Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Thương chiến Mỹ-Trung leo thang thành cuộc chiến tiền tệ

#Tiêu điểm kinh tế l 2019-08-12

© YONHAP News

Bối cảnh Mỹ-Trung tung đòn “ăn miếng trả miếng”


Sau khi Bộ Tài chính Mỹ chỉ định Trung Quốc là quốc gia thao túng tỷ giá hối đoái vào ngày 5/8, mâu thuẫn thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang leo thang thành một cuộc chiến tiền tệ, phủ bóng đen lên nền kinh tế toàn cầu. Trong mục Tiêu điểm kinh tế tuần này, ông Cho Yong-chan, Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế Mỹ-Trung thảo luận về căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh.


Cuộc chiến tranh giành ngôi vị bá chủ giữa Washington và Bắc Kinh được mở màn dưới hình thức một cuộc chiến thương mại vào tháng 7 năm ngoái, khi Mỹ áp đặt thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc. Tiếp đó, thương chiến đã phát triển thành một cuộc chiến công nghệ cao khi Mỹ giáng đòn trừng phạt đối với gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc là Huawei. Giờ đây, đối đầu thương mại đã lan sang mặt trận tiền tệ, với việc Washington quy kết Bắc Kinh thao túng tiền tệ bằng cách hạ giá trị đồng Nhân dân tệ xuống quá thấp so với đồng đô-la Mỹ. Washington đã yêu cầu Bắc Kinh tăng giá trị đồng Nhân dân tệ từ 20% đến 40%. Nếu áp dụng mức tăng như trên, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ sẽ giảm thêm 10%. Tổng thống Donald Trump muốn nhanh chóng kết thúc các cuộc đàm phán thương mại với Bắc Kinh trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm tới. 


Hệ lụy trên thị trường toàn cầu từ cuộc chiến tiền tệ. Khả năng chính quyền Mỹ đối đầu với nhiều nước?


Ngày 5/8, Bắc Kinh đã đáp trả tuyên bố tăng thuế của Tổng thống Trump bằng thông báo ngừng mua nông sản từ Mỹ. Tuy nhiên, ngay trong cùng ngày, Trung Quốc đã bị cáo buộc hạ giá đồng nội tệ quá mức là 7 Nhân dân tệ đổi một USD. Hậu quả là Mỹ đã ngay lập tức chỉ định Trung Quốc là một nước thao túng tiền tệ lần đầu tiên sau 25 năm. Xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang làm xáo trộn nền kinh tế toàn cầu. 

Ngay trong ngày 5/8, chỉ số công nghiệp Dow Jones của Mỹ đã giảm 767 điểm, tức 2,9%, mức giảm mạnh nhất trong năm. Tại Hàn Quốc, chỉ số sàn chứng khoán KOSPI và KOSDAQ cũng đều sụt giảm vào cùng ngày, buộc sàn giao dịch KOSDAQ phải kích hoạt cơ chế “Sidecar”, tức tạm dừng tất cả giao dịch, trong vòng 5 phút. Đây là lần đầu tiên, cơ chế này được kích hoạt trong ba năm qua, nhằm ngăn cú sốc lớn xảy ra do giá cổ phiếu lên xuống đột ngột. Thị trường chứng khoán và thị trường ngoại hối châu Á biến động mạnh mẽ, và dòng vốn đầu tư nước ngoài có dấu hiệu chảy khỏi thị trường Trung Quốc. Mặc dù đã tăng cường các quy định liên quan để ngăn chặn kịch bản này, nhưng Bắc Kinh cũng gặp áp lực, buộc phải hạ giá đồng nội tệ xuống mức 7,5 Nhân dân tệ đổi một USD nhằm tránh cho nền kinh tế tiếp tục suy giảm. Trong trường hợp xấu nhất, đồng Nhân dân tệ Trung Quốc có thể giảm xuống mức 7,9 Nhân dân tệ đổi một USD để bù đắp thiệt hại từ mức thuế quan mà Mỹ áp đặt đối với hàng hóa Trung Quốc. Trên thực tế, đồng Nhân dân tệ giảm giá mạnh có thể giúp các nhà xuất khẩu của Trung Quốc tăng giá trên thị trường toàn cầu, giảm thiệt hại từ các biện pháp thuế quan của Mỹ. Tuy nhiên, nếu đồng tiền này tiếp tục mất giá, vốn đầu tư nước ngoài có thể chảy khỏi Bắc Kinh. Do đó, các cơ quan tài chính Trung Quốc có khả năng phải điều chỉnh chính sách tiền tệ vào một thời điểm thích hợp. Thế nhưng, động thái của Bắc Kinh có thể khiến Washington tăng cường áp lực với nước này. Bởi vậy, cuộc chiến tiền tệ có nguy cơ lan rộng trên toàn thế giới. Ông Cho Yong-chan lý giải. 


