Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng trở lại trong quý II năm 2019

#Tiêu điểm kinh tế l 2019-07-29

© YONHAP News

Tăng trưởng ấn tượng do hiệu ứng cơ sở


Kinh tế Hàn Quốc đã tăng trưởng hơn 1% trong quý II. Theo báo cáo của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) công bố ngày 25/7, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý II đã tăng trưởng 1,1% so với quý trước. Tính theo năm, GDP của Hàn Quốc đã tăng 2,1%. Dư luận đã dành sự chú ý đặc biệt về tốc độ tăng này, bởi quý I chỉ đạt mức tăng trưởng âm 0,4%, dấy lên lo ngại nền kinh tế sẽ rơi vào một cuộc suy thoái nghiêm trọng. May mắn là nền kinh tế đã có dấu hiệu hồi phục, đạt tốc độ tăng trưởng quý nhanh nhất kể từ quý III năm 2017, đánh dấu sự phục hồi đáng kể sau khi rơi vào tình trạng tồi tệ nhất trong 10 năm qua. Tuy nhiên, con số 1,1% không thực sự đẹp đẽ như vẻ ngoài của nó. Trong mục Tiêu điểm kinh tế tuần này, Chuyên gia kinh tế Chung Chul-jin thảo luận về nội dung này.


Đầu tư xây dựng và đầu tư thiết bị đều tăng trong quý II. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý rằng nền kinh tế Hàn Quốc đã tăng trưởng âm 0,4% trong quý I, do đó bất kỳ một sự phục hồi nào, dù là nhỏ, cũng mang lại một con số đáng kể. Hiện tượng này còn được gọi là “hiệu ứng cơ sở”, tức hiện tượng các chỉ số có thể bị sai lệch đi so với giá trị thực tế tùy theo thời điểm được lấy làm căn cứ để tính các chỉ số đó. Bên cạnh đó, tiêu dùng và xuất khẩu cũng “được mùa” trong quý II. Đặc biệt, tiêu dùng đã chứng kiến dấu hiệu hồi phục toàn diện bởi sự dẫn dắt của khối Nhà nước. Trong khi đó, đầu tư nói chung vẫn còn khá yếu. 


Yếu tố tiêu cực bên ngoài từ xung đột thương mại với Nhật Bản và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung


Đáng chú ý, xuất khẩu đã tăng trưởng 2,3% với doanh số ngành ô tô và chíp bán dẫn đều ổn định trở lại. Tuy nhiên, mức độ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của khối tư nhân đã giảm 0,2%, trong khi mức độ đóng góp của khối Nhà nước lại tăng 1,3%. Nói cách khác, các biện pháp kích thích của Chính phủ là tác nhân chính mang lại sự tăng trưởng GDP. Cụ thể, chi tiêu Chính phủ đã tăng 2,5% trong quý II nhờ sự mở rộng chi tiêu về chăm sóc sức khỏe. Do “hiệu ứng cơ sở” và chi tiêu Chính phủ quá lớn, nhiều chuyên gia cho rằng thật khó để khẳng định tăng trưởng của quý II là dấu hiệu phục hồi kinh tế. Vẫn còn nhiều thách thức để Hàn Quốc đạt được mức tăng trưởng 2,2% như dự báo của BOK. Ông Chung Chul-jin lý giải. 


Ngoài các biện pháp can thiệp của Chính phủ, chúng ta chưa thấy bất kỳ yếu tố lạc quan nào có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nửa cuối năm nay. Cho đến hồi đầu năm, nhiều người vẫn tin tưởng rằng ngành công nghiệp bán dẫn đã chạm đáy trong quý II, và sẽ phục hồi trong các quý tiếp theo để thúc đẩy xuất khẩu, động lực tăng trưởng chính của Hàn Quốc. Thật không may là Seoul đang vướng vào tranh chấp thương mại với Tokyo, trong khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Hiện tại, vẫn chưa thể xác định Nhật Bản sẽ kéo dài các biện pháp hạn chế xuất khẩu với Hàn Quốc trong bao lâu, hay sẽ mở rộng các biện pháp này như thế nào. Nếu Tokyo tiếp tục giữ lập trường cứng rắn cho đến cuối năm nay, sẽ rất khó để Seoul có thể có được mục tiêu tăng trưởng trong nửa cuối năm.


