Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Hàn Quốc đàm phán thương mại lần 4 với Khối thị trường chung Nam Mỹ

#Tiêu điểm kinh tế l 2019-10-07

© Ministry of Trade, Industry and Energy

Lý do Seoul cần một thỏa thuận thương mại với Mercosur


Được thành lập năm 1991, Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) là khối kinh tế lớn nhất khu vực Nam Mỹ gồm 4 nước là Brazil, Argentina, Paraguay và Uruguay. Mercosur theo đuổi một cộng đồng kinh tế chung như Liên minh châu Âu (EU), đặt mục tiêu thúc đẩy tự do thương mại trong khu vực, đồng thời áp dụng thuế quan chung với các quốc gia bên ngoài. Mercosur thúc đẩy tự do di chuyển hàng hóa, nhân lực và vốn, đồng thời xóa bỏ hàng rào thuế quan giữa các nước thành viên. Vào năm 2012, tổ chức này kết nạp thêm thành viên mới là Venezuela. Tuy nhiên, đến năm 2016, quốc gia giàu dầu mỏ đã bị tước bỏ tư cách thành viên vì không đáp ứng được các tiêu chuẩn thương mại cơ bản, xuất phát từ các cuộc biểu tình của phe đối lập chống lại Chính phủ Tổng thống Nicolas Maduro. Hiện nay, Bolivia đang trong quá trình gia nhập khối kinh tế Nam Mỹ này, trong khi Chile, Colombia và Peru có quan hệ khá chặt chẽ với Mercosur. Mặc dù sở hữu tiềm năng khổng lồ, song Khối thị trường chung Nam Mỹ chưa ký thỏa thuận thương mại với bất kỳ quốc gia châu Á nào. Trong bối cảnh này, vòng đàm phán thương mại thứ 4 giữa Hàn Quốc và Mercosur đã được tổ chức tại thành phố Busan (Hàn Quốc) từ ngày 1/10 đến 4/10, bao quát các lĩnh vực như hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và mua sắm công. Vậy đâu là nguyên nhân khiến Seoul nỗ lực tìm kiếm một hiệp định thương mại với Khối thị trường chung Nam Mỹ? Trong mục “Tiêu điểm kinh tế” tuần này, Tiến sĩ Gwak Dong-cheol từ Viện thương mại quốc tế, thảo luận về nội dung trên.


Mercosur có dân số 260 triệu người với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt hơn 2.000 tỷ USD. Khối kinh tế khổng lồ này là nguồn cung cấp nguyên liệu thô cùng các sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi dồi dào của thế giới. Thật không may, nền kinh tế các nước Mercosur chưa đạt tăng trưởng như mong đợi do giá nguyên liệu thô giảm mạnh, tình hình chính trị bất ổn. Tuy nhiên, gần đây Chính phủ các nước trong khối đang hướng tới chính sách thương mại mới là tích cực cải cách, mở cửa thị trường hơn. Mercosur đã thúc đẩy các cuộc đàm phán thương mại với EU, Canada và Hàn Quốc. Về phần mình, Seoul cần đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu để đối phó tốt hơn với chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang ngày một lan rộng trên toàn cầu. Hàn Quốc cần tận dụng tối đa động thái của Mercosur để thúc đẩy một thỏa thuận thương mại, tiến vào thị trường Mỹ Latin. 


Kim ngạch thương mại Hàn-Mercosur 


Mercosur chiếm hơn 70% GDP của Nam Mỹ. Brazil giàu tài nguyên, là nền kinh tế lớn thứ 9 trên thế giới, và đứng đầu khu vực Trung và Nam Mỹ. Trong khi đó, với chính sách cải cách kinh tế thân thiện với thị trường của Chính phủ, Argentina đang cần tái cơ cấu nền tảng kinh tế. Cả Paraguay, với tốc độ tăng trưởng kinh tế hơn 4% và Uruguay, trung tâm hậu cần của khu vực, cũng góp phần tạo dựng thị trường chung vững chắc. Mercosur hiển nhiên là một thị trường hấp dẫn cho các nhà cung cấp ô tô, hàng điện tử và nhà máy toàn cầu. Là nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu, Hàn Quốc đã bắt đầu nghiên cứu một thỏa thuận thương mại với Mercosur từ năm 2004. Tuy nhiên, trái với mong đợi, kim ngạch thương mại song phương vẫn chưa mấy tiến triển. Ông Gwak Dong-cheol lý giải. 


