Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Triển vọng FED hạ lãi suất cơ bản

#Tiêu điểm kinh tế l 2019-09-16

© YONHAP News

Cuộc họp Ủy ban thị trường mở liên bang


Sự chú ý trên toàn cầu đang đổ dồn vào việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ đưa ra quyết định như thế nào về lãi suất cơ bản trong tuần này, trong bối cảnh lo ngại về suy thoái kinh tế ngày càng gia tăng và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vẫn đang tiếp diễn. Trong mục Tiêu điểm kinh tế tuần này, ông Kim Dae-ho, Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế toàn cầu thảo luận về khả năng điều chỉnh lãi suất cơ bản của FED.   


Cục dự trữ liên bang Mỹ sẽ mở cuộc họp Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC) thường kỳ vào ngày 17/9 và 18/9 tới. Như chúng ta đã biết, Ủy ban này sẽ đưa ra quyết định về tỷ lệ lãi suất cơ bản. Vào ngày 31/7 vừa qua, FED đã hạ 0,25% lãi suất cơ bản, thấp hơn so với con số kỳ vọng của thị trường là 0,5%. Do đó, thị trường đang chờ đợi vào khả năng FED sẽ hạ lãi suất cơ bản trong tháng này, một sự điều chỉnh không chỉ ảnh hưởng lớn đến kinh tế Mỹ, mà cả nền kinh tế toàn cầu. 


FED có khả năng hạ 0,25% lãi suất trong tháng 9


Đợt giảm lãi suất cuối tháng 7 là lần giảm lãi suất lần đầu tiên của Mỹ trong hơn một thập kỷ, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, báo hiệu sự kết thúc của chính sách thắt chặt tiền tệ kéo dài từ năm 2015. Cũng trong tháng 7, FED đã ám chỉ về khả năng hạ lãi suất bổ sung, nhưng vẫn khẳng định rằng đó không phải là khởi đầu của một chuỗi cắt giảm lãi suất. Đầu tháng này, Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ Jerome Powell đã bác bỏ khả năng nước này rơi vào một cuộc suy thoái. Tuy nhiên, ông Powell cũng tái khẳng định phương châm của FED là sẽ có hành động phù hợp để giữ đà tăng trưởng, để ngỏ khả năng sẽ hạ lãi suất một lần nữa. Ông Kim Dae-ho giải thích.


Tại Sở giao dịch hàng hóa Chicago (CME), những hợp đồng tương lai được giao dịch dựa trên dự báo điều chỉnh lãi suất. Theo một phân tích về giao dịch tương lai, 90% các nhà đầu tư kỳ vọng tỷ lệ lãi suất sẽ bị cắt giảm 0,25%, với lý do là tình hình kinh tế Mỹ đang xấu hơn mong đợi và một số chỉ số gần đây cho thấy lĩnh vực sản xuất của nước này đã lần đầu tiên bị thu hẹp sau ba năm. Các nhà đầu tư cũng trích dẫn thực tế là giá tiêu dùng tại Mỹ vẫn nằm dưới mục tiêu lạm phát của FED. Ít nhất, theo đánh giá từ các chỉ số kinh tế vĩ mô, dư luận đang chờ đợi một lần cắt giảm lãi suất. 


Xu hướng cắt giảm lãi suất trên toàn cầu nối gót Mỹ


Do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu suy thoái, nhưng khó có thể kết luận sự suy thoái ngay tại thời điểm này. Do đó, FED có thể chọn hình thức cắt giảm lãi suất từng bước một, thay vì cắt giảm mạnh tay, đơn giản là thể hiện định hướng chính sách của cơ quan này với nền kinh tế toàn cầu. Giám đốc Kim Dae-ho lý giải. 


Quyết định lãi suất của FED sẽ ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của nhiều quốc gia khác. Khi lãi suất cơ bản tại Mỹ được hạ, đồng đô-la Mỹ sẽ giảm giá. Xu thế đồng đô-la Mỹ yếu sẽ khiến các đơn vị tiền tệ lớn khác như đồng yên (Nhật Bản) và đồng euro (EU) mạnh lên. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang chững lại, việc cắt giảm lãi suất của Mỹ sẽ kéo theo động thái tương tự tại nhiều quốc gia khác.


Tăng trưởng thấp tạo điều kiện cắt giảm lãi suất trên toàn cầu. Cắt giảm lãi suất của Mỹ có thể khiến nền kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng


Một số nước như New Zealand, Ấn Độ và Thái Lan cũng đã cắt giảm lãi suất cơ bản. Quy mô giao dịch thương mại toàn cầu đã thu hẹp đáng kể do xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và các yếu tố kinh tế bất lợi khác như sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc, tình trạng trì trệ kéo dài tại châu Âu. Tồi tệ hơn, tốc độ tăng trưởng kinh tế đang suy giảm trên phạm vi toàn cầu. Nhiều người có chung quan điểm rằng cần phải cắt giảm lãi suất để vực dậy nền kinh tế thế giới đang bị mất động cơ tăng trưởng. Sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2008, ngân hàng trung ương của các nền kinh tế lớn đã áp dụng chính sách lãi suất cực thấp trong một thời gian dài nhằm phục hồi nền kinh tế. Tuy nhiên, Cục dự trữ liên bang Mỹ đã tăng lãi suất cơ bản 4 lần trong năm ngoái, khiến các nước lớn và các nền kinh tế mới nổi cũng lao theo chính sách thắt chặt tiền tệ. Thế nhưng, khi nền kinh tế xấu đi, FED lại chuyển sang cắt giảm lãi suất. Vào tháng 7 vừa qua, ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) cũng đưa ra quyết định bất ngờ là hạ lãi suất. Trong bối cảnh đó, việc Washington có khả năng cắt giảm lãi suất bổ sung, có thể khiến Seoul hạ lãi suất một lần nữa vào tháng 10 và trong năm tới. Nếu kịch bản này xảy ra, lãi suất cơ bản của Hàn Quốc có thể giảm xuống dưới 1%. Theo ông Kim Dae-ho, việc Mỹ cắt giảm lãi suất có thể mang lại một số thuận lợi cho nền kinh tế Hàn Quốc. 


Lãi suất hạ đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp sẽ giảm bớt gánh nặng trả lãi cho các khoản vay, từ đó có thể mở rộng sản xuất mà không cần vay thêm vốn. Lãi suất thấp sẽ đặc biệt có lợi cho các doanh nghiệp mắc nợ cao, góp phần kích thích nền kinh tế toàn cầu theo một cách nào đó. Do đó, giảm lãi suất có thể là tin tốt cho nền kinh tế Hàn Quốc, vốn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố thương mại bên ngoài. 


Tất nhiên, thật khó để nói rằng lãi suất thấp hơn sẽ dẫn đến sự thúc đẩy kinh tế. Nếu nền kinh tế đang ở tình trạng tồi tệ, cắt giảm lãi suất thậm chí sẽ không thể kích thích đầu tư. Mặc dù vậy, trong tình hình hiện nay, nếu Mỹ hạ lãi suất, kinh tế toàn cầu có thể tránh được một số “tai ương” hiện hữu như tình trạng tăng trưởng thấp. Có thể nói, quyết định lãi suất của FED sẽ quyết định tương lai của nền kinh tế toàn cầu.

Lựa chọn của ban biên tập