Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Xu thế giảm tăng trưởng tiềm năng của kinh tế Hàn Quốc

#Tiêu điểm kinh tế l 2019-08-19

© YONHAP News

Nguy cơ tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc rơi xuống ngưỡng 1%


Trong một báo cáo gần đây, Viện nghiên cứu kinh tế Hyundai cho biết tăng trưởng tiềm năng của nền kinh tế Hàn Quốc có thể giảm từ ngưỡng 2% như hiện nay, xuống ngưỡng 1%, khi nền kinh tế bị sa lầy trong bẫy tăng trưởng thấp và lạm phát thấp. Trong mục Tiêu điểm kinh tế tuần này, nhà nghiên cứu Hong Joon-pyo từ Viện nghiên cứu kinh tế Hyundai, thảo luận về xu thế giảm tỷ lệ tăng trưởng tiềm năng của kinh tế Hàn Quốc. 


Tỷ lệ tăng trưởng tiềm năng phản ánh mức tăng trưởng tối đa của một nền kinh tế khi huy động tất cả nguồn lực như lao động, vốn và công nghệ, nhưng không tính đến tác dụng phụ như lạm phát. Tỷ lệ tăng trưởng tiềm năng của kinh tế Hàn Quốc từng đạt ngưỡng 7% trong giai đoạn năm 1991-1995, và giảm xuống mức 5% giai đoạn 1996-2000 do tác động của khủng hoảng tiền tệ châu Á. Tỷ lệ này giảm xuống mốc 4% trong những năm 2000 và thậm chí tụt xuống còn 3,2% trong giai đoạn 2011-2015 vì ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong giai đoạn 2016-2020, triển vọng tăng trưởng kinh tế tiếp tục giảm xuống còn 2,5%. Viện nghiên cứu của Hyundai ước tính con số này sẽ giảm xuống còn 2,1% từ năm 2021 đến 2025 và dưới 2% từ năm 2026.


Nguồn lao động giảm do vấn đề tỷ lệ sinh thấp và già hóa dân số


Trong quá khứ, nguyên nhân chủ yếu đằng sau sự phát triển chậm lại của nền kinh tế Hàn Quốc là cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nhưng hiện nay, tình trạng tỷ lệ sinh thấp và già hóa dân số đang góp phần làm giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế quốc gia. 

Theo Cục thống kê quốc gia, Hàn Quốc đã bước vào thời kỳ dân số già hóa từ năm 2000, và đến năm 2018 đã trở thành một nước có dân số già, tức là quá trình chuyển dịch chỉ kéo dài 18 năm, ngắn hơn so với con số 24 năm của Nhật Bản. Dân số trong độ tuổi lao động của Hàn Quốc (15 đến 64 tuổi), dự kiến sẽ bắt đầu giảm trong năm nay, sau khi đạt đỉnh 37,6 triệu người vào năm ngoái. Cụ thể, dân số Hàn Quốc trong độ tuổi lao động năm 2019 sẽ giảm 55.000 người, và giảm 230.000 người vào năm 2020. Khi thế hệ bùng nổ dân số thời kỳ hậu chiến tranh bắt đầu bước sang tuổi nghỉ hưu (65 tuổi) vào năm tới, dân số trong độ tuổi lao động ước tính sẽ giảm trung bình 330.000 người/năm từ năm 2020 đến năm 2029 và 520.000 người/năm trong khoảng từ năm 2030 đến 2039. Một vấn đề khác là tình trạng đầu tư trì trệ. Ông Hong Joon-pyo lý giải. 


Khi quy mô nền kinh tế mở rộng, khả năng đầu tư vào cơ sở hạ tầng và vốn là xu thế suy giảm tự nhiên. Tuy nhiên, sau cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Hàn Quốc đã chứng kiến tốc độ suy thoái thậm chí còn nhanh hơn của các nền kinh tế phát triển. Tốc độ tăng trưởng đầu tư cơ sở hạ tầng đã giảm từ 1% đến 5% trong những năm 2010, từ con số 10% của những năm 1980. Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nhập khẩu trên toàn thế giới giảm, đã ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của Hàn Quốc, nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu, khiến quy mô nền kinh tế bị thu hẹp. Hệ quả là các doanh nghiệp không mấy hào hứng vào đầu tư cơ sở hạ tầng.


Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển là tối quan trọng


Các doanh nghiệp Hàn Quốc đang trì hoãn hoặc thậm chí từ bỏ đầu tư cơ sở hạ tầng do các yếu tố tiêu cực bên ngoài như mâu thuẫn thương mại với Nhật Bản và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Tiêu cực hơn, Hàn Quốc đang thiếu động lực tăng trưởng mới, điều kiện cho đầu tư của các doanh nghiệp. Ngành công nghiệp hóa chất đã đóng góp rất lớn vào tổng sản phẩm quốc nội của đất nước trong thập niên 1970 và 1980, và tới những năm 2000 vẫn tiếp tục đóng góp tới 4% tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) như nhiều thập niên trước. Trong khi đó, Seoul vẫn phụ thuộc lớn vào xuất khẩu ô tô và chíp bán dẫn trong 20 năm qua. Ngành công nghiệp sản xuất, vốn dẫn đầu tăng trưởng kinh tế trong quá khứ, tiếp tục có vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, Seoul đã thất bại trong việc cải thiện hiệu quả nghiên cứu và phát triển (R&D), cơ sở quan trọng để tạo ra các động cơ tăng trưởng mới. Ông Hong Joon-pyo phân tích. 


Hàn Quốc đứng đầu thế giới về đầu tư vào nghiên cứu và phát triển so với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Tuy nhiên, số lượng bằng sáng chế tính trên 10.000 nhà nghiên cứu của Seoul vào năm 2016 vẫn chỉ là 72, thấp hơn con số 105, mức trung bình của các nước trong Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Nguyên nhân đầu tư vào nghiên cứu và phát triển không hiệu quả cũng được quy cho thực tế là các nhà nghiên cứu nói chung không thích làm việc tại Hàn Quốc. Các nhà nghiên cứu trong nước than phiền về các điều kiện hỗ trợ, đãi ngộ không đầy đủ. Ngoài ra, Seoul cũng gặp khó trong việc thu hút các nhà nghiên cứu có trình độ cao từ nước ngoài.


Đối sách đòi hỏi tăng cường kỹ thuật và các biện pháp hiệu quả


Trong tình hình hiện nay, Seoul chỉ có thể trông chờ vào phát triển công nghệ. Tổng đầu tư nghiên cứu và phát triển của Hàn Quốc đạt 70 tỷ USD, chiếm 4,6% GDP, tức là gần gấp đôi mức trung bình của OECD là 2,4%. Tuy nhiên, Hàn Quốc cũng gặp khó khăn trong việc cải thiện hiệu quả nghiên cứu, bởi các nghiên cứu chỉ tập trung vào công nghệ sẵn có như các lĩnh vực khó thương mại hóa, các dự án ngắn hạn hay các nghiên cứu có thể thấy trước kết quả. Theo ông Hong Joon-pyo, cải cách chính là chìa khóa để nâng cao triển vọng tăng trưởng kinh tế quốc gia. Nhà nghiên cứu Hong Joon-pyo đánh giá. 


Nguồn lao động suy giảm là một xu thế khó tránh khỏi, nên Hàn Quốc cần nỗ lực hết sức để tăng cường công nghệ. Đầu tư cho nghiên cứu và phát triển phải thiết thực để tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn mục đích học thuật đơn thuần. Seoul cần phải cải thiện môi trường nghiên cứu, cơ sở vật chất một cách nhất quán để có thể ngăn ngừa “chảy máu chất xám”, cũng như thu hút các chuyên gia quốc tế đến làm việc. Cần khuyến khích các nhà nghiên cứu tiếp nhận những vấn đề mới để đưa ra giải pháp, dù khả năng thành công có thể thấp, đồng thời xây dựng một hệ thống cho phép họ được thử nghiệm và thất bại. 

Lựa chọn của ban biên tập