Kim ngạch giao dịch Hàn-Mercosur đã liên tục giảm kể từ khi đạt đỉnh là 20,8 tỷ USD vào năm 2011. Mặc dù kim ngạch có tăng nhẹ và đạt 11,1 tỷ USD vào năm 2017, nhưng lại bị tụt xuống còn 10,2 tỷ USD vào năm ngoái. Thị trường Mercosur chỉ chiếm 1,2% tổng kim ngạch giao dịch thương mại của Hàn Quốc năm 2017, và dưới 1% trong năm 2018. Seoul chủ yếu xuất khẩu hàng hóa công nghiệp như thiết bị công nghệ thông tin, ô tô, phụ tùng ô tô sang Mercosur, đồng thời nhập khẩu tài nguyên, khoáng sản và nông sản từ khối này, tức phương thức hợp tác thương mại theo hướng bổ trợ lẫn nhau. Tính theo các mặt hàng xuất khẩu của Hàn Quốc năm 2018, chíp bán dẫn có thị phần lớn nhất, đạt 1,1 tỷ USD. Tiếp đó là ô tô, phụ tùng ô tô, nhựa tổng hợp, điện thoại di động và màn hình hiển thị. Chiều ngược lại, Seoul nhập nguyên liệu thô như quặng sắt, bột giấy, thực phẩm và nông sản như các loại hạt. 


Hiệu ứng của thỏa thuận thương mại Hàn-Mercosur 


Kim ngạch thương mại Hàn-Mercosur vẫn còn thấp do chính sách bảo hộ của Khối thị trường chung Nam Mỹ cùng với tình trạng giảm giá nguyên liệu thô và bất ổn chính trị ở Nam Mỹ. Tuy nhiên, hai bên đã nối lại đàm phán vào năm ngoái, khi hai quốc gia thành viên Brazil và Argentina đang bắt đầu cải cách, mở cửa thị trường. Tiến sĩ Gwak Dong-cheol nhận định.


Mercosur đã đề xuất sử dụng cụm từ “Hiệp định thương mại” (TA) thay vì Hiệp định thương mại tự do (FTA), khi cân nhắc đến dư luận không mấy thiện cảm về mở cửa thị trường. Tuy nhiên, về cơ bản, một thỏa thuận thương mại cũng có vai trò như FTA. Nếu ký kết Hiệp định thương mại, các sản phẩm Hàn Quốc xuất khẩu sang Brazil như tân dược, linh kiện điện thoại di động, bình ngưng tụ và máy biến thế sẽ được miễn thuế. Tương tự, xe tải, điện thoại, các linh kiện điện thoại có thể tiến vào thị trường Argentina, trong khi các mặt hàng như ô tô cỡ nhỏ, điện thoại di động, đầu thu vô tuyến, linh kiện xe máy được xuất sang Paraguay và Uruguay. 


Thỏa thuận thương mại Hàn-Mercosur 


Mercosur hiện đang áp thuế 15% với hàng hóa nhập khẩu. Nếu đạt được một thỏa thuận với Mercosur, Hàn Quốc có thể tạo ra hiệu ứng kinh tế lớn, so với các khu vực khác bởi sẽ là nước châu Á đầu tiên đạt được điều này. Đây là nguyên nhân chính khiến Seoul cần đàm phán một cách cẩn trọng và tỉ mỉ. Ông Gwak Dong-cheol đánh giá.


Là quốc gia châu Á đầu tiên đàm phán thương mại với Mercosur, Seoul cần tận dụng cơ hội một cách chủ động và hiệu quả. Các cơ quan thương mại Hàn Quốc cần tìm hiểu rõ hệ thống thuế quan của Mercosur và đề xuất mức thuế phù hợp, chuẩn xác theo từng quốc gia thành viên để mang lại lợi thế cạnh tranh cho các doanh nước nhà trước các đối thủ cạnh tranh. Tất nhiên, khó có thể trông đợi Mercosur sẽ mở cửa thị trường chỉ sau một đêm. Do đó, trước tiên, Seoul cần đạt được một thỏa thuận thương mại cấp thấp, rồi xúc tiến đàm phán bổ sung. Hàn Quốc cần thúc đẩy hợp tác kinh tế với Khối thị trường chung Nam Mỹ từ góc độ dài hạn.


Năm nay, Mercosur đã ký FTA với EU sau 20 năm đàm phán. Một con đường gập ghềnh đầy chông gai đang chờ đợi các cuộc đàm phán giữa Hàn Quốc và Mercosur. Bởi vậy, Seoul cần đưa ra được chiến lược thông minh để tiếp cận thị trường Nam Mỹ với tiềm năng khổng lồ này.

Lựa chọn của ban biên tập