Chính quyền Mỹ coi giá trị đồng tiền của các đối tác thương mại yếu đi là cuộc biểu tình phản đối chính sách bảo hộ thương mại cùng tôn chỉ “nước Mỹ trên hết” của Washington, hơn là kết quả từ sự khác biệt về nền tảng kinh tế hay chính sách tiền tệ. Theo một số nhận định, Bộ Tài chính Mỹ nghi ngờ các quốc gia thao túng tiền tệ đang cố gắng tăng cường khả năng cạnh tranh xuất khẩu bằng cách cố tình phá giá tiền tệ. Trong nỗ lực tái tranh cử vào năm tới, Tổng thống Trump có thể sử dụng vấn đề thao tùng tiền tệ để gây áp lực mạnh với các nước có thặng dư thương mại lớn với Mỹ như Trung Quốc, Đức, Nhật Bản và Ý, như một lá bài có thể giải quyết được mọi vấn đề. 


Nền kinh tế Hàn Quốc trong cuộc chiến tiền tệ Mỹ-Trung


Theo báo cáo tiền tệ vào tháng 5, Bộ Tài chính Mỹ đã tăng số lượng quốc gia bị Mỹ giám sát thao túng tiền tệ từ 12 lên thành 21 nước với giá trị giao dịch thương mại song phương trên 40 tỷ USD. Từng bị gắn mác là một nước thao túng tiền tệ trong quá khứ, Seoul nên chuẩn bị cho kịch bản bị chỉ định, mặc dù khả năng này là khá thấp. Đồng won Hàn Quốc mất giá so với đồng USD do thương chiến Mỹ-Trung có thể có lợi cho các nhà xuất khẩu của Seoul. Tuy nhiên, biến động trên các sàn giao dịch nước ngoài gia tăng có nguy cơ gây ra sự hoảng loạn trên thị trường tài chính, ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại và tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc. Giám đốc Cho Yong-chan phân tích. 


Ngay sau khi Washington chỉ định Bắc Kinh thao túng tiền tệ, đồng won Hàn Quốc đã giảm xuống mức giá thấp nhất là 1.215 won/USD. Đây có thể là cơ hội cho nhà xuất khẩu trong nước để tăng doanh số bán hàng ở nước ngoài, nhưng hiệu quả là không lớn, bởi vì thị trường toàn cầu đang bị thu hẹp do suy thoái. Hiện nay, gần 80% hàng xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc là hàng hóa trung gian. Nếu các doanh nghiệp nước ngoài vội vã rút khỏi thị trường Bắc Kinh, xuất khẩu của Seoul sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Nếu đồng won tiếp tục mất giá, vốn đầu tư nước ngoài cũng có thể chảy khỏi thị trường Hàn Quốc, trong khi hàng hóa nhập khẩu tăng giá sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế.


Đối sách ngăn chặn “bão tố”


Tạp chí phố Wall cho biết Hàn Quốc sẽ là nạn nhân đầu tiên trong cuộc thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc. Nguyên nhân là đồng won vừa phải biến động theo giá đồng Nhân dân tệ bởi quan hệ thương mại rộng rãi giữa Seoul và Bắc Kinh, trong khi các doanh nghiệp Hàn Quốc đang chịu khoản nợ USD khổng lồ. Trong bối cảnh này, Hàn Quốc nên đối phó như thế nào với những bất ổn kinh tế gia tăng? Ông Cho Yong-chan nhận định. 


Hàn Quốc giống như một chiếc thuyền đánh cá nhỏ rơi vào mắt bão. Trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đối đầu trong cuộc “Chiến tranh lạnh mới”, có rất ít lựa chọn cho Seoul. Do không thể trông chờ vào hợp tác kinh tế với Nhật Bản, Hàn Quốc cần nhanh chóng đưa ra các đối sách nhằm giúp các doanh nghiệp trong nước giảm thiểu thiệt hại từ cuộc chiến thương mại và tiền tệ Mỹ-Trung. Chính phủ, giới doanh nghiệp và giới hàn lâm nên hợp lực để tìm cách duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả Washington và Bắc Kinh, trong khi các doanh nghiệp cần nhanh chóng đưa ra các đối sách để chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất. 

Lựa chọn của ban biên tập