Hiệu quả mong đợi từ các đối sách của Chính phủ?


Ngày 18/7, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc đã cắt giảm lãi suất cơ bản, đồng thời hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế năm nay từ 2,5% xuống còn 2,2%. Để đạt được mục tiêu này, trong quý III và quý IV, Hàn Quốc cần đạt được mức tăng trưởng 0,8%, 0,9%. Tuy nhiên, xuất khẩu của Hàn Quốc đã giảm 7 tháng liên tiếp kể từ tháng 12 năm ngoái do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Tồi tệ hơn, Nhật Bản đã tung ra các biện pháp hạn chế xuất khẩu nhằm vào Hàn Quốc, giáng đòn mạnh vào triển vọng tăng trưởng kinh tế của Seoul. Thống đốc BOK Lee Joo-yeol cảnh báo triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2019 có thể sẽ tiếp tục giảm nếu tranh chấp thương mại với Nhật Bản leo thang. Để đối phó với nguy cơ suy thoái kinh tế, Chính phủ đang đẩy mạnh việc thực hiện ngân sách bổ sung. Chuyên gia Chung Chul-jin phân tích. 


Không thể chắc chắn rằng ngân sách bổ sung sẽ thúc đẩy tăng trưởng, nhưng đây là một trong một số các phương án Chính phủ có thể thực hiện để kích thích nền kinh tế. Thông thường, các Chính phủ thường thúc đẩy thị trường chứng khoán hoặc thị trường bất động sản để kích thích nền kinh tế, bởi chứng khoán tăng điểm hay bất động sản tăng giá sẽ khiến mọi người sẵn sàng bỏ tiền, giúp nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, Chính phủ đương nhiệm cho biết sẽ không thực hiện phương án này. Do đó, các phương án khả thi hiện nay là chính sách tiền tệ của BOK, cụ thể là hạ lãi suất cơ bản, hoặc chính sách tài khóa chủ động của Chính phủ. 


Các đối sách cần thiết cho nửa cuối năm nay


4 yếu tố đóng góp vào GDP bao gồm tiêu dùng, đầu tư, chi tiêu Chính phủ và xuất khẩu ròng. Năm ngoái, chi tiêu Chính phủ đóng góp 0,9% trong 2,7% tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm nay, Chính phủ đã giải ngân tới 65% ngân sách cả năm, đạt 470.000 tỷ won (397 tỷ USD). Do đó, khó có thể trông chờ vào tác động hữu hình từ mở rộng chi tiêu Chính phủ trong nửa cuối năm, tính cả phương án bổ sung ngân sách. Rốt cuộc, yếu tố quan trọng cho 6 tháng cuối năm là sự phục hồi của khối tư nhân. Chuyên gia Chung Chul-jin đánh giá. 


Chính phủ đã tập trung vào chi tiêu ngân sách để kích thích nền kinh tế. Tuy nhiên, đầu tư ở khối tư nhân chính là yếu tố cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế. Về mặt này, Chính phủ đang xem xét nới lỏng các quy định khác nhau, theo yêu cầu của các doanh nghiệp, đồng thời tìm kiếm các biện pháp nhằm tăng đầu tư doanh nghiệp. Giờ đây, điều quan trọng là phải đối phó hiệu quả các yếu tố bất lợi bên ngoài như việc kiềm chế xuất khẩu của Nhật Bản và tranh chấp thương mại Mỹ-Trung. Về dài hạn, Hàn Quốc nên đảm bảo các động lực tăng trưởng mới. Hiện tại, Tokyo không có khả năng rút lại các trừng phạt xuất khẩu với Seoul, và chúng ta cũng nhận ra rằng nền kinh tế Hàn Quốc đang phụ thuộc quá lớn vào ngành công nghiệp bán dẫn và vào Nhật Bản, đồng thời chưa có nhiều nỗ lực phát triển các ngành công nghiệp đầy triển vọng khác. Bởi vậy, ngay từ bây giờ, Hàn Quốc cần khám phá các động lực tăng trưởng trong tương lai. 

Lựa chọn của ban biên tập