập trung giải thích cho các thành viên WTO hiểu rõ hơn các vấn đề liên quan đến biện pháp đơn phương của Nhật Bản và kêu gọi sự ủng hộ của họ. Ngược lại, Nhật Bản dự kiến sẽ nhắc lại tuyên bố cho rằng hạn chế xuất khẩu là dựa trên lý do an ninh. Đây là một bước đi quan trọng, mang nhiều ý nghĩa đối với Hàn Quốc, giúp các thành viên WTO có thể lắng nghe lập trưởng của đôi bên, xác định rõ đúng sai của vụ việc. Ông Kim Dae-ho, Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế toàn cầu phân tích về cuộc tranh chấp thương mại khốc liệt hiện nay giữa Seoul và Tokyo. 


Khi Hàn Quốc đưa vấn đề hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản ra cuộc họp của Hội đồng thương mại hàng hóa WTO vào ngày 9/7 vừa qua, Tokyo đã ngay lập tức bác bỏ, cho rằng Seoul đã thất bại trong việc quản lý các hàng hóa, vật tư chiến lược như khí ăn mòn, quang điện tử và các vật liệu này đã được chuyển đến Bắc Triều Tiên. Nhật Bản tuyên bố Bình Nhưỡng có thể sử dụng những vật liệu trên để phát triển vũ khí hạt nhân hay các loại vũ khí khác, đe dọa đến an ninh của Tokyo, nên cần phải thắt chặt các hạn chế xuất khẩu đối với Seoul. Tất nhiên, trong cuộc họp Đại hội đồng WTO tới đây, không chỉ Hàn Quốc, mà Nhật Bản cũng sẽ ra sức bảo vệ lập trường của mình. Vì vậy, Seoul cần chuẩn bị kỹ lưỡng và sẵn sàng phản bác ý kiến của Tokyo một cách hợp lý.


Cú sốc thực sự nếu Hàn Quốc bị loại ra khỏi “Danh sách trắng” của Nhật Bản


Được biết, Nhật Bản sẽ cử một quan chức cấp Vụ trưởng của Bộ ngoại giao đến Geneva để đối đầu với Hàn Quốc. Ngoài ra, Seoul còn lo ngại rằng Tokyo có thể loại Hàn Quốc ra khỏi “Danh sách trắng” gồm các quốc gia hữu hảo được hưởng ưu đãi thương mại. Ông Kim Dae-ho lý giải. 


Việc Tokyo loại Seoul ra khỏi “Danh sách trắng” sẽ giáng một đòn nặng nề vào các nhà sản xuất Hàn Quốc nhập khẩu nguyên vật liệu, phụ tùng từ Nhật Bản. Bắt đầu từ ngày 4/7, Tokyo đã tăng cường hạn chế xuất khẩu đối với ba vật liệu chính sử dụng trong sản xuất bán dẫn và màn hình sang Seoul. Tuy nhiên, nếu Hàn Quốc bị loại ra khỏi “Danh sách trắng” của Nhật Bản, 1.100 mặt hàng sẽ chịu sự kiểm soát xuất khẩu chặt chẽ hơn. Không khó để hình dung được hậu quả nghiêm trọng mà nền kinh tế Hàn Quốc sẽ phải gánh chịu nếu kịch bản này xảy ra. Không chỉ mảng sản xuất chíp bán dẫn, các nhà sản xuất ô tô và các doanh nghiệp nhỏ cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi biện pháp này. Tồi tệ hơn, căng thẳng thương mại song phương có thể leo thang thành một cuộc chiến tranh kinh tế toàn diện.


Thiệt hại cho cả Hàn Quốc lẫn Nhật Bản


Nếu Hàn Quốc bị loại khỏi “Danh sách trắng”, toàn bộ hàng hóa chiến lược của Nhật Bản xuất khẩu sang Hàn Quốc đều cần được Chính phủ Nhật Bản phê duyệt. Trong khi các hạn chế xuất khẩu hiện nay nhắm vào ngành công nghiệp chíp bán dẫn, thì việc loại ra khỏi “Danh sách trắng” là nhắm vào toàn bộ các ngành công nghiệp của Hàn Quốc nói chung. Seoul đã xuất khẩu tới 25.000 chiếc xe điện trong 5 tháng đầu năm, nhưng doanh nghiệp Hàn Quốc đang nhập khẩu động cơ, bộ phận chính của xe điện, từ Nhật Bản. Một số bộ phận truyền tín hiệu và ống kính camera cho xe tự lái cũng nhập khẩu từ Tokyo. So với bán dẫn, các vật liệu này có thể dễ dàng tìm kiếm nhà cung cấp thay thế hơn. Tuy nhiên, việc Nhật Bản mở rộng hạn chế xuất khẩu sẽ gây ra trở ngại lớn đối với toàn ngành công nghiệp của Hàn Quốc. Vấn đề là Hàn Quốc không phải là nạn nhân duy nhất của chính sách thắt chặt xuất khẩu của Nhật Bản. Giám đốc Kim Dae-ho phân tích. 


Với biện pháp “trả đũa kinh tế” chống lại Seoul, Nhật Bản đã từ chối bán sản phẩm cho Hàn Quốc. Các doanh nghiệp xuất khẩu Nhật Bản sẽ chịu một cú sốc lớn, và thực tế là giá cổ phiếu của các nhà sản xuất vật liệu nước này đã sụt giảm. Cho đến nay, Hàn Quốc chưa bao giờ đạt thặng dư thương mại với Nhật Bản kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1965. Điều này đồng nghĩa với việc Nhật Bản luôn có được lợi ích thương mại lớn hơn Hàn Quốc trong hơn 50 năm qua. Vậy mà hiện giờ Nhật Bản lại lập luận rằng cần phải dừng xuất khẩu sang Hàn Quốc, đồng nghĩa với việc nước này sẽ từ bỏ thặng dư thương mại một cách duy lý trí. 


Cần tái cấu trúc ngành phụ tùng linh kiện, song hành với các biện pháp ngoại giao


Thâm hụt thương mại lũy kế của Seoul với Tokyo kể từ năm 1965 đã lên tới 604 tỷ USD. Bất chấp xuất khẩu đang tăng trưởng âm trong năm nay, Nhật Bản vẫn quyết định siết chặt quy định xuất khẩu sang Hàn Quốc, đối tác thương mại lớn của nước này. Biện pháp quyết liệt trên không chỉ gây thiệt hại cho Hàn Quốc, mà cả chính các doanh nghiệp Nhật Bản. Do đó, Seoul đã hối thúc Tokyo đối thoại, đồng thời xúc tiến một cuộc chiến ngoại giao tại WTO. Ông Kim Dae-ho khuyến cáo. 


Về lâu dài, Hàn Quốc cần tái cấu trúc ngành công nghiệp. Chính phủ tỏ ra khá thụ động trong việc bồi dưỡng các ngành công nghiệp phụ tùng và vật liệu, không phải bởi vì thiếu năng lực và công nghệ, mà vì đã quá tin tưởng vào các doanh nghiệp Nhật Bản, thậm chí đã áp dụng các tiêu chuẩn của Nhật Bản với nhiều ngành công nghiệp. Mối quan hệ Hàn-Nhật vẫn có thể được cải thiện trong tương lai. Tuy nhiên, ngay từ lúc này, Hàn Quốc cần xây dựng kế hoạch dự phòng, một mặt giảm sự phụ thuộc lớn vào nguyên liệu từ Nhật Bản, mặt khác nỗ lực giải quyết vấn đề thông qua biện pháp ngoại giao.

Lựa chọn của ban biên tập