Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Chỉ số giá tiêu dùng tại Hàn Quốc giảm, nỗi lo về nguy cơ giảm phát

#Tiêu điểm kinh tế l 2019-10-14

© YONHAP News

Vật giá giảm tại một số địa phương, dấu hiệu của giảm phát? Tại sao dư luận lo lắng về hiện tượng giảm phát?


Một trong những tin tức kinh tế đáng lo ngại trong những tuần gần đây là chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 9 tăng trưởng âm 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1965, giá tiêu dùng giảm so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số này đã duy trì mức tăng trưởng dưới 1% trong 8 tháng liên tiếp trước khi giảm vào tháng 9, kéo theo nỗi lo về tình trạng giảm phát. Tính theo khu vực, mức giảm tại thành phố cảng Ulsan là 1%, mức giảm mạnh nhất trong 16 tỉnh và thành phố. Giá nhà đất tại thành phố cảng phía Nam này cũng hạ, một phần do tái cấu ngành công nghiệp đóng tàu và ô tô. Tình hình cũng không mấy khác biệt tại các khu vực khác như tỉnh Bắc và Nam Gyeongsang, tỉnh Nam Chungcheong, trong khi nhiều nhà phân tích lo ngại về nguy cơ giảm phát tại khu vực đô thị Seoul. Với nỗi lo giảm phát lan rộng ở các khu vực kinh tế vùng, dư luận lo ngại nền kinh tế Hàn Quốc đang rơi vào giai đoạn đầu của giảm phát. Trong mục “Tiêu điểm kinh tế” tuần này, Chuyên gia kinh tế Chung Chul-jin thảo luận về vấn đề nêu trên.


Nhiều người hay nghĩ đơn giản là giảm phát tốt hơn lạm phát vì giá cả giảm thì sẽ mua được nhiều hơn. Tuy nhiên, đối với nền kinh tế, giảm phát thực tế ảnh hưởng nghiêm trọng hơn. Nếu thấy giá cả giảm, bạn sẽ tiết kiệm tiền, hạn chế chi tiêu để chờ đợi vật giá có thể rẻ hơn trong 3 hay 6 tháng tới. Nếu mọi người đều lựa chọn cách giữ tiền, bớt chi tiêu, tiêu dùng sẽ giảm khiến cho hàng hóa của các doanh nghiệp sẽ bị tồn kho. Do đó, doanh nghiệp sẽ phải giảm đầu tư, ngừng tuyển dụng, ảnh hưởng tiêu cực đến thu nhập hộ gia đình và lĩnh vực tài chính. Còn Chính phủ sẽ gặp khó khăn trong việc thực thi các biện pháp tài khóa do nguồn thu thuế giảm. Có thể nói, nền kinh tế sẽ mắc kẹt trong một vòng luẩn quẩn tồi tệ. 


Chính phủ Hàn Quốc nhận định “khả năng giảm phát là thấp”


Giảm phát là hiện tượng tiêu dùng chậm chạp dù giá tiêu dùng giảm trong thời gian dài, cho thấy nền kinh tế thu hẹp. Nhật Bản từng trải qua thời kỳ giảm phát khủng khiếp khi nền kinh tế nước này bắt đầu tăng trưởng chậm lại vào năm 1991 khi bong bóng tài sản đổ vỡ. Tokyo đã hứng chịu cuộc suy thoái kéo dài với mức tăng trưởng kinh tế chỉ đạt trung bình 1,1%/năm cho đến năm 2001. Trong thời kỳ đó, các ngân hàng tại Nhật đã mất khả năng thanh khoản, các doanh nghiệp, hộ gia đình phá sản và giá tài sản giảm. Chính phủ Hàn Quốc hiện đang bác bỏ khả năng giảm phát. Chuyên gia Chung Chul-jin cho biết thêm. 


Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK), Bộ Kế hoạch và Tài chính, và Cục Thống kê quốc gia Hàn Quốc đều cho rằng không có dấu hiệu giảm phát nghiêm trọng. Các cơ quan này đã viện dẫn đến “hiệu ứng cơ sở” (Base Effect) để giải thích cho việc chỉ số giá tiêu dùng thấp kỷ lục vào cùng kỳ năm ngoái. Hiệu ứng cơ sở là hiện tượng các chỉ số có thể bị sai lệch đi so với giá trị thực tế tùy theo thời điểm được lấy làm căn cứ để tính các chỉ số đó. Nhà chức trách cũng chỉ ra rằng giá dầu và giá thực phẩm thấp hơn trong năm nay đã kéo chỉ số giá tiêu dùng tổng thể xuống, đồng thời cho rằng vẫn còn quá sớm để kết luận nền kinh tế Hàn Quốc đang bước vào thời kỳ giảm phát nếu chỉ nhìn vào việc vật giá giảm trong 2 tháng gần đây. 


