Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực và triển vọng đối với nền kinh tế Hàn Quốc

#Tiêu điểm kinh tế l 2019-11-11

© YONHAP News

RCEP – Hiệp định FTA đa phương quy mô lớn nhất thế giới. Sự trở lại của Hiệp định thương mại tự do?


Ngày 4/11 tại thủ đô Bangkok (Thái Lan), lãnh đạo 15 nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã tuyên bố đạt thỏa thuận về nội dung Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), hiệp định FTA đa phương có quy mô lớn nhất thế giới. Thành viên của RCEP gồm 10 nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 6 quốc gia khác là Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand và Ấn Độ. Khối kinh tế này có tổng dân số 3,6 tỷ người, chiếm 48% GDP toàn cầu. Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), tổng quy mô kinh tế của 16 nền kinh tế là 25.000 tỷ USD trong năm 2017, chiếm một phần ba GDP toàn cầu. Thêm vào đó, các nước thành viên của RCEP có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn các nền kinh tế tiên tiến như Mỹ và các nước châu Âu, đồng thời nhiều quốc gia có dân số trẻ. Đó là lý do tại sao khu vực này được gọi là động lực tăng trưởng mới cho thương mại quốc tế. Những nỗ lực kết nối thị trường khổng lồ này bắt đầu từ năm 2012 do Trung Quốc khởi xướng. Vào năm 2013, vòng đàm phán đầu tiên của Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực chính thức bắt đầu. Sau 7 năm nỗ lực đàm phán, các nước đã nhất trí chính thức ký thỏa thuận vào năm 2020. Trong mục “Tiêu điểm kinh tế” tuần này, ông Kim Dae-ho, Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế toàn cầu phân tích ý nghĩa và triển vọng của Hiệp định RCEP.


Chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đã và đang lan rộng trên toàn cầu, nhiều quốc gia đang lao đao trong những cuộc chiến thương mại khốc liệt, đặc biệt kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền. Hệ quả là các FTA nhanh chóng biến thành những văn bản vô giá trị, trong khi thương mại toàn cầu bị chi phối bởi “luật rừng”, nước lớn buộc nước nhỏ phải hạ thuế quan và mở cửa thị trường. Trong bối cảnh đó, kết luận tạm thời của RCEP thể hiện sự hồi sinh của Hiệp định thương mại tự do, chống chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, và tôi cho rằng đây là bước đi có ý nghĩa lớn đối với nền kinh tế toàn cầu.


Cơ hội để Hàn Quốc đa dạng hóa điểm đến xuất khẩu


Đặc biệt, với Hàn Quốc, Hiệp định FTA đa phương này dự kiến sẽ làm giảm những bất ổn kinh tế do hậu quả của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Giám đốc Kim Dae-ho cho biết thêm. 


Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực dự kiến sẽ giúp Hàn Quốc mở rộng phạm vi trao đổi kinh tế tới nhiều điểm đến xuất khẩu và nhập khẩu mới. Về xuất khẩu, Hàn Quốc hiện đang phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc và Mỹ. Do đó, bất kỳ tranh chấp thương mại nào giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này đều sẽ tác động mạnh đến kinh tế Hàn Quốc. Tuy nhiên, nếu RCEP có hiệu lực, Hàn Quốc có thể đa dạng hóa điểm đến xuất khẩu sang Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam, Phillipines, New Zealand, Australia, bên cạnh hai nước G2. Tất nhiên, Hàn Quốc vẫn có thể xuất khẩu sản phẩm sang các quốc gia này dù không có RCEP. Tuy nhiên, Seoul sẽ phải đàm phán FTA song phương với từng quốc gia. Thay vào đó, Hàn Quốc có thể sử dụng RCEP để xuất khẩu và nhập khẩu sản phẩm từ 15 quốc gia một cách dễ dàng và hiệu quả hơn.


Thách thức đối với ngành nông nghiệp khi RCEP được ký kết


Theo Viện nghiên cứu kinh tế Hàn Quốc, việc ký kết RCEP sẽ giúp GDP của Hàn Quốc tăng thêm 1,1% mỗi năm, tương đương 1,1 tỷ USD thu nhập của người tiêu dùng, giúp cải thiện số dư tài khoản vang lãi thêm 28,7 tỷ USD về trung và dài hạn. Các nhà sản xuất Hàn Quốc về điện, điện tử và ô tô sẽ được hưởng lợi từ hàng rào thuế quan thấp hơn, nhờ đó tăng cường xuất khẩu sang 15 nước. RCEP dự kiến sẽ thúc đẩy đầu tư vào ngành dịch vụ. Tuy nhiên, RCEP cũng có thể tác động tiêu cực đến một số ngành công nghiệp của Hàn Quốc. Ông Kim Dae-ho nhận định.


Nhiều nước thành viên RCEP là các nước nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh trong ngành. Chẳng hạn, Việt Nam và Thái Lan nổi tiếng về xuất khẩu lúa gạo. Một số ý kiến lo ngại rằng Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực có thể ảnh hưởng tiêu cực đến ngành nông nghiệp của Hàn Quốc, vốn có sức cạnh tranh kém và dễ bị tổn thương khi mở cửa thị trường. 


Hướng đến thị trường chiếm một nửa dân số toàn cầu


Theo Viện kinh tế nông thôn Hàn Quốc, Seoul đã xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp trị giá 3,15 tỷ USD sang các nước trong khuôn khổ RCEP trong năm 2015, trong khi đó nhập khẩu tới 6,68 tỷ USD các sản phẩm nông nghiệp từ các nước này. Do vậy, khi đạt được thỏa thuận cuối cùng, hiệp định đa phương này có khả năng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nông dân Hàn Quốc về lúa mạch, khoai lang, bắp cải, hành và tỏi. Một vấn đề khác là Ấn Độ đã từ chối thỏa thuận tuần trước. Quốc gia Nam Á này tỏ ra khá thụ động về RCEP, do lo ngại một khối lượng lớn các sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc sẽ chảy vào nước này. Tuy nhiên, các nước thành viên RCEP dự kiến sẽ tiếp tục đàm phán với Ấn Độ để có thể ký kết thỏa thuận vào năm tới. Giám đốc Kim Dae-ho đánh giá.


Thật khó để nói rằng thỏa thuận đã hoàn tất. Hiện tại, Hàn Quốc có một số nhiệm vụ quan trọng. Seoul cần chuẩn bị kỹ lưỡng để điều chỉnh thuế quan theo cách tối đa hóa lợi ích và giảm thiệt hại tiềm tàng từ RCEP. Tôi cho rằng Hàn Quốc cần giải thích đầy đủ tình hình nông nghiệp của mình cho các thành viên và thuyết phục để được một khoảng thời gian ân hạn, giống như việc giữ vị thế nước đang phát triển về nông nghiệp trong Tổ chức thương mại thế giới (WTO) trong một thời gian dài. Seoul cũng cần đàm phán các điều khoản cụ thể liên quan đến từng lĩnh vực.  


Trong 7 năm qua, các quốc gia đã trải qua 28 vòng đàm phán chính thức, 16 hội nghị cấp bộ trưởng và ba cuộc gặp thượng đỉnh để đi đến một thỏa thuận tạm thời về Hiệp định FTA đa phương. Tuy nhiên, các nước vẫn cần nỗ lực đưa ra các kế hoạch cẩn trọng và chân thành trong đàm phán vì thịnh vượng chung của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Lựa chọn của ban biên tập