Đánh giá của các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước


BOK dự báo rằng chỉ số giá tiêu dùng sẽ tăng trưởng trở lại vào nửa cuối năm nay. Từ quý I năm 1990 đến quý II năm nay, giá tiêu dùng tại các nền kinh tế lớn đã giảm 356 lần tính theo quý, đồng nghĩa nhiều quốc gia đã trải qua thời kỳ giảm giá tiêu dùng. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, vật giá đã tăng trở lại chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Ngân hàng trung tương Hàn Quốc đã dựa vào thực tế này để đưa ra nhận định của mình. Mặc dù vậy, các tổ chức lớn trong và ngoài nước đều đang gióng hồi chuông cảnh báo về tình trạng giảm phát tại Hàn Quốc. Ông Chung Chul-jin nhận định.


Rất ít tổ chức tài chính đưa ra dự báo chỉ số giá tiêu dùng tại Hàn Quốc sẽ tăng. Tập đoàn tài chính ING (Hà Lan), Ngân hàng Barclays (Anh) và hãng đánh giá tín nhiệm quốc tế Fitch đã dự báo tỷ lệ giá tiêu dùng lạm phát sẽ ngấp nghé 1%, trong khi hãng tin Bloomberg (Mỹ) cũng hạ triển vọng. Điều này phần nào cho thấy triển vọng giá tiêu dùng và tăng trưởng tiềm năng của Hàn Quốc giảm. Một tín hiệu không mấy sáng sủa khác là dự báo tỷ lệ lạm phát trong năm tới là 1,8%, dưới ngưỡng 2%. Trong bối cảnh nền kinh tế Hàn Quốc hiện nay, tỷ lệ lạm phát dự kiến cần phải đạt 2,5% hoặc cao hơn. Nhìn chung, chỉ số giá tiêu dùng vẫn ở mức khá thấp. 


Biện pháp đối phó với tình trạng giảm phát?


Các chuyên gia đang chú ý đến lạm phát lõi (core inflation), tức là chỉ số vật giá loại bỏ những thay đổi mang tính chất tạm thời hay cú sốc về giá, như sự tăng hay giảm của giá dầu, giá lương thực, tâm lý nhất thời của cộng đồng dân cư. Lạm phát lõi tăng trưởng thấp đồng nghĩa với tiêu dùng yếu. Lạm phát lõi ở Hàn Quốc giữ ở mức 0% từ tháng 3 năm nay, và tăng lên 0,6% vào tháng 9. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1999, lạm phát lõi tăng hơn 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc Hàn Quốc có đi vào thời kỳ giảm phát hay không. Nhưng điều quan trọng hơn cả là đánh giá tình hình và đưa ra các biện pháp kịp thời. Ông Chung Chul-jin đánh giá.


Nếu lạm phát trong tháng 10 vẫn ở mức thấp, dưới 0%, các nhà chức trách nên dừng tranh cãi và bắt tay vào giải quyết tình hình ngay lập tức. Trước hết, cần khôi phục niềm tin của người tiêu dùng, yếu tố liên quan trực tiếp đến giảm phát. Nếu người tiêu dùng tiếp tục giữ suy nghĩ “ngồi trên một đống tiền mặt” và chi tiêu ít hơn, tình hình sẽ càng trở nên khó khăn. Đó cũng là lý do Chính phủ duy trì quan điểm chống giảm phát. Để khuyến khích người tiêu dùng mở hầu bao, Chính phủ cần áp dụng các chính sách tài chính, tiền tệ mạnh mẽ hơn. Việc cắt giảm lãi suất có thể là một lựa chọn. Tuy nhiên cắt giảm lãi suất 0,25%/năm sẽ chỉ có tác động hạn chế đến tiêu dùng. Chính phủ có thể tăng trợ cấp cho các chương trình phúc lợi, hay thực hiện chính sách tài khóa mở rộng tích cực hơn thông qua việc khởi động các dự án vốn xã hội một cách kịp thời, để tạo ra các hiệu ứng ngắn hạn.  


Nhà kinh tế học Paul Krugman, người từng đạt giải Nobel kinh tế, cho rằng việc thận trọng tiếp cận vấn đề giảm phát có thể chỉ tăng rủi ro; và rủi ro từ nỗi lo rơi vào bẫy giảm phát thậm chí còn lớn hơn rủi ro từ nỗi lo phải vượt qua giảm phát trong một thời gian. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực ngăn chặn giảm phát, song Hàn Quốc cần tiến thêm một bước nữa, tập trung tìm ra các biện pháp cải thiện tâm lý người tiêu dùng.

Lựa chọn của ban biên tập